Everland có gì?

Viettimes – Nghị quyết và phương án phát hành tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần đầu tư Everland từ 300 lên 600 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 thông qua nhưng phải đến sau Quý 2/2018 mới thực hiện xong, dù có phần gượng ép. Và việc tăng vốn này cũng không phải để giúp EVG thực hiện những dự án đã và đang thực hiện được biết tới.
Ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Everland phát biểu tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (Nguồn: EVG)
Ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Everland phát biểu tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 (Nguồn: EVG)

Theo thông tin trong Bản cáo bạch đính kèm với đợt phát hành thêm lần này, ngày 25/11/2017, Hội đồng quản trị (HĐQT) của CTCP Đầu tư Everland (HSX: EVG) đã ban hành Nghị quyết số 2511/2017/NQ – HĐQT về việc điều chỉnh mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu theo phê duyệt tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 ngày 21/3/2017. Cụ thể, phần vốn huy động thêm 300 tỷ đồng sẽ được phân bổ vào Đầu tư bất động sản 270 tỷ đồng và Bổ sung vốn lưu động 30 tỷ đồng.

8 nhà đầu tư “hào phóng” của Everland

Dự án bất động sản mà EVG dự kiến đầu tư là Dự án Riviera Residences & Resort (giai đoạn 3) tại Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh hòa. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.126 tỷ đồng, dự kiến khởi công xây dựng vào Quý IV năm 2017 và hoàn thành vào Quý IV năm 2018.

Với tình hình thực tế đến giữa tháng 8/2018 mới hoàn thành phát hành thêm để huy động vốn, chưa rõ tiến độ thực hiện giai đoạn 3 dự án Riviera Residences & Resort sẽ được EVG và đối tác điều chỉnh như thế nào.

Bên cạnh dự án này, thông tin từ Bản cáo bạch cũng cho thấy EVG cũng có một vài dự án đã và đang triển khai nhưng cũng có thể nói là “đang chờ” được triển khai.

Đầu tiên phải kể đến Dự án “Khu vườn sinh thái Cẩm Đình – Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội có tổng diện tích quy hoạch 252 ha, do Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh (Kim Thanh) làm chủ đầu tư.

EVG tham gia với vai trò là một đối tác thực hiện Giai đoạn 2 của dự án (tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng). Dự án này đã được chủ đầu tư Kim Thanh hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 cho phù hợp với quy hoạch và đang trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tiếp đến là dự án “Khu du lịch văn hóa quan họ Cổ Mễ” tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh do Công ty CP Bất động sản An Việt (An Việt) làm chủ đầu tư, có giá trị là 585,068 tỷ đồng.

An Việt là một trong những công ty thành viên được EVG sở hữu 40%. Hiện chủ đầu tư đang tiến hành công tác đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của dự án, đồng thời tiến hành san lấp một phần diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (khoảng 40%).

Tiếp theo là dự án “Trung tâm Nghiên cứu và dạy nghề xã hội Global” tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội do Công ty cổ phần Giáo dục và Đào tạo Toàn Cầu làm chủ đầu tư.

EVG đóng vai trò là đối tác đầu tư, đóng góp 57% vốn của Giáo dục và Đào tạo Toàn Cầu. Giá trị dự án này là 104 tỷ đồng, dự kiến sẽ được điều chỉnh nâng lên 300 tỷ đồng. Hiện EVG đang hợp tác với chủ đầu tư để lập hồ sơ xin điều chỉnh quy mô, chức năng của dự án, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Cuối cùng là dự án “Trung tâm chăm sóc sức khỏe Y tế cộng đồng” tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do Công ty CP Phát triển Y học An Việt (Y học An Việt) làm chủ đầu tư (EVG sở hữu 98% cổ phần). Giá trị dự án là 109,456 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đang lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 của dự án.

Chi tiết góp vốn vào các công ty con và công ty liên kết của EVG tới ngày 30/6/2018
Chi tiết góp vốn vào các công ty con và công ty liên kết của EVG tới ngày 30/6/2018 

Được biết, CTCP Phát triển Y học An Việt (thành lập tháng 4/2015) đã được EVG mua lại 98% cổ phần theo hình thức chuyển nhượng từ cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết số 136/2017/NQ - HĐQT – EVG. Thời điểm đó, Y học An Việt có vốn điều lệ chỉ là 22,5 tỷ đồng nhưng EVG đã ghi nhận giá trị nhận chuyển nhượng lên tới 72 tỷ đồng (mức giá bỏ ra tạm tính là 32.650 đồng/cổ phần, gấp 3 lần mệnh giá). Chắc hẳn Y học An Việt phải có một tiềm năng nào đó để xứng đáng với số tiền mà EVG bỏ ra.

Các dự án bất động sản vì nhiều nguyên nhân chưa được triển khai và hoàn thành, nên cơ cấu doanh thu của EVG đến Quý I/2018 vẫn đóng góp chủ yếu bởi các lĩnh vực Bán hàng hóa (hoạt động thương mại vật liệu xây dựng) và Thi công, xây lắp.

Việc tăng vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn lực tài chính để EVG “chuyển hướng trọng tâm sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong những năm tới”, như chia sẻ của ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT EVG đã nhắc đến trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2018.

Tuy nhiên, cũng cần phải xét đến cơ cấu vốn góp của EVG tính đến ngày 30/6/2018, có sự góp mặt của 53% là cổ đông khác, thì việc chứng minh tiềm năng của các dự án sẽ góp phần quan trọng để huy động thêm vốn. Và càng quan trọng hơn khi  mua cổ phần phát hành thêm cũng đồng nghĩa nhà đầu tư, cổ đông hiện hữu chấp nhận lỗ tới 50% so với thị giá cổ phiếu trên thị trường, chưa kể số cổ phiếu đó còn bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.  

Về chủ đầu tư tòa tháp 88 tầng tại dự án Con đường di sản Vân Đồn

Tiềm năng của các dự án hấp dẫn như thế nào không ai khác nắm rõ hơn bằng chính lãnh đạo công ty. Hẳn là những người mua cổ phần trong đợt phát hành thêm lần này phần nào đã đặt niềm tin vào ông Lê Đình Vinh, vị Chủ tịch HĐQT của EVG (cũng là cổ đông lớn là cá nhân nắm giữ tới 25,33% vốn điều lệ).

Ông Vinh bên cạnh chức vụ tại EVG còn được biết tới vai trò là Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Heritage Holdings, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vân Đồn Heritage Road (chủ đầu tư vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Phân khu B8 thuộc Dự án Con đường di sản Vân Đồn)./.