Đứng tên giùm người nước ngoài đăng ký doanh nghiệp: Những rủi ro và trách nhiệm pháp lý

Việc “mượn tên”, “cho mượn tên” để đăng ký doanh nghiệp rõ ràng là một giao dịch không minh bạch và tất yếu sự “mờ ám” luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực tế cho thấy, không chỉ trong hoạt động mua nhà đất mà cả trong hoạt động đầu tư kinh doanh, việc “mượn tên” cũng không phải là hiếm gặp.

Nhiều lý do cần “mượn danh”

Mặc dù Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện hành đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh, kể cả điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau, trong một số trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn nhờ người Việt Nam đứng tên giùm trong hoạt động đầu tư kinh doanh, đứng tên giùm để thành lập doanh nghiệp, làm người đại diện theo pháp luật.

Trước hết, dù pháp luật về đầu tư kinh doanh không ngừng được hoàn thiện; môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện nhưng điều kiện kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn ít nhiều kém thuận lợi hơn so với nhà đầu tư trong nước.

Chẳng hạn, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế (doanh nghiệp) thì phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) theo Luật Đầu tư (LĐT) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) theo Luật Doanh nghiệp (LDN).

Trong khi nhà đầu tư trong nước chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo LDN. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thì nhiều trường hợp cũng phải thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, pháp lý liên quan.

Không chỉ phức tạp hơn về thủ tục đầu tư kinh doanh, tốn kém thời gian, chi phí hơn so với doanh nghiệp do nhà đầu tư trong nước (người Việt Nam) thành lập, trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh, hình thức đầu tư, tỷ lệ sở hữu vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cũng bị hạn chế. Thậm chí đối với những ngành nghề chưa cam kết “mở cửa”, thủ tục càng mất nhiều thời gian hơn do cơ quan đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư phải xin ý kiến của cơ quan quản lý cấp bộ.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông) thì doanh nghiệp đó cũng bị xem là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cũng sẽ chịu hạn chế, điều kiện kinh doanh trong hoạt động mua bán hàng hóa như giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán lẻ... (Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15-1-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).

Và rất nhiều lý do khác nữa dẫn đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài mượn tên của người Việt Nam để đầu tư kinh doanh dưới hình thức thành lập doanh nghiệp nhằm được hưởng đầy đủ quyền lợi, sự thuận lợi của nhà đầu tư trong nước; né tránh những hạn chế, điều kiện, rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Những rủi ro

Việc “mượn tên”, “cho mượn tên” để đăng ký doanh nghiệp rõ ràng là một giao dịch không minh bạch và tất yếu sự “mờ ám” luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi mượn tên người Việt Nam để đăng ký thành lập doanh nghiệp, về pháp lý, họ sẽ không được ghi nhận là chủ sở hữu, thành viên hay cổ đông của công ty dù thực tế họ là người bỏ tiền, tài sản để góp vốn vào công ty (thông qua cá nhân người Việt Nam). Và nếu người cho họ mượn tên để đăng ký doanh nghiệp “lật kèo” thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn toàn mất quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Cho dù có thỏa thuận giữa hai bên về việc đứng tên giùm đi nữa thì việc chứng minh việc đứng tên giùm, đòi lại tiền đã đầu tư trong tiến trình tố tụng tại cơ quan giải quyết tranh chấp cũng rất nhiêu khê, chưa kể ngay cả tính pháp lý của giao dịch nhờ đứng tên giùm để thành lập doanh nghiệp cũng còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi!

Còn đối với bên Việt Nam cho mượn tên, thông thường cũng sẽ được hưởng một khoản lợi ích nhất định, chẳng hạn như “thù lao” mỗi tháng. Tuy nhiên, thực tế họ sẽ không quản lý, điều hành doanh nghiệp do họ đứng tên thành lập mà sẽ ủy quyền toàn bộ quyền hạn của mình trong doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài đã mượn tên để nhà đầu tư nước ngoài được thực tế toàn quyền quyết định và rủi ro cũng từ đó phát sinh.

Bởi lẽ, việc ủy quyền không làm miễn trừ trách nhiệm của bên đứng tên giùm vì giao dịch dân sự do người được ủy quyền (bên mượn tên được ủy quyền) xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện (bên cho mượn tên). Nếu chẳng may xảy ra tình huống xấu thì nhà đầu tư nước ngoài mượn tên có thể “bỏ của chạy lấy người”, bỏ trốn về nước và người Việt Nam đứng tên giùm sẽ phải ở lại “chịu trận” và vướng vào nhiều rắc rối liên quan.

Người đứng tên giùm sẽ phải chịu trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Chẳng hạn, điều 14 LDN quy định trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật như thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.

Nếu vi phạm những trách nhiệm này, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại của doanh nghiệp.

Chưa kể, người đứng tên giùm để đứng tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan hành chính, tư pháp Việt Nam, đại diện doanh nghiệp làm việc với cơ quan thuế, đại diện doanh nghiệp tham gia tố tụng...

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự hiện hành cũng truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội trong một số tội danh nhất định và mối quan hệ giữa người đại diện của pháp nhân với pháp nhân là mối quan hệ mật thiết như “hình với bóng” và gần như không thể tách rời nhau; pháp nhân không thể tham gia giao dịch và các quan hệ pháp luật mà không có người đại diện hợp pháp của nó.

Mọi hành vi của pháp nhân đều thông qua hành vi của người đại diện và mọi hành vi của người đại diện cho pháp nhân nhân danh pháp nhân sẽ làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của pháp nhân. Do đó, nếu người đứng tên giùm thiếu cẩn trọng dẫn đến trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì người đứng tên giùm làm đại diện theo pháp luật cũng khó vô can.

Điều này cũng được quy định trong Bộ luật Hình sự (khoản 2 Điều 75): “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”.

Trách nhiệm pháp lý

Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro như nêu trên nhưng giao dịch đứng tên giùm thành lập doanh nghiệp vẫn diễn ra bởi lẽ việc phát hiện và xử lý cũng rất khó khăn và các chế tài xử lý cũng không đủ mạnh.

Điều 17 LDN nghiêm cấm các hành vi: kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; lừa đảo. Vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Theo đó, hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chỉ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng; biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác (điều 14 Nghị định 50/2016).

Mức phạt này là quá thấp so với lợi ích mà các bên có thể được hưởng từ giao dịch đứng tên giùm thành lập doanh nghiệp. Chưa kể việc phát hiện nội dung kê khai không trung thực, đứng tên giùm để thành lập doanh nghiệp là rất khó phát hiện để xử lý.

Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không xem đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải coi là tội phạm, không có bất kỳ tội danh nào liên quan đến vấn đề này.

Để hạn chế tình trạng nhà đầu tư nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên thành lập doanh nghiệp, đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động đầu tư kinh doanh, pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư cần phải tiếp tục sửa đổi để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, bình đẳng hơn giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, phải tăng nặng các chế tài xử lý đối với giao dịch đứng tên giùm, cần quy định rõ đây là hành vi bị cấm trong LDN, LĐT và có chế tài xử lý riêng, thậm chí có thể nghiên cứu, xem xét đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần thiết.

(*) Công ty Luật KAV Lawyers

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/289688/dung-ten-gium-nguoi-nuoc-ngoai-dang-ky-doanh-nghiep-nhung-rui-ro-va-trach-nhiem-phap-ly.html