Một cuộc khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy 94% quốc gia trên thế giới đã triển khai một số hình thức học tập từ xa khi đại dịch Covid-19 khiến các trường học phải đóng cửa.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên trẻ em học tập từ xa khi việc giáo dục ở trường bị gián đoạn. Năm 1937, Trường Công lập Chicago đã sử dụng đài phát thanh (radio) để dạy trẻ em trong thời kỳ bùng phát bệnh bại liệt. Điều này chứng tỏ công nghệ từ lâu đã được sử dụng trong các thời kỳ xã hội khủng hoảng.
“Trường học radio”
Gần đây, chúng ta thường được nghe nhiều đến các cụm từ như “cách ly”, “giãn cách xã hội”, “đóng cửa trường học”, nhưng ở Mỹ từ những năm 1918, 1919 người ta vẫn đóng cửa trường học và nơi công cộng để ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm.
Năm 1937, một trận dịch bại liệt nghiêm trọng đã tấn công Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, loại virus truyền nhiễm này không có thuốc chữa. Nó khiến cho người bệnh mất đi khả năng vận động. Trên khắp đất nước, các sân chơi và hồ bơi đóng cửa, trẻ em bị cấm đến không gian chiếu phim và các rạp công cộng khác. Chicago đã ghi nhận 109 trường hợp bại liệt vào tháng 8, khiến các trường học phải hoãn khai giảng trong 3 tuần.
Sự đình trệ này đã khơi mào cho thử nghiệm “trường học radio” quy mô lớn đầu tiên. Khoảng 315.000 trẻ em từ lớp 3 đến lớp 8 ở Chicago học ở nhà thông qua việc nghe các bài giảng trên radio..
Vào cuối những năm 1930, radio đã trở thành một nguồn tin tức và giải trí phổ biến. Hơn 80% hộ gia đình ở Hoa Kỳ sở hữu ít nhất một chiếc radio.
Tại Chicago, các giáo viên cùng với Hiệu trưởng đã biên soạn các bài học trực tuyến cho mỗi lớp, với sự giám sát của các chuyên gia trong từng môn học. 7 đài phát thanh địa phương đã dành tặng thời lượng phát sóng cho các môn học. Ngày 13/9 là ngày đầu tiên lớp học qua radio diễn ra.
Các tờ báo địa phương in lịch học vào mỗi buổi sáng. Các lớp xã hội và khoa học nghe giảng trên radio vào Thứ Hai, Tư, Sáu. Các ngày thứ Ba, Năm, Bảy được dành cho tiếng Anh và Toán. Trước khi buổi học bắt đầu, radio phát các thông báo và nhạc để học sinh tập thể dục.
Tiết học mỗi môn rất ngắn, chỉ khoảng 15 phút, cung cấp các câu hỏi đơn giản, phạm vi rộng, và giao bài tập về nhà. Hai hiệu trưởng theo dõi mỗi buổi phát thanh, cung cấp phản hồi cho giáo viên về nội dung, cách diễn đạt, từ vựng và hiệu suất chung. Khi trường học mở cửa trở lại, học sinh sẽ nộp tiểu luận và làm bài kiểm tra để chứng tỏ khả năng thông hiểu tài liệu.
Theo Hines , một nhà sử học về giáo dục ở Mỹ, chương trình được tổ chức rất tốt, các bài học hấp dẫn và các nhà giáo dục “tích cực tìm cách thu hút sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng” thông qua đường dây nóng điện thoại mà họ có thể gọi với các câu hỏi hoặc nhận xét. 16 giáo viên đã trực tổng đài, trả lời các cuộc điện thoại từ phụ huynh tại văn phòng trung tâm giáo dục thành phố. Sau khi nhận được hơn 1000 cuộc gọi vào ngày đầu tiên, các quan chức thành phố đã quyết định bổ sung thêm 5 giáo viên nữa.
Theo tờ Chicago Suntimes, hồi đó các tin bài phản ánh kiểu học qua radio này đa phần rất tích cực, một số bài báo cũng đã ám chỉ những thách thức của việc học online. Một số trẻ bị phân tâm hoặc khó theo dõi các bài học. Trẻ em cần sự hỗ trợ của cha mẹ khi học qua radio.
Việc giảng dạy trên radio đã kết thúc vào cuối tháng 9 khi các trường học mở cửa trở lại. Mặc dù chương trình học diễn ra chưa đầy 3 tuần, nhưng nó đã thay đổi vai trò của đài phát thanh địa phương trong công tác giáo dục.
Báo chí thời đó đưa tin về việc học sinh sẽ học qua radio |
Thử nghiệm này đã khởi xướng mối quan hệ hợp tác giữa các trường công lập của thành phố với đài phát thanh địa phương. Điều này đã nhanh chóng được củng cố khi Hội đồng Đài phát thanh Chicago được thành lập. Hội đồng đã sản xuất các chương trình giáo dục, phát sóng các hội nghị giáo dục và bổ sung chương trình giảng dạy cụ thể cho từng cấp lớp. Các giáo viên cũng được yêu cầu đưa các chương trình phát sóng vào giáo án của họ. Nó cũng tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia vào các buổi phát thanh, bàn tròn trên đài phát thanh và các chương trình khác.
Học tập online năm 2020
Năm 2020 vừa qua, khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, các trường học lại cho học sinh học từ xa. Khoảng ba phần tư số quốc gia cung cấp các lớp học trên truyền hình và khoảng một nửa sử dụng phương pháp học qua radio – điều này đặc biệt quan trọng ở các quốc gia đang phát triển.
Việc học online qua Internet trở nên dễ dàng với các ứng dụng như Microsoft Teams, Zoom, Google Meet... Tuy nhiên, công nghệ cũng chứa đựng những mặt trái.
Nhiều trẻ em không thể truy cập vào tài khoản học tập nếu không có sự hỗ trợ của cha mẹ. Khoảng một phần ba số học sinh trên thế giới không thể tham gia vào các lớp học trực tuyến vì họ không có máy tính, tivi hoặc đài phát thanh, thiếu kết nối Internet đủ mạnh hoặc sống ở những vùng nông thôn xa xôi nằm ngoài phạm vi phát sóng.
Câu chuyên trên cho thấy những nét tương đồng của việc học từ xa so với thời điểm cách đây gần một thế kỷ. Tìm cách thích ứng thông qua việc sử dụng công nghệ, hay nói cách khác là chuyển đổi số trong cách dạy và học, giúp giáo viên và học sinh san lấp phần nào khoảng cách địa lý.