Kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại TP.HCM

“Gào thét” môn Sử, nhưng nhiều sĩ tử tự tin đạt 8 điểm đề thi Địa

VietTimes - Sáng nay (27/6), các thí sinh khối 12 tiếp tục bước vào buổi thi môn tổ hợp Khoa học Xã hội. Đây cũng là nhóm bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Thí sinh của Hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội
Thí sinh của Hội đồng thi Trường THPT Lương Thế Vinh kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội

Kết thúc buổi thi sáng nay, một số giáo viên và thí sinh nhận định rằng, tổ hợp các môn Khoa học Xã hội (Lịch sử - Địa Lý- Giáo dục công dân) khá bám sát chương trình học. Đề thi có tính phân loại nhưng không khó để đạt điểm mức trung bình.

Ghi nhận tại hai điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh và Trường THCS Âu Lạc (Quận Tân Bình), nhiều thí sinh bước ra khỏi điểm thi với nhiều tâm trạng vui buồn lẫn lộn. “Môn Sử có thể dễ dành điểm 6 nhưng đạt trên 7 điểm thì khó. Có 3-4 câu nằm ngoài chương trình học” - thí sinh Quốc Phong (Trường THPT Thái Bình) chia sẻ.

Nhận xét chung về đề thi các môn trong tổ hợp, Hoàng Quế Anh (lớp 12C2, Trường THPT Hai Bà Trưng) cho rằng: “Với môn Lịch sử, đề thi khá dài so với thời gian 50 phút có thể không kịp để làm bài. Đề thi đòi hỏi sự hiểu biết xã hội nhiều hơn so với kiến thức đã học. Từ câu 25 trở về sau, đề thi bắt đầu có sự phân hóa rất cao và đòi hỏi kiến thức lớp 11 như các phong trào của những năm 80”.

Xét tuyển vào khối C, thí sinh Quế Anh lại tỏ ra thích thú với đề thi môn Giáo dục công dân: ‘Mặc dù đề thi hơi, dài khiến dễ bị rối và  một số câu hỏi về Luật hơi “khó nhằn”, còn lại phần lớn các câu hỏi mang tính giáo dục tốt. Thí sinh không cần ghi nhớ máy móc kiến thức mà cần có sự vận dụng linh hoạt thực tiễn. Với môn Giáo dục công dân và Địa lý, em ước chừng đạt khoảng 7-8 điểm".

 
 
 
Đề thi chính thức môn Giáo dục công dân của kỳ thi THPT quốc gia 2019
Đề thi chính thức môn Giáo dục công dân của kỳ thi THPT quốc gia 2019

Theo đánh giá của các thí sinh, Địa lý là môn môn thi“dễ thở”, thí sinh biết cách xử lý số liệu, liên hệ chương trình học với vốn kiến thức thực tiễn thì sẽ đạt điểm khá cao. Phần kiến thức cơ bản chiếm 6-7 điểm. Một số câu có thể dựa vào Atlat để khai thác đáp án.

Nhận định về môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Kim Quyên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) cho rằng: “Đề năm nay nhẹ hơn năm trước. Đề bám sát kiến thức sách giáo khoa, các em học nghiêm túc, ở mức trung bình khá có thể làm được 5-6 điểm.

Nếu học sinh chỉ học “vẹt”, học thuộc lòng mà không hiểu bản chất bài học thì khó đạt được điểm cao. Trong đó, số câu hỏi ở mức vận dụng cao chưa tới 30% đề. Ở những câu này học sinh phải hiểu bài, có kỹ năng phân tích, đánh giá vấn đề và phải đọc kỹ đề mới làm được. Nếu các em lựa chọn môn này để xét tuyển đại học và có sự đầu tư, ôn tập kỹ lưỡng thì khả năng đạt điểm 7-8 không khó”.

Như vậy, sau 3 ngày thi căng thẳng, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.