|
Các trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan luôn hấp dẫn (ảnh Fox Sport) |
Một fan quốc tế có nick là Jaseon Seol đã viết:
“Người hâm mộ Việt Nam đã có những lời lẽ xỉ vả không rõ lý do với cổ động viên và đội bóng nước ngoài. Ngay cả những người bạn Việt Nam của tôi cũng nói như vậy. Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm, khi công nghệ đã giúp phát triển các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook.
Họ (fan Việt Nam) đã chứng kiến sự thành công của các nước láng giềng như Thái Lan, đặc biệt là Malaysia và Singapore, trong các giải đấu khu vực cũng như SEA Games mà sau này trở thành một giải đấu dành cho lứa tuổi dưới 23.
Các fan hâm mộ cảm thấy ghen tị và một số người từ ghen tị đã chuyển sang đố kỵ
Với một chút thành công gần đây, fan Việt Nam đang kiêu ngạo. Đừng quên rằng người Việt Nam đã không thắng Thái Lan tại kỳ AFF Cup vừa rồi.
Vâng, Thái Lan đã bất lực để giành chiến thắng trước Malaysia trong trận bán kết. Đó là lỗi của họ. Tuy nhiên, thay vì bình tĩnh và khiêm tốn sau khi giành chiến thắng, người hâm mộ Việt Nam trở nên kiêu ngạo và họ bắt đầu lớn tiếng, lăng mạ Thái Lan, đăng những bức ảnh và bình luận thiếu tôn trọng, thậm chí (dùng những từ ngữ) xúc phạm cha mẹ, ông bà và các thành viên gia đình. Một số người tìm mọi cách để hack tài khoản của những người có quan điểm trái ngược. Đó không phải là phép lịch thiệp. Những người vô học mới làm như vậy.
Nếu bạn (người hâm mộ Việt Nam) khiêm tốn, bạn sẽ giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ người hâm mộ nước ngoài. Thái Lan đã giành được thiện cảm của fan hâm mộ trong ASEAN trong 20-30 năm qua. Họ đã giành được tình cảm của người hâm mộ khu vực vì họ không kiêu ngạo, thô lỗ. Ít nhất phần lớn trong số họ là không.
Đội tuyển Việt Nam thậm chí chưa đạt được trình độ như Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran, vì vậy người hâm mộ nên khiêm tốn. Các fan Việt Nam lúc nào cũng than phiền về sự may mắn của đối thủ.
Tôi dám cá rằng Hàn Quốc hay Nhật Bản có thể ghi nhiều bàn vào lưới Việt Nam nếu gặp nhau ở các trận đấu cấp độ đội tuyển.
Bóng đá Việt Nam đã cải thiện nhưng vẫn chưa đạt trình độ (của Nhật Bản, Hàn Quốc). Vì vậy hãy khiêm tốn.
|
Bài viết của Jaseon Seol
|
Tôi nhận thấy rằng có một thái độ chống Thái Lan đặc biệt lớn trong số đông người hâm mộ Việt Nam, mặc dù tôi không đề cập đến tất cả họ. Có phải vì Thái Lan là nước láng giềng? Tôi không chắc. Tuy nhiên, trong suốt nhiều thập kỷ, ngay cả trước khi Việt Nam trở lại với bóng đá khu vực từ những năm 1990, không có chuyện cổ động viên nước này chống lại các nước khác (một cách thái quá) trong số các quốc gia ASEAN.
Có những thời kỳ có sự cạnh tranh bóng đá giữa Singapore và Malaysia, nhưng chưa bao giờ đến mức như bây giờ. Người hâm mộ Singapore – Thái Lan cũng chưa bao giờ thể hiện như họ muốn người Thái chết và xúc phạm cha mẹ (qua các câu xỉ vả).
Tôi thấy rất nhiều fan Việt Nam sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để tấn công Thái Lan, giương cao khẩu hiệu, chỉnh sửa ảnh các cầu thủ, không tôn trọng quốc kỳ Thái Lan, đăng các ảnh chế như cầu thủ Việt Nam và HLV Park ăn một nồi lẩu có cờ Thái Lan.
Điều này thực sự đã đi quá xa!
Trước khi Việt Nam thuê ông Park làm HLV đội tuyển quốc gia, có một số người hâm mộ Việt cũng ghét Hàn Quốc. Tôi không thể hiểu. Bây giờ họ rất quan tâm đến Hàn Quốc vì huấn luyện viên Park.
Nếu trọng tài là người mà các bạn không hài lòng, đó không phải là lỗi của các cầu thủ Thái Lan. Hãy để họ ra khỏi vấn đề này. Họ vô tội. Họ chỉ chơi cho đất nước vì họ được HLV lựa chọn.
Nếu điều này tiếp diễn, nó không công bằng với họ”.
Rõ ràng, những lời nhận xét của nick Jaseon Seol không phải tất cả đều đúng, nhưng có một sự thật là nhiều fan Việt Nam hiện nay có những phản ứng thái quá trên mạng xã hội. Chẳng hạn khi Công Phượng và Văn Hậu không được HLV các câu lạc bộ nước ngoài xếp vào đội hình chính, fan hâm mộ cũng vào oanh tạc fanpage của Sint-Truidense và FC Heerenveen khiến cho người bản địa cũng phải khó chịu.
Chúng ta có quyền tự hào với những thành tích mà đội tuyển Việt Nam đã đạt được, và chúng ta có quyền biểu lộ cảm xúc, nhưng hãy biểu lộ cảm xúc một cách văn minh nhất để bạn bè quốc tế nể trọng.