“Đường về” – nước mắt mẹ chưa ngừng chảy

VietTimes  – Cảnh người đàn ông giơ chiếc búa tạ đập vỡ ngôi mộ liệt sĩ ốp gạch đen bóng để lấy mẫu xét nghiệm ADN, không chỉ khiến 2 người mẹ liệt sĩ ngậm ngùi khóc thương, mà tôi, một khán giả tình cờ xem bộ phim cũng nghẹn ngào, thấy tiếng búa như gõ vào ngực mình, buốt nhói… Đó là những cảm xúc đầy ám ảnh khi xem bộ phim tài liệu “Đường về” chiếu trên VTV1 tối 24/7 nhân Ngày thương binh –liệt sĩ.
Hai người mẹ liệt sĩ nắm tay nhau, an ủi trong mất mát
Hai người mẹ liệt sĩ nắm tay nhau, an ủi trong mất mát

Đúng như đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nói “đây là một bộ phim buồn, đau lòng”. Những thước phim quả đã chạm đến tận sâu thẳm trái tim người xem. Có lẽ đây là bộ phim tài liệu đầu tiên về đề tài này tạo nên cảm xúc mạnh mẽ cho tôi đến thế. Bởi câu chuyện hết sức éo le. Bởi con đường trở về quê của các liệt sĩ dằng dặc khó khăn chen lẫn đau thương. Bởi sự chân thực trong toàn bộ câu chuyện. Bởi tấm lòng bao dung của 2 người mẹ liệt sĩ...

Hai mẹ liệt sĩ bị nhầm mộ con
Hai mẹ liệt sĩ bị nhầm mộ con (ảnh: VTV)

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2018, khi mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình đến An Giang thắp hương cho con trai là liệt sĩ Đinh Duy Tuân (đã tìm thấy mộ từ năm 2002), bất ngờ thấy hài cốt của liệt sĩ đã được gia đình mẹ Hà Thị Xuân đưa về Ninh Bình từ 8 năm trước. Nguyên nhân của việc 8 sau năm gia đình mới biết, là do quản trang chậm gắn bia “Hài cốt liệt sĩ đã di chuyển” trên mộ. Mẹ Hinh nghẹn ngào: “Ối giời ơi, 8 năm trời, 8 năm trời cúng mỗi cái vỏ”.

Có sự nhầm lẫn đau lòng này là bởi 2 liệt sĩ cùng tên (khác họ, khác đệm), cùng huyện, cùng nhập ngũ một ngày, hy sinh cùng năm (khác tháng). Vậy hài cốt trong ngôi mộ thực sự là liệt sĩ Bùi Thanh Tuân (con trai mẹ Hà Thị Xuân) hay là liệt sĩ Đinh Duy Tuân (con trai mẹ Lưu Thị Hinh)?

Mẹ Lưu Thị Hinh
Mẹ Lưu Thị Hinh - mẹ liệt sĩ Đinh Duy Tuân (ảnh: VTV)

Câu hỏi xoáy vào lòng 2 bà mẹ cùng ở tuổi 83, khiến họ gặp nhau là khóc ngậm ngùi. Những ký ức của 2 mẹ đẫm nước mắt. Nhưng các mẹ phải đứng trước một quyết định vô cùng đau xót, là cho khai quật ngôi mộ để xét nghiệm ADN. Mẹ Xuân đau đớn, thảng thốt: “Nếu là con của người ta thì người ta mang đi mất à”?

Nhưng không chỉ có tình huống hài cốt dưới mộ là liệt sĩ Bùi Thanh Tuân, hay liệt sĩ Đinh Duy Tuân, mà còn khả năng thứ ba là không phải cả 2 liệt sĩ, thì đưa di cốt đi đâu? Ban đầu, 2 gia đình thống nhất nếu thế thì đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện, nhưng người thân của mẹ Xuân bất ngờ lên tiếng: Nếu không phải là cả 2 anh, thì xin vẫn để gia đình tiếp tục thờ cúng, vì dù sao người nằm dưới mộ cũng hy sinh vì dân vì nước.

Mẹ Hà Thị Xuân - mẹ của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân (ảnh: VTV)
Mẹ Hà Thị Xuân - mẹ của liệt sĩ Bùi Thanh Tuân (ảnh: VTV)

Vô cùng đau đớn khi buộc phải cho khai quật nấm mồ suốt 8 năm qua đã là con của mẹ, đến mức thốt lên “Có ai khổ như con tôi không hở giời?”, nhưng mẹ Xuân vẫn an ủi mẹ Hinh:  “Bà không lo, bên trong kia họ làm sai chứ không phải do gia đình nhà mình”…

Quyết định cho khai quật đã đủ khiến trái tim 2 bà mẹ thêm một lần rỉ máu sau lần nhận giấy báo tử cách đây mấy chục năm, nhưng trái tim các mẹ hẳn muốn vỡ ra khi tiếng búa đập lên thành ngôi mộ, để một lần nữa đưa hài cốt của liệt sĩ ra ngoài lấy mẫu xét nghiệm ADN.

Nhưng, nỗi đau chưa dừng ở đó, khi điểu xót xa nhất đã xảy ra: Không thể lấy mẫu để xét nghiệm vì hài cốt đã phân hủy do gần nửa thế kỷ trôi qua.

Chấm dứt mọi tranh chấp éo le. Chấm dứt những lo lắng mơ hồ. Chấm dứt cả niềm hy vọng khẳng định người dưới mộ là ai ... Mẹ Hinh thảng thốt. Mẹ Xuân thẫn thờ… Nhưng rồi, trong hoàn cảnh ấy, các mẹ đã có quyết định thật ấm áp tình người: An ủi nhau và nhận thờ con chung ở mộ phần đó: “Không phải con nhà bà thì là con nhà tôi, cũng đều vì dân vì nước mà các anh hy sinh cả”.

 Câu nói ấy như một niềm an ủi lớn lao, không chỉ cho mẹ Hinh, mà còn cho bao gia đình vẫn trong hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ về quê…

Hai người mẹ ngồi trước mộ con trước giờ khai quật (ảnh: VTV)
Hai người mẹ ngồi trước mộ con trước giờ khai quật (ảnh: VTV)

“Đường về” gói gọn trong thời lượng 50 phút, nhưng có thể nhìn thấy được sự lao động nghiêm cẩn, kỳ công và cả tâm huyết của ekip làm phim qua từng hình ảnh, từng âm thanh, từng cuộc trò chuyện của 2 gia đình, mà đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã theo đuổi câu chuyện từ giữa năm 2018.

Tôi còn thấy ở bộ phim có cả sự can đảm của đạo diễn, khi anh ghi lại câu chuyện đặc biệt éo le này theo phong cách phim tài liệu trực tiếp, trong khi không ai có thể lường hết được diễn biến cũng như kết thúc ra sao, nên thành bại của phim cũng thật mong manh.

Với lối kể chuyện tự nhiên và chân thực, giàu cảm xúc, với cách lột tả nội tâm nhân vật tài tình, “Đường về” của Tạ Quỳnh Tư đã chạm đến trái tim người xem. Từ đầu đến cuối bộ phim là những hình ảnh rất “đắt” về 2 bà mẹ cùng ở tuổi 83, cùng có con hy sinh vì dân vì nước với những diễn biến tâm lý, những câu nói rất thực, rất đời. Câu chuyện diễn ra trong thời gian dài, với nhiều cung bậc cảm xúc, từng bước, từng bước đưa người xem đến với thông điệp nhân văn một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Mẹ Lưu Thị Hinh
Mẹ Lưu Thị Hinh trong nỗi đau mất con

Ở một đề tài đã cũ, nhưng đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã rất thành công, khi chọn cách thể hiện mới để chuyển tải được nhiều thông điệp sâu sắc: Trái tim những người mẹ Việt Nam luôn đầy ắp sự hy sinh, là cội gốc gìn giữ sợi dây tình cảm gia đình thiêng liêng bền chặt. Cũng chính vì sợi dây thiêng liêng đó, mà các gia đình đều mong muốn tìm được liệt sỹ để đưa về quê hương.

Nhưng, con đường trở về đất mẹ của các liệt sĩ sẽ bớt gian truân, trái tim của những người mẹ sẽ bớt đớn đau, nếu những người làm công tác liệt sỹ có trách nhiệm từ những việc nhỏ nhất với đồng đội. Bởi câu chuyện nhầm mộ của hai người mẹ chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ của rất nhiều gia đình đã và đang diễn ra trên khắp nẻo đường đất nước.

Theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, còn một thực tế nữa: Nhiều mẫu vật phẩm được các gia đình lấy về để giám định ADN, nhưng khi không có kết quả, nhiều gia đình đã không mang mẫu vật phẩm để hoàn cốt cho các liệt sĩ. Vì thế, tại phòng giám định ADN của Cục Người có công hiện có tới 5.000 mẫu vật phẩm không được hoàn cốt, phải gửi sang một ngôi chùa tại Bắc Ninh.

Sự thật đau lòng đó chính là một động lực để đạo diễn Tạ Quỳnh Tư thực hiện bộ phim “Đường về” với lời nhắn gửi: Sau khi xét nghiệm ADN, dù không trùng với huyết thống gia đình, thì các thân nhân liệt sỹ đã lấy mẫu vẫn phải có trách nhiệm hoàn cốt lại nơi đã lấy, để thân xác các liệt sỹ không thêm một lần nữa phải chia lìa...