Năm ngoái, Facebook đã thành lập một Ban giám sát độc lập để đưa ra quyết định cao nhất về những vụ kiểm duyệt gây tranh cãi.
Tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump hôm 7/1 đã bị Facebook đóng băng tài khoản “vô thời hạn” sau khi những người hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình của ông đã tràn vào và gây náo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Giải thích cho hành động khóa tài khoản của Tổng thống, CEO Facebook Mark Zuckerberg tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng rủi ro là quá lớn nếu để Tổng thống tiếp tục sử dụng tài khoản Facebook”.
Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump có quyền gửi khiếu nại đến Ban giám sát gồm 5 thành viên để họ xem xét lại quyết định của Facebook. Trong một tuyên bố được đưa ra ngày hôm qua (21/1), Ban giám sát cho biết họ vẫn “theo dõi chặt chẽ các sự kiện ở Hoa Kỳ và phản ứng của Facebook với các sự kiện đó”.
Quyết định của Ban giám sát sẽ có tính ràng buộc với Facebook. Ban này về cơ bản được coi là “tòa tối cao” cho Facebook – một cơ quan độc lập gồm các chuyên gia xem xét các kháng nghị về kiểm duyệt nội dung. Trong trường hợp này, họ sẽ xác định xem có nên đảo ngược việc cấm tài khoản “vô thời hạn” đối với ông Trump không, áp dụng cho cả Facebook và Instagram. Cựu Tổng thống cũng có thể cung cấp lý do mà ông tin rằng việc đình chỉ nên được đảo ngược.
Ban giám sát gồm 5 người trong đó có cựu Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, cựu biên tập viên tờ Guardian Alan Rusbridger. Ngoài trường hợp của cựu Tổng thống Trump, Ban cũng đang xem xét một số trường hợp khác gồm: ảnh chụp màn hình các dòng tweet của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, trong đó ông viết: "Người Hồi giáo có quyền tức giận và giết hàng triệu người Pháp vì những vụ thảm sát trong quá khứ"; Những bức ảnh chụp một đứa trẻ đã chết, mặc đầy đủ quần áo, với dòng chữ bằng tiếng Miến Điện hỏi tại sao không có hành động trả đũa đối với Trung Quốc vì đã đối xử tệ bạc với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ...