|
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (ở giữa) tham dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước EU ở Riga |
Hội nghị thượng đỉnh hồi tuần trước là hội nghị đầu tiên giữa lãnh đạo các nước EU với 6 nước cựu Xô-viết kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên hồi năm ngoái. Mục đích của hội nghị này được cho là để tập hợp lực lượng đối phó với Nga. Tuy nhiên, sau các cuộc hội đàm, người ta thấy nổi rõ một thực tế là nhiều thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) hoàn toàn không thấy thoải mái khi phải đối đầu với Moscow. Điều này đã khiến các nước như Ukraine, Gruzia và Moldova không khỏi cảm thấy “ớn lạnh”.
Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh giữa EU và 6 nước cựu Xô-viết dài lê thê với những biệt ngữ về hợp tác kinh tế và dân chủ đã làm thất vọng những nước đang tìm kiếm một lời cam kết vững chắc của EU về việc họ sẽ được gia nhập vào liên minh phương Tây này. Và mặc dù từ “Nga” chỉ xuất hiện một lần trong bản tuyên bố dài đến 5.000 từ nhưng nó lại chính là “bóng ma” ám ảnh bữa tiệc của EU và 6 nước cựu Xô-viết.
Chính tại hội nghị thượng đỉnh như vậy lần mới nhất gần đây ở thủ đô Vilnius của Lithuania cách đây 18 tháng, Tổng thống Ukraine khi đó là ông Yanukovych đã gây ra một cuộc khủng hoảng Đông-Tây khi bác bỏ thoả thuận hợp tác với EU. Động thái này đã gây ra làn sóng biểu tình “Euromaidan” ở thủ đô Kiev, buộc ông này phải chạy sang Nga. Chính quyền của ông Yanukovych sau đó đã sụp đổ. Chính phủ mới lên cầm quyền và tiếp theo đó xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga rồi đến cuộc xung đột đẫm máu bùng nổ ở miền đông Ukraine.
"Có rất nhiều nội dung tốt trong bản tuyên bố đó”, một nhà ngoại giao cấp cao của EU tham gia phác thảo bản tuyên bố của hội nghị ở Riga đã nói như vậy. "Nhưng tất cả đều bị che mờ bởi sự khăng khăng của Nga rằng đây là trò chơi một mất một còn nhằm vào Nga".
Sự chia rẽ sâu sắc
Có một sự mâu thuẫn, chia rẽ sâu sắc giữa 6 nước cựu Xô-viết được EU mời vào “Đối tác Phương Đông” năm 2009. Ukraine, Gruzia và Moldova đang hối hả muốn bước chân vào cửa EU, tìm cách xa rời “gấu Nga” bằng mọi cách. Trong khi đó, Armenia, Azerbaijan và Belarus thể hiện một lập trường nước đôi hơn cũng giống như Brussels tỏ ra lạnh nhạt hơn với họ.
Tuy nhiên, bản thân trong nội bộ các nước thành viên EU cũng có sự chia rẽ.
Một số nước thành viên EU đến từ phía đông muốn EU áp dụng một lập trường cứng rắn hơn đối với Moscow và mở cửa cho các nước láng giềng của họ. Thủ tướng 35 tuổi của Estonia – ông Taavi Roivas, cho rằng, không nên có “bất kỳ cản trở nào” đối với việc gia nhập EU một khi các nước đáp ứng được tiêu chuẩn về quản trị của Brussels.
Tuy nhiên, với việc những người đóng thuế ở phương Tây lo ngại chi phí mở rộng EU, đặc biệt khi để cho một quốc gia Ukraine chồng chất nợ với 45 triệu dân gia nhập vào liên minh này, các nhà lãnh đạo EU đang hướng tới việc nới lỏng tình trạng căng thẳng gây hại về mặt kinh tế với Tổng thống Putin đồng thời làm xẹp bới cái mà Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là “kỳ vọng quá mức” của các nước láng giềng Nga vào việc gia nhập EU.
Tổng thống Pháp Francois Hollande – một đối tác của Thủ tướng Merkel trong việc tìm kiếm hoà bình ở Ukraine, đã nhấn mạnh, việc gia nhập EU “không phải là một quyết định đưa ra mà không có điều kiện gì”.
Nhấn mạnh đến những vấn đề đang tồn tại ở sườn phía nam của Châu Âu, ở Trung Đông và tình trạng làn sóng nhập cư bất hợp pháp ở Địa Trung Hải, ông Hollande khẳng định sự cần thiết phải có sự hợp tác giữa EU với Moscow.
"Chúng ta không được biến Đối tác Phương Đông này thành một cuộc xung đột thêm nữa với Nga. Tôi chắc chắn rằng Liên minh Châu Âu và Nga có thể thảo luận trực tiếp với nhau để hướng tới tương lai”, Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu.
Moscow phản đối mạnh mẽ việc liên minh phương Tây mở rộng khối EU sang hướng đông. Đại diện của Nga tại EU cho rằng, “toàn bộ dự án của EU là chỉ để theo đổi mục đích chia tác các nước ra khỏi chúng tôi”, buộc họ phải lựa chọn “hoặc là đi với EU, hoặc là ở lại với Nga”.
EU đương nhiên là bác bỏ cáo buộc của Nga. "Đối tác phương Đông không phải là một cuộc thi sắc đẹp giữa Nga và EU”, chủ toạ hội nghị thượng đỉnh – ông Donald Tusk đã nói như vậy.
Có thể nói, sự chia rẽ của EU đã phá tan hy vọng của Ukraine, Moldova và Gruzia về việc sẽ nhận được một lời cam kết chắc chắn rằng họ cuối cùng cũng sẽ được gia nhập EU.
Cuộc khủng hoảng Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên cũng như bất chấp việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Theo: VnMedia