Đức khởi đầu nhưng không dẫn đầu trong CMCN 4.0

VietTimes -- Nói đến nước Đức là cả thế giới phải ngả mũ chào nền công nghệ tiên tiến và hiệu quả hàng đầu thế giới. Nước Đức cũng là nơi khởi đầu cuộc CMCN 4.0. Vì thế, chắc chắn nhiều người sẽ không thể tin được khi nói nước Đức bị tụt hậu về công nghệ của tương lai.
Hình minh họa (nguồn Internet)
Hình minh họa (nguồn Internet)

Nhưng thật ngạc nhiên, đó lại là một sự thật.

Ít nhất là đối với nhà báo Matthew Karrnitschnig. Báo Politico ngày 11/9 vừa qua đã đăng bài viết của ông nêu 5 thực trạng của nền công nghệ số tương lai của Đức, đồng thời cũng đặt ra 5 câu hỏi mà nước Đức phải trả lời. Bởi theo ông, khi nói đến công nghệ của tương lai, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là một nước tụt hậu chứ không phải là người dẫn dắt.

Ông viết: "Ngành công nghiệp Đức đang đứng trước ngã ba đường. Trong những năm gần đây, nền kinh tế lớn nhất của châu Âu đã tung ra tất cả sức mạnh hỏa lực của mình, nhưng cuộc cách mạng kỹ thuật số sắp tới sẽ là thử nghiệm chưa từng có về khả năng phục hồi của ngành công nghiệp cốt lõi của nước này.

Để phát triển trong thế giới mới này (hay có thể chỉ đơn giản là sống sót thôi), các công ty công nghiệp sẽ phải thay đổi cơ bản cách tiếp cận kinh doanh của mình, từ phòng thiết kế đến khu vực nhà xưởng rồi đến các cửa hàng sửa chữa. Đối với nước Đức, nơi mà quy mô ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ một phần ba nền kinh tế, khoản đặt cọc vào việc quản lý quá trình số hóa thành công là rất cao".

Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã đưa ra lời cảnh báo: "Chúng ta không phải là những người đi đầu thế giới khi nói tới những tiến bộ kỹ thuật số và đưa ra các giải pháp cần thiết". Bà Thủ tướng cũng hứa hẹn sẽ nỗ lực gấp đôi nhằm nâng cao tính sẵn sàng về công nghệ số của đất nước.

AThủ tướng Angela Merkel

"Chúng ta không phải là những người đi đầu thế giới khi nói tới những tiến bộ kỹ thuật số và đưa ra các giải pháp cần thiết" 

Trong suốt năm tuần, Phòng Chính sách Toàn cầu của báo POLITICO đã tiến hành xem xét vấn đề: ngành công nghiệp sản xuất công nghệ số ý nghĩa gì đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Trong báo cáo tham gia cuộc thảo luận thẳng thắn này, chúng tôi đã đưa ra các câu hỏi then chốt mà các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp phải tìm được câu trả lời khi họ đối mặt với thách thức công nghệ số.

Vấn đề 1: Các tiến bộ của công nghệ số - từ trí thông minh nhân tạo đến robot để in 3D - sẽ làm thay đổi nền sản xuất. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng về sự sẵn sàng về công nghệ số của 35 nước công nghiệp hóa, Đức chỉ xếp thứ 17, thậm chí dưới cả nước Pháp. Những công ty công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt của nước này đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng số hóa, nhưng niềm tự hào của nước Đức - những công ty Mittelstand - tức là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sử dụng hầu hết người Đức và chiếm hơn một nửa GDP, thì lại rất chậm chạp trong việc nắm thời cơ của cách mạng kỹ thuật số.

Câu hỏi 1: Cần làm những gì để giúp các công ty đó bắt kịp với cách mạng số?

Vấn đề 2: Theo một số dự báo, cuộc cách mạng số hóa sẽ tạo ra những thay đổi cách mạng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, vì thế các công ty sẽ cần tới đội ngũ công nhân với các kỹ năng hoàn toàn mới. Vậy mà, trong những năm tới, tình trạng thiếu lao động có tay nghề của Đức sẽ bị trở thành vấn đề nghiêm trọng, với mức thiếu hụt ước tính khoảng 3,3 triệu người vào năm 2040. Trong khi đó, tình hình nhân khẩu học của đất nước lại chẳng giúp gì được. Theo dự báo của chính phủ, có tới 30% dân số nước Đức sẽ ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên vào khoảng năm 2040, trừ khi có một dòng người nhập cư đông đảo.

Câu hỏi 2:  Hệ thống giáo dục của Đức cần phải thay đổi thế nào để cả hai lớp nhân công hiện tại cũng như trong tương lai thích ứng với thế giới công nghệ số và những người nhập cư sẽ đóng vai trò thế nào?

Vấn đề 3: Để giữ nhịp độ ngang bằng với các đối thủ toàn cầu từ châu Á và Bắc Mỹ,  ngành công nghiệp Đức không những cần phải đầu tư vào công nghệ mới, mà còn phải nắm chắc vấn đề thu thập và sử dụng dữ liệu. Các sáng kiến như chương trình Công nghiệp 4.0 của chính phủ Đức chính là  nhằm giúp các công ty chuyển đổi. Tuy nhiên, với tình trạng là việc thu thập các thông tin cá nhân ở Đức luôn rất nhạy cảm, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi tiến độ thu thập thông tin đã tỏ ra khá chậm chạp.

Câu hỏi 3: Điều gì cần phải thay đổi, để cho các công ty có thể dễ dàng hơn khi sử dụng dữ liệu lớn trong hoạt động hàng ngày của họ?

Vấn đề 4: Nền kinh tế thị trường xã hội đã và đang là nền tảng của xã hội Đức trong nhiều thập kỷ, giúp đảm bảo ổn định chính trị. Nhưng nó lại được thiết kế cho một xã hội, trong đó người lao động được làm việc toàn thời gian trong khung truyền thống là 40 giờ / tuần. Số hóa nền sản xuất chắc chắn sẽ làm thay đổi về bản chất của công việc như đã nói ở trên, thì lại yêu cầu sự linh hoạt hơn từ cả phía người lao động lẫn người sử dụng lao động. Các nguyên tắc về việc làm sẽ cần phải thích ứng với hoàn cảnh đó.

Câu hỏi 4: Liệu nước Đức có thể duy trì mô hình phúc lợi xã hội trong môi trường công nghệ mới như thế nào?

Vấn đề 5: Từ hệ thống đường xa lộ Autobahn đến đường sắt cao tốc, cơ sở hạ tầng của Đức từng được cả thế giới ghen tị. Tuy nhiên, điều đó không còn đúng khi nói đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng. Dù là nói về dịch vụ băng thông rộng tiêu chuẩn hoặc cáp quang tiên tiến, Đức là nước bị bỏ xa so với top đứng đầu bảng xếp hạng. Chỉ được xếp thứ 25 trên toàn cầu về tốc độ băng thông rộng, đứng sau cả các nước như Bulgaria, Latvia và Romania.

Câu hỏi 5: Các nhà hoạch định chính sách của Đức cần phải tiến hành cải thiện những lĩnh vực nào trong hạ tầng xương sống về công nghệ số của quốc gia này?
Theo http://www.politico.eu