EU ứng dụng công nghệ vào lộ trình dỡ bỏ tình trạng phong tỏa

EC nhấn mạnh việc sử dụng các ứng dụng công nghệ vào lộ trình dỡ bỏ tình trạng phong tỏa nên dựa trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. (Nguồn: euobserver)

Ngày 16/4, Ủy ban châu Âu (EC) công bố lộ trình để nới lỏng dần các biện pháp hạn chế cuộc sống và kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đình trệ vì các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo đó, lộ trình này dựa chủ yếu vào các ứng dụng trên điện thoại thông minh về theo dấu tiếp xúc. Công nghệ này nhằm định vị những điểm bùng phát dịch cục bộ trong thời gian thực.

Trên thực tế, nhiều quốc gia thành viên EU đã chuẩn bị triển khai những ứng dụng riêng để theo dấu người dùng.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại những sáng kiến riêng lẻ sẽ dẫn tới thực trạng mỗi quốc gia có kho dữ liệu riêng, không đồng nhất, không thể sử dụng để nắm bắt toàn cảnh dịch bệnh của cả thị trường chung châu Âu, nơi hàng hóa và con người tự do đi lại và giao thương.

EC cũng lo ngại những ứng dụng này có thể sẽ không đáp ứng các quy định về luật dữ liệu cá nhân và những quan ngại về tình trạng gian điệp công nghệ.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến công bố lộ trình gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết mục đích chính là đưa thị trường chung trở lại nhịp độ trước đây và hoạt động bình thường.

Nội dung lộ trình dài 16 trang ưu tiên việc thu thập dữ liệu và theo dấu tiếp xúc như những biện pháp hàng đầu, tiếp theo đó mới đến các biện pháp như mở rộng xét nghiệm, củng cố các hệ thống chăm sóc y tế và cung cấp thêm đồ bảo hộ.

Tuy nhiên, EC nhấn mạnh việc sử dụng các ứng dụng nên dựa trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nội dung bản lộ trình nêu rõ việc theo dấu tiếp xúc giữa các thiết bị di động chỉ được phép thực hiện theo hình thức ẩn danh và tập hợp, không theo dấu các công dân cụ thể hay công bố tên của những người nghi nhiễm.

Một quan chức EU khẳng định việc sử dụng các ứng dụng này rất có ích cho việc ngăn chặn các ổ dịch cục bộ nhưng cũng lưu ý ứng dụng chỉ có hiệu quả khi người dân có thể tin tưởng tuyệt đối vào ứng dụng.

Trong tuần này, Cộng hòa Séc đã triển khai ứng dụng theo dấu tiếp xúc trên toàn quốc, dựa theo số điện thoại và mã thẻ ngân hàng của người dân.

Italy hồi tuần trước cũng đã lựa chọn công ty triển khai dịch vụ kiểu này. Pháp đang trong quá trình thiết lập một ứng dụng tương tự nhưng sẽ phải đợi Quốc hội nước này xem xét trong phiên làm việc cuối tháng.

Trong số các quốc gia EU khác, Hà Lan đang nghiên cứu phương án sử dụng ứng dụng theo dấu tiếp xúc trong khi Bồ Đào Nha tạm thời chưa tính đến và muốn xem việc áp dụng tại các quốc gia khác sẽ cho kết quả như thế nào.

Các quốc gia ngoài EU, như Anh hôm 12/4 cho biết sẽ sớm triển khai một ứng dụng tự động cảnh báo mọi người có tiếp xúc gần với người có triệu chứng nhiễm COVID-19.

Hồi đầu tháng 4, Iceland cũng đã triển khai một ứng dụng và tới nay ứng dụng này đã được hơn 1/3 dân số nước này tải về. Thụy Sĩ cho biết sẽ tham gia sáng kiến của EU và sẽ thảo luận về kế hoạch này trong cuộc họp nội các ngày 16/4.

Ý tưởng sử dụng ứng dụng theo dấu được tiếp sức mạnh mẽ khi hồi tuần trước Google và Apple tuyên bố bắt tay để phát triển một công cụ theo dấu trên điện thoại di động.

Nhưng cả hai hãng này đều đã từng vi phạm các quy định của EU trong quá khứ và hiện cũng chưa rõ liệu sản phẩm mới của họ có phù hợp với các quy định về dữ liệu cá nhân của EU hay không.

Một số chuyên gia cảnh báo cần phải có các biện pháp bảo vệ người dùng một cách hiệu quả khi triển khai những ứng dụng này, đảm bảo các ứng dụng sẽ bị vô hiệu hóa khi dịch bệnh qua đi và việc triển khai cần được giám sát chặt chẽ bởi một bên độc lập./.

Theo TTXVN/Vietnam+