Phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert trong một cuộc họp báo tổ chức tại Berlin hôm 15/6 nói rằng nội các đã quyết định cử binh sĩ tới EUFOR-Althea, sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Bosnia đã được thực thi kể từ năm 2004. Ông Seibert nói rằng tối đa 50 binh sĩ sẽ được triển khai trong vòng 1 năm, đánh dấu sự trở lại của Đức trong lực lượng gìn giữ hòa bình ở Bosnia mà Berlin đã rời khỏi từ năm 2012.
Một lượng binh sĩ trong số đó được dự kiến sẽ bổ sung cho các đội quan sát. Nhiệm vụ của họ là tản ra khắp Bosnia và đóng vai trò như “những bộ cảm biến” cho bộ tư lệnh EUFOR, trong khi những người khác sẽ làm việc tại trụ sở ở Sarajevo.
Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng cần được Quốc hội Đức (Bundestag) thông qua, và ông Seibert nói rằng sau khi được phê chuẩn, các binh sĩ Đức sẽ được triển khai cho tới cuối tháng 6/2023, khoảng thời gian này có thể được gia hạn thêm.
Bộ Quốc phòng Đức cũng nói rằng chính phủ liên bang đã quyết định tham gia trở lại hoạt động của EU ở Bosnia và Herzegovia.
“Một khu vực Tây Balkan ổn định mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chúng tôi. Vòng thảo luận đầu tiên tại Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/6”, họ viết trên Twitter.
Bosnia nằm cách khu vực chiến sự ở Ukraine khoảng vài trăm kilomet, nhưng lại đang đối mặt với phong trào ly khai người Serb ở Bosnia ngày càng gia tăng, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng lực lượng này nhận được sự hỗ trợ ngầm từ Nga.
Chỉ vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã quyết định tăng gần gấp đôi lực lượng gìn giữ hòa bình EUFOR của họ từ 600 lên 1.100, bằng cách triển khai thêm lực lượng dự bị để dập tắt nguy cơ bất ổn.
Trong lúc thủ lĩnh phe ly khai Milorad Dodik ngày càng nêu rõ hơn về những mục tiêu ly khai của mình, cao ủy của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell đã gọi động thái mới của họ là “biện pháp phòng ngừa.”
NATO và nhiều quan chức cấp cao EU từng cảnh báo về tình trạng bất ổn do chiến tranh ở Ukraine có thể lan sang khu vực Tây Balkan.
Thời gian thực thi sứ mệnh của EUFOR sẽ kết thúc vào tháng 11 năm nay, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ phải đưa ra quyết định xem có gia hạn thêm 1 năm nữa hay không. Có nhiều quan ngại rằng Moscow có thể sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn điều này.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2004, EUFOR-Althea kế nhiệm sứ mệnh gìn giữ hòa bình của NATO ở Bosnia. Binh sĩ châu Âu có nhiệm vụ duy trì sự ổn định ở đất nước này sau cuộc chiến năm 1992-1995, đã khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng.