Thông tin này được Tổng cục Thống kê cho biết trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế nửa đầu năm 2022 diễn ra sáng nay (29/6).
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2022 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng GDP quý 2 cao nhất trong giai đoạn từ 2011 – 2021.
Với kết quả này, GDP 6 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ các năm 2018 và 2019 (thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7% (đóng góp 48,33%); khu vực dịch vụ tăng 6,6% (đóng góp 46,6%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,13%.
Về cơ cấu nền kinh tế, trong nửa đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,3%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%; ngành khai khoáng tăng 2,28%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,62%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Tính đến ngày 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51%.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 15/6/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỉ đồng, giảm 18,4% so với cuối năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.649 tỉ đồng/phiên, tăng 0,2% so với bình quân năm trước./.