Duy Nhân & nước mắt truyền thông

Đành rằng, “nghĩa tử là nghĩa tận”, lại với một người đoản mệnh, giàu lòng tự trọng như Duy Nhân (và người nhà của anh), nhưng dù vậy, cách truyền thông vừa qua khóc anh vẫn khiến người ta cảm thấy nhiệt tình ở mức thái quá. 
Nhan sắc của người vợ trẻ thiếu may mắn có thể là một trong những giọt nước mắt của truyền thông.
Nhan sắc của người vợ trẻ thiếu may mắn có thể là một trong những giọt nước mắt của truyền thông.

Có không, nếu…?

Sự ra đi của Duy Nhân khiến người ta nhớ đến hai cuộc đời đoản mệnh khác là Lê Công Tuấn Anh và Wanbi Tuấn Anh. Trong đó, cái chết của Lê Công Tuấn Anh cũng từng khiến báo chí tốn giấy mực không kém (ở cái thời báo mạng còn chưa có ở VN), thậm chí còn đủ để khiến người phụ nữ của anh (cựu người mẫu Minh Anh) phải điêu đứng phiêu dạt suốt một thời gian dài giữa bủa vây điều tiếng (bị cho là nguyên nhân khiến chàng diễn viên quẫn trí chọn cách kết liễu cuộc đời mình). Cái chết của Wanbi Tuấn Anh, tương tự Duy Nhân, cũng là bởi căn bệnh nan y quái ác, giữa lúc tuổi đời của họ còn quá trẻ, khác chăng là Duy Nhân đã kịp kết hôn, còn “chàng trai năm ấy” thì chưa…

Nhưng dù là đoạn kết nào thì cũng đủ để gây thương cảm cho đồng nghiệp và công chúng, bởi có cái thương dành nhiều hơn cho người ra đi, lại có cái thương nghiêng nhiều hơn về phía người ở lại. Và đó hẳn cũng là một phần lý do khiến truyền thông vừa qua đã dành không ít đất nói về người vợ trẻ của Duy Nhân khi tin dữ ập đến với cô chỉ mấy tháng sau ngày cưới. Phần nữa, hẳn còn vì đó là cả một chuyện tình cổ tích giữa thời buổi kim tiền: Hiếm khi trong showbiz lại có một cô gái xinh đẹp đến thế (ngay cả khi để nguyên mặt mộc), lại chịu nhận lời làm vợ một anh chàng người mẫu nghèo, sự nghiệp chưa đâu vào đâu, đến một mái nhà che mưa che nắng cũng chưa có…

Vâng, truyền thông dĩ nhiên có lý trong sự khóc thương vừa qua của họ. Chỉ là, cái sự nhiệt tình có phần thái quá kia không thể không khiến người ta tự hỏi: Liệu có lên đến chừng ấy tin bài, chùm ảnh, cập nhật từng ngày từng giờ, đủ mọi câu chuyện liên quan bên lề…, khi người ra đi không hẳn là một người nổi tiếng? Có không, sự khóc thương thấu thiết ấy (cùng bao câu chuyện được nâng lên thành biểu tượng, như sự bình tĩnh của Kiều Oanh), nếu như người vừa ra đi không từng nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của những cái tên nổi tiếng khác (như chính cái cách đám đông reo hò và lao lên chụp ảnh tự sướng giữa tang lễ, khi thấy Hoài Linh vào viếng). Và nhất là, người vợ trẻ ấy không xinh đẹp đến thế (để mỗi bức ảnh, dù cận cảnh mặt mộc trong lúc tang gia bối rối, cũng đủ để thu hút vô số lượt nhấp chuột)?

Hay là, chỉ cần thiếu đi một trong hai chữ “nếu” mà truyền thông luôn “lấy làm điều” ấy, thì sẽ là một cuộc tiễn đưa có phần lặng lẽ khác (với một lượng tin bài thưa thớt hơn nhiều), trong sự thực tế đến phũ phàng của truyền thông, ngay cả khi sự nghiệp của anh rõ ràng là ghi dấu ấn hơn nhiều, như sự ra đi cùng thời điểm (cũng với nhiều xót thương, trắc ẩn khác) của NSƯT Anh Dũng?

Cái lắc đầu đầy tự trọng

Hay là, ở mỗi trường hợp, truyền thông sẽ chọn những cách “thương” khác nhau? Khóc người trẻ khác, khóc người già khác? Với những người như cố nghệ sĩ già như Văn Hiệp, Anh Dũng…, thì truyền thông sẽ chọn cách xoáy vào những thua thiệt trong nghề của họ, mà cụ thể, là danh hiệu NSND mà khi sống, họ chưa được trao tặng, dù được cho là xứng đáng hơn cả nhiều người từng được trao trước đó? Hay đã manh nha thành tiền lệ ở ta: Hễ một NSƯT qua đời (nhất là trong cô đơn và bạo bệnh), thì sẽ được đồng nghiệp cảm thương chạy xin cho danh hiệu NSND, như người ta vẫn nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận”?

Dù đều là việc nghĩa, nhưng sao có những việc nghĩa có thể khiến người ta cảm thấy bất nhẫn đến thế (như việc xin truy tặng danh hiệu - chắc chỉ có ở ta, và như trường hợp của NSƯT Anh Dũng thì còn phải điểm chỉ vào đơn xin xét duyệt cả trên giường bệnh vì không còn đủ sức ký một chữ ký nhỏ?). Lại có việc nghĩa, như cách truyền thông vừa qua khóc Duy Nhân, phần nào đó, lại khiến những người điềm tĩnh hơn cảm thấy nghi ngại, về động cơ thực chất của truyền thông.

May sao, điều đáng quý vô cùng ở đây chính là lòng tự trọng của những người ở lại: Những người nhà của Duy Nhân, khi trong nỗi bối rối cùng cơn đau tột cùng ấy, họ vẫn không quên lên tiếng từ chối tiền phúng điếu, giúp đỡ (còn với trường hợp nào đã lỡ gửi thì họ sẽ dùng để làm từ thiện)…, dù chi phí những ngày điều trị cuối cùng của Duy Nhân lên tới con số hàng trăm triệu và chỉ cần ai đó trong số họ ngỏ ý, chắc chắn sẽ dễ dàng nhận được sự giúp đỡ không nhỏ từ công chúng và đồng nghiệp. Nhưng họ đã chọn cách bán đất và từ chối những sự giúp đỡ tiếp theo, vì theo họ, bằng ấy đã là quá đủ. Họ thậm chí còn lên tiếng phủ nhận ngay thông tin Kiều Oanh đang mang bầu (mà Cát Phượng trót đưa ra), mà không hề mảy may lưu ý rằng, đó là cả một thông tin có thể thu hút về nhiều hơn sự thương cảm và giúp đỡ, nếu như họ muốn. Điều mà công chúng từng lấy làm thất vọng về nam tài tử nổi tiếng một thời Chánh Tín, hẳn đã được vực dậy, qua cái lắc đầu đầy tự trọng của người vợ trẻ (nhưng suy nghĩ hết sức chín chắn) cùng người nhà của người mẫu đoản mệnh Duy Nhân? Âu cũng là để giúp cho anh có được một sự ra đi nhẹ nhàng thanh thản nhất!

Vâng, truyền thông dĩ nhiên có lý trong sự khóc thương vừa qua của họ. Chỉ là, cái sự nhiệt tình có phần thái quá kia không thể không khiến người ta tự hỏi: Liệu có lên đến chừng ấy tin bài, chùm ảnh, cập nhật từng ngày từng giờ, đủ mọi câu chuyện liên quan bên lề… như thế không, khi người ra đi không hẳn là một người nổi tiếng? Có không, sự khóc thương thấu thiết ấy (cùng bao câu chuyện được nâng lên thành biểu tượng), nếu như người vừa ra đi không từng nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của những cái tên nổi tiếng khác; và nhất là, người vợ trẻ ấy không xinh đẹp đến thế (để mỗi bức ảnh, dù cận cảnh mặt mộc trong lúc tang gia bối rối, cũng đủ để thu hút vô số lượt nhấp chuột)?

Theo Lao động