Facebook từ chối lời kêu gọi "phân thân làm 3"

VietTimes -- Chris Hughes – người đồng sáng lập Facebook mới đây đã có một bài viết kêu gọi chia nhỏ Facebook thành ba: Facebook, WhatsApp và Instagram vì lo ngại những quyền lực vượt ngoài tầm kiểm soát của mạng xã hội này cũng như của Mark Zuckerberg. Facebook đã nhanh chóng từ chối lời đề nghị này. Trong khi đó, các nhà lập pháp Hoa Kỳ vẫn đang thúc giục Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra chống độc quyền liên quan đến các “ông lớn công nghệ” bao gồm cả Facebook.
Ảnh: Yahoo News
Ảnh: Yahoo News

Trong bài viết của mình trên tờ New York Times, Hughes lập luận rằng Facebook đã trở nên độc quyền và điều này đã hạn chế tính cạnh tranh và kìm hãm sự đổi mới. Hughes cũng cho rằng hiện tại Mark Zuckerberg, “ông chủ” Facebook” đang nắm giữ một quyền lực không thể kiểm soát và có tầm ảnh hưởng vượt xa bất kỳ ai khác trong chính phủ hoặc trong giới doanh nhân.


Mạng xã hội của Facebook hiện có hơn 2 tỷ người dùng. Nó cũng sở hữu WhatsApp, Messenger và Instagram, mỗi ứng dụng cũng đạt hơn 1 tỷ người sử dụng. Facebook đã mua Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014.

Facebook đã từ chối lời kêu gọi tách WhatsApp và Instagram thành những công ty riêng biệt và cho rằng trọng tâm của công ty là điều chỉnh lại các cách thức hoạt động trên internet. Theo kế hoạch, Zuckerberg sẽ có mặt tại Paris vào thứ Sáu này để thảo luận về quy định internet với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Đáp trả lại lời kêu gọi “giải tán” từ chính người đã từng tạo ra mình, đại diện Facebook cho biết hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp nhưng Facebook không thể bị “giải tán” vì... đang quá thành công.

“Facebook chấp nhận rằng đi đôi với thành công chính là trách nhiệm, nhưng bạn không thể thực thi trách nhiệm bằng cách kêu gọi giải tán một công ty thành công của Mỹ”, Nick Clegg, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề về truyền thông toàn cầu của Facebook cho biết.

Ảnh: Firstpost
Ảnh: Firstpost

Vào cuối ngày thứ Năm tuần vừa rồi, Thượng nghị sĩ Mike Crapo của Đảng Cộng hòa và Sherrod Brown thuộc đảng Dân chủ đã gửi một bức thư yêu cầu Facebook trả lời các câu hỏi hỏi về hệ thống thanh toán dựa trên tiền điện tử trên hệ thống mạng xã hội của công ty và cách mà công ty sử dụng dữ liệu khổng lồ của người dùng. Bức thư cũng đặt câu hỏi về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.


“Tầm ảnh hường của Mark rất đáng kinh ngạc, vượt xa bất kỳ ai khác trong giới doanh nhân hoặc trong chính phủ, khi Mark nắm quyền kiểm soát ba nền tảng truyền thông cốt lõi - Facebook, Instagram và WhatsApp, mà có hàng tỷ người sử dụng mỗi ngày”, Chris Hughes viết thêm. “Một mình Mark có thể quyết định cách cấu hình thuật toán Facebook để xác định những gì người dùng nhìn thấy mỗi ngày trên News Feed của họ, những thiết lập bảo mật nào người dùng có thể sử dụng và cách thức các tin nhắn được gửi... Mark đặt ra các quy tắc về cách phân biệt lời nói bạo lực và gây kích động và anh ta có thể dập tắt các đối thủ cạnh tranh bằng cách mua lại hoặc sao chép các tính năng của nó”.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Richard Blumenthal thuộc đảng Dân chủ nói với hãng CNBC rằng ông nghĩ Facebook nên bị giải tán và bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp cần phải bắt đầu một cuộc điều tra.

Luật chống độc quyền khiến cho một số đề xuất như vậy khó có thể thực thi vị chính phủ sẽ phải đưa công ty đó ra tòa và thắng kiện. Trong lịch sử, rất hiếm trường hợp một công ty phải giải tán vì lý do này. Standard Oil và AT&T là hai ví dụ lớn nhất.

Hughes là bạn học cùng đại học với Zuckerberg tại Harvard. Cùng với Dustin Moskovitz, Andrew McCollum và Eduardo Saverin, các thành viên đã làm việc cùng nhau tạo nên mạng xã hội Facebook. Hughes rời Facebook năm 2007 và cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn, ông đã kiếm được nửa tỷ USD cho ba năm làm việc của mình.

Facebook đã mất một số giám đốc điều hành sau một loạt vụ bê bối về quyền riêng tư và thông tin sai lệch kể từ năm 2016. Những người sáng lập Instagram, WhatsApp đã rời đi, ngay cả giám đốc điều hành mới tiếp quản WhatsApp cũng nghỉ việc vào năm ngoái.

Giám đốc sản phẩm Chris Cox, người đã ở công ty được 13 năm và là một trong những người thân cận nhất của Zuckerberg cũng đã từ chức vào tháng 3.

Bất chấp những vụ bê bối của nó, Facebook vẫn duy trì bình thường hoạt động kinh doanh của mình, dường như những vụ bê bối không gây ra xáo trộn quá lớn đến công ty công nghệ này.

Lặp lại yêu cầu hồi đầu tháng này của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - Ron Wyden, Hughes đề nghị Zuckerberg phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các hành vi vi phạm quyền riêng tư.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã tuyên bố sẽ “chia tay” Google, Amazon và Alphabet Inc của Google nếu được bầu.

“Các công ty công nghệ lớn nắm giữ quá nhiều quyền lực đối với nền kinh tế, xã hội và nền dân chủ của chúng ta. Họ đã cạnh tranh nhau, sử dụng thông tin cá nhân của chúng ta để kiếm lợi nhuận, làm tổn thương các doanh nghiệp nhỏ và khiến sự đổi mới bị kìm hãm. Đã đến lúc chúng ta nên có hành động cứng rắn hơn”, Warren nói trên Twitter vào hôm thứ Năm.

“Mark là một người tốt bụng. Nhưng tôi tức giận vì quá tập trung vào vấn đề tăng trưởng mà làm tổn thương đến sự an toàn và văn minh cho người dùng”, Hughes nói.

Theo Reuters