GDP cứ tăng mà dịch bệnh cứ lan nhanh, con người sẽ phải trả giá

Đã đến lúc phải nói thật với nhau thế này: chỉ một phần khá nhỏ của hoạt động kinh tế là để nuôi sống loài người, phần còn lại, từ nhân lực đến nguyên liệu, từ sử dụng năng lượng đến tiêu tốn sức lực cho quảng bá sản phẩm, chỉ đem lại lợi ích cho một số người nhất định trong khi không đóng vai trò gì thiết yếu cho sự tồn tại của nhân loại.
GDP tăng mà dịch bệnh lan nhanh, hành tinh này sẽ phải tự điều chỉnh và con người sẽ phải trả giá. Ảnh minh họa Thành Hoa.
GDP tăng mà dịch bệnh lan nhanh, hành tinh này sẽ phải tự điều chỉnh và con người sẽ phải trả giá. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Nay biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không loại trừ cả sự bùng phát dịch bệnh như hiện nay làm các nhà kinh tế phải suy nghĩ lại mô hình phát triển của nhân loại. Tờ New Yorker đặt vấn đề: Liệu chúng ta có được thịnh vượng mà không cần tăng trưởng chăng?

Câu hỏi này là một hình thức chất vấn sự khôn ngoan của loài người khi cố gắng sản xuất ngày càng nhiều hàng hóa tiêu dùng bất kể hoạt động đó đang tàn hại môi trường sống như thế nào. Giorgos Kallis, một nhà kinh tế học tại đại học Barcelona viết trên tuyên ngôn “Dừng tăng trưởng” rằng: “Chúng ta càng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhanh chừng nào thì càng gây hại cho môi trường chừng đó.

Nếu loài người không muốn hủy diệt các hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh này thì nền kinh tế toàn cầu phải chạy chậm trở lại”.

Phong trào phê phán tăng trưởng bằng mọi giá đang nhận được sự chú ý của công chúng. Nhiều ý kiến được đưa ra, chẳng hạn có người chủ trương tháo gỡ toàn bộ hệ thống chủ nghĩa tư bản chứ không chỉ ngành công nghiệp năng lượng hóa thạch; cũng có người hình dung một tương lai trong đó sản xuất vì lợi nhuận sẽ tiếp tục nhưng nền kinh tế sẽ được vận hành theo cách khác.

Trong cuốn “Thịnh vượng mà không tăng trưởng: Các nền tảng cho nền kinh tế tương lai”, giáo sư Tim Jackson, Đại học Surrey ở Anh kêu gọi các nước phương Tây chuyển từ sản xuất đại trà sang cung ứng dịch vụ địa phương - như chăm sóc người bệnh, dạy học, làm nghề thủ công... tức những ngành nghề không dùng nhiều nguồn lực thiên nhiên. Loài người vẫn có thể hưng thịnh mà không cần tích lũy thêm hàng hóa, ông viết.

Ngay cả những tiếng nói trong lĩnh vực kinh tế học chính thống cũng đang chất vấn tầm quan trọng được gán cho GDP. Hai nhà kinh tế học mới đoạt giải Nobel năm 2019 là Abhijit Banerjee và Esther Duflo cho rằng GDP lớn hơn không nhất thiết có nghĩa sự phồn vinh của người dân tăng thêm, nhất là khi miếng bánh GDP không được chia đều cho mọi người.

Các công trình nghiên cứu của họ cho thấy thay vì chạy theo ảo vọng tăng trưởng, chính quyền các nước nên tập trung vào các biện pháp cụ thể đem lại lợi ích cụ thể như giúp người nghèo tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục và thăng tiến xã hội. Một khi lợi ích của tăng trưởng kinh tế chỉ rơi vào tay một nhóm người, dù đó là các gã khổng lồ về công nghệ hay các tập đoàn tài chính, rối loạn xã hội sẽ diễn ra như một tất yếu.

Ở đây cần nhận định tỉnh táo rằng kinh tế các nước phát triển tăng trưởng rất chậm so với tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển: điều đó không có nghĩa các nước giàu yếu kém hơn mà chính các nước nghèo đang đốt cháy nguồn lực của họ nhiều hơn.

Khi một nước chuyển dịch từ sản xuất sang dịch vụ, họ sẽ giảm bớt việc gây tổn hại cho môi trường nước họ; mà dịch vụ thì không thể tăng năng suất nhanh như sản xuất nên tăng trưởng chậm lại là đương nhiên. Việc phân bổ nguồn lực từ hàng hóa sang dịch vụ, chính vì thế được nhiều nhà kinh tế xem là một chỉ dấu thành công cho một xã hội.

Thế nhưng ngay cả chỉ tăng trưởng 2% mỗi năm, nền kinh tế Mỹ sẽ có quy mô tăng gấp đôi vào năm 2055 và một thế kỷ nữa, quy mô này sẽ tăng gấp tám lần so với hiện nay. Cứ tăng trưởng như thế, và nên nhớ các nền kinh tế đang phát triển tăng nhanh hơn thì rất dễ hình dung một kịch bản vào cuối thế kỷ tới, GDP toàn cầu sẽ tăng gấp 50 lần, thậm chí cả 100 lần! Hành tinh nào chịu nổi mức độ gia tăng như thế? Môi trường nào hấp thụ nổi các độc hại do quá trình sản xuất quy mô kinh khủng như thế gây ra?

Cháy rừng, băng tan, hạn hán, lũ lụt và ngay là dịch bệnh bùng phát là hồi chuông cảnh tỉnh loài người phải cân nhắc lại mô hình phát triển, chứ GDP cứ tăng mà dịch bệnh cứ lan nhanh, hành tinh này sẽ phải tự điều chỉnh và con người sẽ phải trả giá.

Theo TBKTSG