Đừng để mùng 3 Tết thầy trở thành dịch vụ 'tiền trao cháo múc'

Theo PGS Lê Quý Đức, "mùng 3 Tết thầy" là nét đẹp truyền thống. Nhưng trong xã hội hiện đại, không ít học trò đổi tiền, tình lấy điểm.

“Mùng 3 Tết thầy xưa và nay đã có nhiều thay đổi”, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nói khi mở đầu câu chuyện với Zing.vn nhân dịp đầu xuân mới.

Học trò xưa nuôi thầy

"Mùng 3 Tết thầy" đã trải qua quãng thời gian tồn tại trong đời sống xã hội Việt Nam như thế nào, thưa ông?

 - "Mùng 3 Tết thầy" xưa và nay thay đổi theo các giai đoạn lịch sử của đất nước. Ông cha ta có câu "Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” cùng “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, thể hiện lòng biết ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, thầy cô. Đây là cách ứng xử có văn hóa, truyền thống của một đất nước văn học, văn hiến. 

Dung de mung 3 Tet thay tro thanh dich vu 'tien trao chao muc' hinh anh 1
PGS Lê Quý Đức cho rằng "mùng 3 Tết thầy" của xã hội hiện đại có nhiều đổi khác so với ngày xưa. Ảnh:Q.Q.


Theo cuốn “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính, "Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ". Đó không phải chỉ là chúc tết, biếu quà, thắp hương cho cả họ hàng nội và ngoại. Theo truyền thống, phong tục này có phần phong kiến bởi xã hội xưa luôn đề cao đàn ông hơn phụ nữ. 

Cụ Phan Kế Bính cũng nêu, học trò thường sắm Tết là thúng gạo, đôi con gà trống, chiếc bánh đường phèn hay nhãn lồng để chúc tết.

Không chỉ riêng ngày Tết, trong một năm, học trò tới thăm thầy rất nhiều ngày như Tết Hàn Thực, Tết Đoan Ngọ hay rằm tháng bảy. Khi thầy ốm đau trò đến thăm nom; nhà có đám tang trò đến chia buồn. Học trò khi ấy ví công ơn thầy như người sinh thành. 

Có thể hiểu, trong quan niệm Tết xưa, chúc Tết thầy không chỉ là tình cảm mà còn là vật chất. Ở đó, học trò đóng góp và trả công, trả lương cho thầy. Bởi trong xã hội trung đại, thầy đồ, thầy nghè, ông cống tự đứng ra tổ chức lớp học, hoặc các gia đình kêu gọi nhau thành lập lớp. Thầy không có lương. Khi dạy học, các gia đình trong làng đóng góp thóc gạo để nuôi thầy. 

Đến thời kỳ Pháp thuộc, trường học của Nhà nước bắt đầu xuất hiện, người thầy được trả lương. Việc biếu xén, trả công vì thế cũng giảm. 

Sau cách mạng Tháng Tám, phong tục "Mùng 3 Tết thầy" không còn nhiều người thực hiện. Chỉ một số gia đình còn giữ lại nề nếp xưa mới có phong tục này.  Tôi lớn lên trong những thập niên 60, 70 hầu như không còn thấy ngày Tết thầy nữa.

Tết thầy có lúc trở thành dịch vụ "tiền trao tráo múc"

- Tết thầy để lại trong ông những kỷ niệm gì, thưa PGS?

- Tết thầy chỉ thực sự quay lại vào thời kỳ đổi mới. Con người khi đó hoài niệm và có ý thức khôi phục truyền thống tốt đẹp. Cũng có thể khi xã hội phát triển thì “phú quý sinh lễ nghĩa”.

Tôi có những học trò rất chu đáo, đã tốt nghiệp 10, 20 năm vẫn về thăm thầy ngày Tết. Có cô học trò nghèo, học cao học, ngày Tết biếu tôi giỏ hoa quả và phong bì. Tôi nhận tấm lòng của em nhưng gửi lại quà và nói cuộc sống còn khó khăn, em hãy lo toan cho gia đình trước. 

Thầy hướng dẫn tôi làm luận văn từ hơn 40 năm trước đã mất nhưng đến bây giờ năm nào tôi cũng đến thắp hương cho thầy. Thầy dạy cấp một từ hơn 60 năm trước, tôi vẫn về thăm mỗi dịp nghỉ hè, lễ tết.

Trở lại vào thời kỳ đổi mới, "mùng 3 Tết thầy" có giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp hay đã bị “biến chất”?

- Giáo viên hiện tại có ngày "tết" riêng là 20/11, trong năm cũng nhiều còn ngày lễ khác thầy cô được quan tâm, chứ không chỉ mùng 3 âm lịch. 

Tết thầy hiện tại đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường, con người hiểu không đúng sẽ có những biến tướng. Nhiều phụ huynh nghĩ biếu thầy ngày Tết sẽ khiến con được quan tâm hơn. Ít nhiều điều này mang hình thức mua bán bởi thầy làm dịch vụ, còn trò muốn dịch vụ tốt hơn nên "tiền trao cháo múc". Người học, khi đạt được mục đích, sẽ không còn liên lạc hay quan tâm thầy nữa. 

Lúc đó, người thầy cũng là một phần của tiêu cực, khi dịp Tết muốn học sinh biếu nhiều hơn, thậm chí lợi dụng để đòi hỏi vật chất, hay đổi tình lấy điểm. 

Những điều tham nhũng này làm giảm mất ý nghĩa thiêng liêng của tết thầy, tạo nên hình ảnh xấu trong xã hội. Nếu cơ quan hành chính ví von “Tốt lễ dễ kêu”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, thì trong giáo dục sẽ là “tốt lễ dễ đạt điểm cao”.

Vừa qua, kỳ thi THPT quốc gia liên quan tiêu cực điểm số cũng là cách mua bán, tiền nong. Điều này vừa vi phạm đạo đức của người thầy vừa phạm pháp.

Theo Zing News

Link gốc: https://news.zing.vn/dung-de-mung-3-tet-thay-tro-thanh-dich-vu-tien-trao-chao-muc-post911932.html