|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Thông qua Cổng thông tin điện tử, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá bán cổ phần của Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFC) do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu.
Cụ thể, căn cứ Đơn đăng ký đấu giá bán cổ phần của EVNFC do EVN sở hữu, với chức năng của tổ chức cung cấp dịch vụ đấu giá, HNX thông báo như sau:
1. Tên tổ chức sở hữu cổ phần: Tập đoàn điện lực Việt Nam
2. Tên doanh nghiệp phát hành cổ phần: Công ty Tài chính CP Điện lực
3. Địa chỉ: Tầng 14 - 16, tháp B, Tòa nhà EVN, số 11 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội
4. Ngành nghề kinh doanh chính: Thu xếp vốn và Quản lý vốn; Tín dụng doanh nghiệp và cá nhân; Kinh doanh ngoại hối, Kinh doanh chứng khoán, ...
5. Vốn điều lệ: 2.500.000.000.000 đồng
6. Số lượng cổ phần bán đấu giá: 37.500.000 cổ phần
7. Mệnh giá: 10.000 đồng/cổ phần
8. Giá khởi điểm: 14.133 đồng/cổ phần
9. Điều kiện tham dự đấu giá: Nhà đầu tư là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong, ngoài nước theo quy định
10. Thời gian tổ chức đấu giá : Dự kiến 08h30 Ngày 18/08/2017
11. Địa điểm tổ chức đấu giá: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội
“Đề nghị Công ty chứng khoán có nhu cầu làm đại lý cho cuộc đấu giá gửi Đơn đăng ký làm đại lý đấu giá về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (số 2 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chậm nhất đến 16h00 ngày 18/07/2017”, HNX thông báo.
Lưu ý rằng, 37.500.000 cổ phần EVNFC mà EVN đăng ký bán cũng là toàn bộ số cổ phần mà tập toàn này đang sở hữu tại tổ chức. Hay nói cách khác, nếu việc đấu giá diễn ra suôn sẻ, thì đến tháng 8 tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thoái vốn triệt để và không còn quan hệ sở hữu đối với EVNFC.
EVN hiện đang là cổ đông lớn duy nhất của EVNFC, với tỷ lệ sở hữu 15%. Và không chỉ có vậy, EVN còn là cổ đông quan trọng nhất trong việc sáng lập nên công ty tài chính này.
Sứ mệnh ban đầu của EVNFC cũng xoay quanh EVN: “là đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt nam và các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính chuyên nghiệp cho các đơn vị trong ngành điện và các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác.”
EVNFC được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép ngày 07/07/2008, chính thức khai trương và đi vào hoạt động ngày 01/09/2008. Với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, EVNFC đứng thứ nhất về quy mô trong hệ thống các công ty tài chính tại Việt Nam.
Tính đến năm 2014, EVN vẫn chi phối tới 40% cổ phần EVNFC; 8,4% cổ phần khác được nắm giữ bởi Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) – một ngân hàng mà EVN thực ra cũng là một cổ đông lớn. EVN bắt đầu thoái vốn khỏi EVNFC từ cuối năm này.
Ngày 5/12/2014, EVN đã bán thành công 58,75 triệu cổ phần trên tổng số 62,5 triệu cổ phần chào bán, tương tương 23,5% vốn điều lệ cho 26 cá nhân và 01 tổ chức. Qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN tại EVNFC xuống còn 16,5%. Đến 09/03/2015, EVN đã hoàn thành kết quả chuyển nhượng theo kết quả đấu giá. Với giá bán thành công bình quân 10.100 đồng - ngang giá khởi điểm – EVN đã thu về 593,3 tỷ đồng.
Đến hết tháng 10/2015, tiếp tục hoàn tất việc thoái thêm 1,5% cổ phần tại EVNFC, kéo tỷ kệ sở hữu tại công ty này về còn 15% - theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Và tháng 8 tới đây, như đã đề cập, EVN dự kiến sẽ thoái nốt phần vốn còn lại tại EVNFC. Chưa rõ EVNFC sẽ xoay xở ra sao với sự rút lui của EVN, bởi ai cũng hiểu ý nghĩa chiến lược của Tập đoàn điện lực Việt Nam trong hoạt động của công ty tài chính này.
Quyết định thoái vốn của EVN chắc chắn cũng tác động mạnh tới thượng tầng lãnh đạo của EVNFC. Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của EVNFC, ông Hoàng Văn Ninh là người đại diện cho phần vốn góp của EVN.
Cũng chưa rõ nhà đầu tư nào sẽ tham gia nhận chuyển nhượng 37,5 triệu cổ phần EVNFC mà EVN sẽ thoái. Mức giá khởi điểm 14.133 đồng/cổ phần sẽ giúp EVN thu về một khoản thặng dư đáng kể cho thương vụ nhưng thực ra cũng không thật hấp dẫn cho nhà đầu tư nào muốn sở hữu cổ phần EVNFC.
EVN còn phải thoái vốn ở những đâu?
Ngày 14/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017 – 2020”, trong đó xác định lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn cùng kế hoạch sắp xếp cơ cấu lại các công ty con, đơn vị trực thuộc.
Ngành, nghề kinh doanh chính và ngành nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh, chỉ huy điều hành... điện. Ngoài ra, Tổng công ty cũng sẽ thực hiện cho thuê văn phòng tại trụ sở EVN - số 11 Cửa Bắc, Hà nội.
Theo Đề án, Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Một loạt doanh nghiệp EVN sẽ phải thoái toàn bộ vốn gồm Công ty Tài chính cổ phần Điện lực; Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty cổ phần; Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4.
Doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2.
EVN sẽ cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3 (EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ các Tổng công ty Phát điện đến hết năm 2019, năm 2020 tiếp tục xem xét thoái phần vốn nhà nước còn nắm giữ xuống dưới mức chi phối). Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 (thoái vốn sau khi hoàn thành dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3).
Các doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ gồm Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực miền Nam; Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (chuyển thành công ty TNHH MTV trong giai đoạn 2019 - 2020 theo Quyết định số 168/QĐ-TTg)./.