|
“Hành động kỳ lạ” của Tấn Trường đã biếu không bàn gỡ hòa cho Hà Nội (ảnh CLB) |
"Các bạn cho tôi hỏi một câu, các bạn có phải là fan bóng đá không? Nếu các bạn là fan hâm mộ bóng đá thì các bạn phải biết xem đá banh là như thế nào chứ”, Tấn Trường đã viết như vậy trên mạng xã hội. Anh không phải là cầu thủ đầu tiên mắc sai lầm nhưng chắc chắn anh là thủ môn Việt Nam đầu tiên trách móc người xem.
Sai lầm hệ thống
Đầu tiên, bất cứ ai cũng đều biết, sai lầm sân cỏ là một phần của bóng đá, trọng tài, HLV và cầu thủ, ai cũng có thể có những quyết định “ngớ ngẩn”. Nhưng mọi việc đều có cái lý do của nó và có giới hạn nhất định. Nên đầu tiên, xin trả lời Tấn Trường, chẳng cần là fan bóng đá, người ta vẫn có thể chỉ trích sai lầm, đối với Tấn Trường là sai lầm hệ thống, sai lầm “thứ n” trong cuộc đời cầu thủ.
Hẳn hơn ai hết Tấn Trường tự phải hiểu vì sao mình bị khán giả nhà chỉ trích dữ dội như thế. Rất nhiều người đã gợi lại hàng loạt sai lầm trong quá khứ của thủ môn B.Bình Dương, mà đáng chú ý nhất là thất bại tại SEA Games 2009 ở Lào trước U23 Malaysia. Mới đây thôi, trong thất bại 1-3 trước Cerez Negros ở AFC Cup 2019 thì thủ môn này cũng mắc 2 lỗi rất nặng.
Không chỉ khán giả, ngay khi trận đấu giữa Bình Dương và Ceres Negros đang diễn ra, đội trưởng Lê Tấn Tài đã bức xúc quay lại nói với cánh phóng viên khi thực hiện quả đá phạt góc cho chủ nhà rằng: “Chẳng hiểu Tấn Trường bắt kiểu gì nữa. Bàn thua đầu tiên thì tự đưa bóng cho đối thủ ghi bàn. Rồi đến bàn thua thứ hai, Tấn Trường đứng im vậy không lao ra bắt bóng. Anh em phía trên nỗ lực hết mình để có được bàn gỡ, vậy mà…”
Ngồi ngoài 5 trận và trận thứ 2 được trở lại thi đấu thì Tấn Trường lại có “hành động kỳ lạ” khi xử lý tình huống bóng bổng khá đơn giản cuối trận đấu, biếu không bàn gỡ hòa cho Hà Nội. Dù cố tình hay vô ý thì Tấn Trường cũng đã đổ xuống sông, xuống bể công sức suốt 90 phút của khán giả, cướp đi niềm vui của bao cổ động viên.
Nối tiếp sai lầm
|
Thay vì gõ phím, trách cứ ngược người hâm mộ, Tấn Trường hãy xỏ găng tập luyện (ảnh CLB)
|
“Nếu các bạn là fan hâm mộ bóng đá thì các bạn phải biết xem đá banh là như thế nào chứ?” Tôi cam đoan khán giản sân Gò Đậu biết xem đá bóng, khán giả truyền hình biết xem đá bóng. Họ có quyền phản ứng trong những tình huống “ai cũng bắt được, chỉ mình Trường không bắt được” như thế. Tất nhiên, cổ động viên được quyền bức xúc nhưng không nên miệt thị, nhục mạ cá nhân.
“Thật sự tôi rất bức xúc từ rất lâu rồi nhưng giờ tôi không kiềm được nữa buộc tôi phải nói”, không ai cấm Trường nói nhưng khoác áo cầu thủ chuyên nghiệp thì Trường phải biết chấp nhận hay-khen, dở-chê. Hành nghề quần đùi áo số, lương cao chót vót thì hiển nhiên áp lực phải lớn, thi đấu hay được tung hô, thi đấu tệ bị chỉ trích, kể từ cổ chí kim, từ đông sang tây quốc gia nào chả thế, CLB nào chả thế. Nếu bức xúc, chỉ có hại cho chính Tấn Trường mà thôi!
Cùng thời điểm với Tấn Trường, thủ môn De Gea của MU cũng liên tiếp mắc sai lầm khiến Quỷ đỏ văng khỏi tốp 4 và bị khán giả tẩy chay. Thay vì bức xúc, De Gea gửi lời xin lỗi đến khán giả Quỷ đỏ vì những sai lầm ngớ ngẩn của mình, đó mới là cách hành xử chuẩn mực.
Thực ra, nếu HLV Minh Chiến không rời đội và ông Lê Hồng Cường - Tổng giám đốc Công ty CPBĐ Bình Dương thực hiện đúng như thông báo: "Chúng tôi tạm thời không sử dụng thủ môn Bùi Tấn Trường đến hết giai đoạn một của V-League, Cup quốc gia và AFC Cup 2019” thì Tấn Trường đã không có cơ hội để bức xúc vì không được ra sân, sau hàng loạt sai lầm khó hiểu.
Thay vì gõ phím, trách cứ ngược người hâm mộ, Tấn Trường hãy xỏ găng tập luyện và hạn chế những sai lầm thô thiển, đó mới là cách hành xử của cầu thủ chuyên nghiệp.