Game online có điêu đứng sau lệnh cấm thanh toán qua thẻ cào?

VietTimes -- Thẻ cào viễn thông vốn là hình thức thanh toán thuận tiện nhất trong game nhưng quyết định dừng hình thức này khiến cả nhà phát hành và người chơi game gặp khó khăn. Tuy nhiên, đại điện VNG cho rằng: "Chúng tôi nhận thấy đây có lẽ cũng là thời điểm thích hợp để "tự đứng trở lại trên chân của mình".
Ảnh: VNG
Ảnh: VNG

Doanh thu là thứ quyết định tới sự thành công của một tựa game. Các nhà phát hành phải chịu áp lực lớn từ doanh thu. Hình thức thanh toán chỉ là một phương thức để các nhà phát hành tiếp cận tới người chơi. Ngoài ra còn 2 yếu tố khác tác động tới sự tồn tại của game là chất lượng nội dung và cộng đồng người chơi game.

Phần lớn tựa game online hiện nay đang thịnh hành tại Việt Nam đều được phát hành dưới hình thức miễn phí kèm theo việc kinh doanh các nội dung trong game. Qua nhiều năm, game thủ Việt đã không ngừng than phiền về các hình thức kiếm tiền của các nhà phát hành theo kiểu “hút máu”. Tuy nhiên, nhà phát hành game hay bất kỳ doanh nghiệp cung cấp nội dung số đều cần người dùng ủng hộ để duy trì sự sống còn của sản phẩm. Họ phải tìm mọi cách, từ bán các gói khuyến mãi ban đầu với giá không thể rẻ hơn, bán hòm đồ với tỷ lệ rơi vật phẩm ngẫu nhiên tới tung ra các bản DLC mở rộng (các phần mở rộng cho game). Các nhà phát hành buộc phải làm vậy chứ không chỉ bởi lòng tham.

Dừng thanh toán bằng thẻ cào viễn thông, nhà phát hành gặp khó ra sao?

Các tựa game online trước đây cung cấp 4 cách chính để game thủ có thể trả cho nội dung trong game bao gồm: thẻ cào viễn thông, tin nhắn SMS, thẻ game và mua thẻ online (qua thẻ ATM, ví điện tử). Thật không may, "cơn bão" RikVip quét qua đã tước đi phương thức thanh toán bằng thẻ cào viễn thông, vốn là thuận tiện nhất cho game thủ.

Sau khi dừng thanh toán bằng thẻ cào viễn thông, các NPH lớn đã tìm cách hướng dẫn game thủ sử dụng các hình thức thanh toán khác.
Sau khi dừng thanh toán bằng thẻ cào viễn thông, các NPH lớn đã tìm cách hướng dẫn game thủ sử dụng các hình thức thanh toán khác.

Sau ngày 23/4, nhà phát hành đã tìm cách hướng dẫn game thủ sử dụng hình thức thanh toán kiểu mới. Đối với các nhà phát hành lớn có khả năng phát hành thẻ game riêng, người chơi có thể tới các đại lý phân phối để tìm mua. Phương thức thanh toán qua tin nhắn SMS là một phương pháp “chống cháy” vốn đã tồn tại từ lâu nhưng không phổ biến do phí nhà mạng thu phí chiết khấu cao (bất lợi cho cả nhà phát hành và game thủ). Ví dụ: Garena cho phép người chơi nạp tiền qua SMS sẽ bị khấu trừ 15%. Nếu người chơi muốn mua vật phẩm có giá tương đương 100.000 đồng qua SMS thì họ sẽ phải nạp thêm và thời gian đợi hệ thống xử lý giao dịch cũng nhiều hơn. Còn lại là mua thẻ online, mặc dù là hình thức thanh toán văn minh nhưng khó tiếp cận tới nhiều đối tượng hơn bởi ít nhất bạn phải đủ 18 tuổi để mở thẻ ATM.

Trao đổi với VietTimes, đại diện VNG cho biết: “Ngay sau khi 3 nhà mạng tạm dừng việc dùng thẻ cào viễn thông để thanh toán trực tuyến, việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh nội dung số, trong đó có VNG, đã gặp nhiều khó khăn (do thẻ cào viễn thông chiếm tới hơn 80% tổng doanh thu các kênh thanh toán cho game online tới trước thời điểm tạm dừng). Doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này giảm khá nhiều, mức phổ biến chung là từ 50-60%, cá biệt có những doanh nghiệp nhỏ giảm tới 80%”.

Một công ty hàng đầu trong thị trường game Việt như VNG còn gặp khó khăn thì các nhà phát hành nhỏ, vốn sống mòn nhờ hình thức thanh toán thẻ cào viễn thông càng gặp nhiều khó khăn. Một số chịu phận “tầm gửi” qua thẻ game của các nhà phát hành lớn, số khác còn cung cấp giao thẻ tận nơi cho game thủ (như FunTap). Phần còn lại không duy trì nổi và phải âm thầm đóng cửa tựa game của mình. Theo thống kê chỉ trong tháng 4 có tới 12 tựa game xác nhận đóng cửa.

Chính sách ngừng thanh toán bằng thẻ cào viễn thông bắt nguồn từ bê bối của Rikvip, một trò cá độ trực tuyến “núp bóng” game online đã gây khó khăn cho cả nhà phát hành chân chính. Tuy nhiên, VNG nhận định rằng khó khăn về phương thức thanh toán hiện nay sẽ mở ra cơ hội lớn để thị trường game tại Việt Nam phát triển một cách chuyên nghiệp hơn.

Với việc các nhà phát hành thúc đẩy hệ thống phân phối thẻ, không khó để game thủ tìm mua thẻ game.
Với việc các nhà phát hành thúc đẩy hệ thống phân phối thẻ, không khó để game thủ tìm mua thẻ game.

Đại diện VNG nói: “Chúng tôi nhận thấy đây có lẽ cũng là thời điểm thích hợp để "tự đứng trở lại trên chân của mình", một việc mà lẽ ra ngành nội dung số đã phải làm từ lâu. Vì thế, chúng tôi đã chủ động khắc phục khó khăn bằng cách khôi phục lại hệ thống phân phối thẻ game. Đến thời điểm này, đã có khoảng 7000 đại lý bán thẻ Zing của VNG qua hệ thống Esale.zing.vn của công ty Thanh Sơn. Thẻ Zing cũng đang được hợp tác phân phối thẻ thông qua nhiều đối tác như Thế giới di động, Payoo, Tiki, Sendo,...  Cùng với VNG thì nhiều doanh nghiệp game khác như Garena, MyG, MeCorp cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới phân phối thẻ game của mình. Kết quả hồi phục doanh thu cho tới thời điểm này là tích cực và khả quan”.

Qua khảo sát, VietTimes nhận thấy không khó để game thủ có thể tìm mua thẻ của các nhà phát hành game, không chỉ tại các điểm truy cập Internet công cộng (hay một cách dân dã hơn gọi là hàng Net), các CyberGame lớn, thẻ game còn được phân phối tại một số bách hóa, siêu thị tiện lợi. Việc các nhà phát hành cung cấp hình thức thanh toán quy chuẩn, đồng nhất chính là tín hiệu đáng mừng cho game thủ. Nền tảng phân phối game bản quyền lớn nhất thế giới của tập đoàn Valve, Steam từ đầu đã không chấp nhận bất kỳ loại thẻ nào khác ngoài Steam Giftcard. Khi gặp sự cố bạn có thể liên lạc thẳng với đội ngũ hỗ trợ của Steam chắc chắn sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn cho cả nhà phát hành và game thủ, thay vì phải làm việc thông qua đơn vị trung gian là nhà mạng.

Nhà phát hành game lậu bị thu hẹp đất sống, cơ hội mở ra cho nhà phát hành game chính thống

Chính sách dừng thanh toán bằng thẻ viễn thông đã mở ra cơ hội phát triển cho thị trường game Việt.
Chính sách dừng thanh toán bằng thẻ viễn thông đã mở ra cơ hội phát triển cho thị trường game Việt.
Đầu tiên, thanh toán bằng thẻ cào viễn thông cũng là nguồn sống chủ yếu của game lậu. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có hàng trăm game online hoạt động trái phép. Doanh thu từ ngành công nghiệp game Việt chỉ bằng 70% doanh thu thực tế, 30% còn lại chui vào túi của các nhà phát hành game lậu. Bị cắt nguồn cung chính, game lậu khó sống. Nạp thẻ game lậu cần liên lạc trực tiếp với nhà phát hành so với trước đây rắc rối hơn nhiều. Chưa kể game thủ cũng ngày càng thận trọng với các tựa game lậu bởi không ít trường hợp tài khoản giá trị bốc hơi bởi các nhà phát hành game lậu bỗng dưng đóng cửa sau khi đã kiếm đủ lợi nhuận.
Thứ hai, phương thức thanh toán bằng thẻ game của chính nhà phát hành ban đầu có thể gây trở ngại cho game thủ. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm tới các đại lý phân phối thì người chơi sẽ không phải chịu những khoản chiết khấu không đáng có. Các nhà phát hành muốn tiếp cận người chơi tốt hơn sẽ phát hành thẻ riêng. Chi phí đầu tư ban đầu, bao gồm in ấn, phân phối sẽ là hình thức bảo hành tốt nhất cho game thủ. Nhà phát hành sẽ chẳng muốn mất điểm trong mắt người chơi để rồi game thì không ai quan tâm, thẻ thì không ai mua.

Thứ ba, phương thức thanh toán chỉ là một trong những thứ tác động tới sự sống còn của một tựa game. Thực tế, chất lượng nội dung và cộng đồng là hai yếu tố thu hút game thủ. Chẳng người chơi nào lại đi từ chối tựa game với cộng đồng đông đảo, văn minh, đồ họa đẹp, “hút máu” vừa phải... Nhà phát hành cần phải chăm chút đứa con tinh thần của mình thay vì thấy hãng A làm ăn được là sang Trung Quốc lùng sục một tựa game “nhái” đem về Việt Nam. Ngoài nắm bắt thị hiếu, nhà phát hành cần đầu tư để phát triển cộng đồng, tổ chức Event chất lượng, các giải đấu... Theo thống kê của Esport Chart, giải đấu giữa mùa giải bộ môn League of Legend thu hút tới 127 triệu khán giả theo dõi trên toàn thế giới. Và bất ngờ hơn là 42% người xem thậm chí còn không chơi LoL. Đó không phải là nhờ vào sức mạnh của cộng đồng đó sao?

Thống kê của Newzoo về thị trường game năm 2017 cho thấy Việt Nam nằm trong Top 30 quốc gia đổ tiền vào game nhiều nhất thế giới. Nguồn: Newzoo
Thống kê của Newzoo về thị trường game năm 2017 cho thấy Việt Nam nằm trong Top 30 quốc gia đổ tiền vào game nhiều nhất thế giới. Nguồn: Newzoo

Game thủ Việt luôn nổi tiếng “chịu chơi”. Thống kê của Newzoo về thị trường game năm 2017 cho thấy Việt Nam nằm trong danh sách 30 quốc gia đổ tiền vào game nhiều nhất thế giới. Nếu tựa game chinh phục được người chơi bằng chất lượng, game thủ cảm thấy xứng đáng thì sẽ sẵn sàng tìm cách để chi trả cho các nội dung trong game, dù theo phương thức nào đi chăng nữa.

Trao đổi với VietTimes, một nhà phát hành game đề xuất:

"Công ty tin rằng mọi chính sách liên quan đến việc quản lý thẻ cào viễn thông, thẻ game sẽ sớm được ban hành và được được các cấp, các ngành nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính cân bằng, công bằng giữa các doanh nghiệp nội dung số với các nhà mạng di động cũng như giữa giữa những doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài".