|
Những tòa nhà bị phá hủy trong trại tị nạn Jabalia ở thành phố Gaza vào ngày 3/10/2024 (Ảnh: Getty) |
Các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu của tập đoàn Axel Springer của Đức đưa tin, nước này đã từ chối chuyển giao vũ khí cho Israel trừ khi Nhà nước Do Thái đưa ra đảm bảo bằng văn bản rằng chúng sẽ không được sử dụng để tấn công dân thường ở Dải Gaza.
Tạp chí Politico hôm đầu tuần này cũng đưa tin Berlin, quốc gia đã không phê duyệt bất kỳ hoạt động bán vũ khí nào cho Israel kể từ tháng 3 năm nay, đã chặn việc bán vũ khí trong khi nhấn mạnh rằng nhà nước Do Thái không bị cấm vận vũ khí. Điều này cũng xác nhận một bài viết được tờ Bild của Đức đăng vào cuối tuần trước.
Theo Bild, Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck là những người đã “chặn các đợt giao hàng mới”. Các chính trị gia cấp cao của Đảng Xanh muốn Israel cam kết rằng vũ khí của Đức sẽ không được sử dụng để chống lại dân thường ở Gaza.
“Chính phủ Israel phải cung cấp cho chính phủ Đức một văn bản đảm bảo rằng xuất khẩu vũ khí từ Đức sẽ không được sử dụng cho mục đích diệt chủng”, tờ Bild cho biết. Israel được cho là đã cung cấp những đảm bảo cần thiết trong hôm thứ Năm tuần trước.
Luật pháp Đức cấm vận chuyển vũ khí tới những quốc gia có nguy cơ sử dụng vũ khí để chống lại dân thường. Một người quen thuộc với vấn đề này nói với Politico: “Việc chuyển giao vũ khí cho Israel cần phải tuân thủ các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế. Lý do yêu cầu một cam kết như vậy là vì tòa án Đức có thể ngăn chặn việc đó”.
Những thông tin này đã làm dấy lên sự chỉ trích từ phe đối lập và Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, trong đó nhiều chính trị gia kêu gọi Đảng Xanh và Thủ tướng Olaf Scholz “làm rõ” tình hình xuất khẩu vũ khí. “Ông Scholz, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang, cũng phải chịu trách nhiệm ở đây”, Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo, nói với tờ Bild.
Bà Baerbock đã công khai ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nhưng nhấn mạnh trong một bài phát biểu tuần trước rằng “luật nhân đạo quốc tế và quyền tồn tại của Israel có mối liên hệ chặt chẽ với nhau”.
Israel đã bị cáo buộc nhắm mục tiêu bừa bãi vào dân thường ở Gaza, nơi hơn 42.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi cuộc giao tranh giữa Hamas và Israel nổ ra vào tháng 10/2023. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã bác bỏ cáo buộc phạm tội diệt chủng là “vô lý”, cho rằng Hamas đang sử dụng thường dân Palestine làm lá chắn sống.