GDP Quý 1/2019 thấp hơn kịch bản thấp nhưng là “hợp lý với định hướng điều hành”

VietTimes -- TS. Võ Trí Thành cho biết Chính phủ lo mức tăng trưởng GDP Quý 1/2019 thấp hơn so với kịch bản thấp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Nhưng theo vị chuyên gia này, mức tăng trưởng đang ở mức “hợp lý với định hướng điều hành”.
Quang cảnh buổi Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 với chủ đề “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” (Ảnh: P.D)
Quang cảnh buổi Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 với chủ đề “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” (Ảnh: P.D)

Buổi Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 (ngày 25/3/2019) với chủ đề “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” đã được tổ chức tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế.

Nỗ lực thu thuế của Việt Nam tăng nhưng số thu vẫn giảm

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) - đề cập tới 3 khía cạnh quan trọng để xây dựng được chính sách tài khóa tiết kiệm, công bằng và bền vững.

Trước hết, chuyên gia WB đặt vấn đề làm như thế nào để tạo khoảng đệm tài khóa đồng thời đảm bảo bền vững tài khóa.

Số liệu được công bố cho thấy, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng cao và đạt đỉnh vào năm 2016 với mức 63,7%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, tỷ lệ này được giảm xuống mức 61,5% GDP.

Mức nợ công tăng cũng đồng nghĩa với việc rủi ro đối với tăng trưởng và ổn định trong tương lai cũng tăng theo. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và củng cố tài khóa như thắt chặt chi tiêu đã bắt đầu phát huy tác dụng làm ổn định tình hình nợ công

Vị chuyên gia kinh tế của WB cũng ghi nhận nỗ lực thu thuế của Việt Nam đã có phần cải thiện rõ rệt trong giai đoạn 2005 - 2009, nhưng số thu có xu hướng giảm trong vài năm gần đây với mức trung bình chỉ hơn 23% GDP.

Ông Sebastian Eckardt cũng nêu rõ 3 nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác thu thuế của Việt Nam, bao gồm: (1) giá dầu thấp làm giảm doanh số bán dầu; (2) Tự do hóa thương mại làm giảm thuế xuất nhập khẩu và (3) Thay đổi chính sách thuế (cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi để thu hút vốn đầu tư FDI) nhằm thúc đầy đầu tư và tăng trưởng.

Bày tỏ lạc quan về khả năng cải thiện thu ngân sách của Việt Nam, vị chuyên gia kinh tế của WB cho biết chính phủ vẫn còn khả năng nâng cao hiệu quả hệ thống, giữ mức thâm hụt thấp để giảm dần nợ và sử dụng một số nguồn vốn khác ngoài đi vay (nguồn vốn từ cổ phần hóa…).

Tuy nhiên, việc củng cố tài khóa cũng sẽ gây áp lực lên các khoản đầu tư của chính phủ. Ông Sebastian Eckardt nhận định nếu tiếp tục cắt giảm đầu tư mà không tiến hành cải cách sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của Việt Nam.

Về vấn đề chi tiêu công hiệu quả sao cho hiệu quả nhất, số liệu được chuyên gia này công bố cho thấy tổng chi lương của chính phủ cao hơn so với trung bình của khu vực và bằng các nước thu nhập trung bình.

Mặt khác, mức độ phi tập trung hóa chi đầu tư cơ bản của Việt Nam lại thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này dẫn đến rủi ro các dự án quá dàn trải, phối hợp kém giữa ngân sách và kế hoạch cả nước và kế hoạch phát triển ngành gây ra tình trạng chậm trễ, cắt giảm quy mô, chậm thanh toán tại nhiều dự án.

Số liệu cũng cho thấy chi ngân sách của Việt Nam đạt kết quả tốt nhưng vẫn chưa triệt để tiết kiệm tại nhiều ngành như: giáo dục, y tế, nông nghiệp và giao thông đường bộ.

Đối với vấn đề đảm bảo chính sách tài khóa vì người nghèo, ông Sebastian Eckardt cho biết chính sách tài khóa đang hướng tới đối tượng này, nhất là về phía chi, góp phần tích cực vào việc hạn chế tình trạng bất động sản, xóa đói giảm nghèo.

Tiến hành cải cách chi theo chiều sâu nhằm đảm bảo tiết kiệm vào công bằng, chú trọng tới các loại dịch vụ công cốt lõi và hệ thống nợ công toàn diện; đảm bảo trách nhiệm giải trình; dự trù cho các biến động, kể cả hiện tượng già hóa dân số.

Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - trình bày tại buổi hội thảo (Ảnh: P.D)
 Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - trình bày tại buổi hội thảo (Ảnh: P.D)

Cần chuẩn bị cho những biến động khó lường

Tại phiên thảo luận, TS. Võ Trí Thành cho biết Chính phủ lo mức tăng trưởng GDP Quý 1/2019 thấp hơn so với kịch bản thấp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Nhưng theo vị chuyên gia này, mức tăng trưởng đang ở mức “hợp lý với định hướng điều hành”.

Môi trường kinh tế thế giới năm 2019 được TS. Võ Trí Thành đánh giá có “tính bất định vẫn rất cao, mặc dù đã có suy giảm”. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Mỹ (2 đối tác lớn nhất của Việt Nam) đang suy giảm nhanh so với dự báo được đưa ra cách đây 2-3 tháng.

Trong đó, Trung Quốc đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng trong khoảng từ 6 - 6,5%, một điều mà theo TS. Võ Trí Thành là “chưa bao giờ có trong lịch sử”.

“Chính sách tiền tệ Việt Nam rất thận trọng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Thế nhưng, giả sử 6 tháng cuối năm nền kinh tế thế giới giảm mạnh hơn (chưa đến mức suy thoái) thì chính sách thận trọng ấy “phải linh hoạt” như thế nào?” - TS. Võ Trí Thành đặt vấn đề.

Ông Thành chia sẻ nguyên tắc “vàng” trong chính sách tài khóa là thu phải lớn hơn chi và tỏ ra đồng tình với những lý do mà chuyên gia WB đưa ra để lý giải sự sụt giảm nguồn thu ngân sách của Việt Nam. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, nguồn thu của Việt Nam gần đây chủ yếu từ thuế đất nhưng nguồn này giờ cũng có dấu hiệu bắt đầu chững lại (trường hợp của Đà Nẵng và một số thành phố khác).

Phương án đánh thuế tài sản được xem là giải pháp thay thế nhưng những lần đưa ra năm 2014 hay gần đây đều “bị ý kiến”. Trong khi đó, giải pháp chuyển từ thuế trực thu sang thuế gián thu một cách hợp lý cũng  cần phải được xem xét một cách căn cơ và phù hợp.

Về vấn đề hiệu quả của đầu tư công, xét trên bài toán tổng thể, TS. Võ Trí Thành chia sẻ ý kiến cá nhân cho biết Việt Nam đang chịu áp lực lớn nhất ở hoạt động chi ngân sách. Việc tiến hành cải cách ở bên “thu” mà không tập trung vào bên “chi” cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Chi lương cho công chức của Việt Nam quá cao, mà lương của từng công chức lại quá thấp” - TS. Võ  Trí Thành chỉ ra nghịch lý trong việc chi thường xuyên của Việt Nam và cho biết này dẫn đến rủi ro trợ cấp xã hội rất lớn. Đây là vấn đề còn lớn hơn so với cả chi cho đầu tư phát triển.

Cũng tại phần thảo luận, TS. Cấn Văn Lực gợi ý làm rõ nguyên nhân gây ra sự biến động trong cơ cấu thu chi của ngân sách trong năm 2018. Bên cạnh đó, ông Lực cho biết việc phối hợp tốt hơn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ đem lại sự bền vững.

Các chính sách tài khóa nên thúc đẩy toàn diện và bao trùm, được hậu thuẫn bằng nguồn thu thuế bền vững hơn.

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực trích dẫn khuyến nghị của IMF về một số giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn như: (1) tạo nguồn cung về lao động tích cực qua chính sách thuế; (2) khuyến khích tiết kiệm qua công cụ thuế (không đánh thuế tiền gửi, miễn thuế nếu mua TPCP, miễn thuế trong các hoạt động đầu tư của DN); (3) khuyến khích đầu tư vào con người, nguồn nhân lực và (4) khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào khoa học công nghệ./.