Trong những tháng gần đây, Đức gánh chịu áp lực rất lớn vì dự án này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từ chối gặp Ngoại trưởng Đức, vì Berlin không chịu chấm dứt dự án khí đốt này với Nga.
Những lời lẽ đầy tính hăm dọa của ông Biden
Hội đàm với Thủ tướng Đức, Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ xóa sổ Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), nếu quân đội Nga vượt qua biên giới Ukraine. Tôi hứa đây không phải là lời nói suông”. Và rằng: “Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu không có gì đáng ngại. Chúng tôi luôn sát cánh cùng bạn bè khắp thế giới, chúng tôi có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu về khí đốt của các bạn”.
Giới báo chí rất muốn biết phản ứng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz có quyết liệt không? Nhưng ông Scholz chỉ im lặng, không nói gì về việc Dòng chảy phương Bắc 2 có bị đe dọa hay không. Duy nhất, Thủ tướng Đức có đưa ra tuyên bố, rằng: “Berlin sẵn sàng chấp nhận chi phí cho những bước đi tiếp theo, nước Nga có thể sẽ phải hứng chịu những lệnh trừng phạt rất mạnh mẽ”.
Thượng nghị sĩ Mỹ Mitch McConnell cho biết: “Trong cuộc trao đổi với các nghị sĩ quốc hội Mỹ, Thủ tướng Đức có hứa rằng: nếu tình hình Ukraine leo thang, thì không khởi động dự án Dòng chảy phương Bắc 2”.
Tổng thống Zelensky đã hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch trước đó với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, người vừa có chuyến thăm tới Ukraine. Theo hãng tin CNN, có hai nguyên nhân của sự việc trên. Một là: Đức không đưa ra cam kết đóng băng dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nếu xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Hai là: Đức từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Một nguồn tin của CNN cho rằng: “Nhiều nước Đông Âu, và cả Kiev, cho rằng Đức thể hiện mình là đồng minh của Nga nhiều hơn là đồng minh của phương Tây”.
Dư luận Đức cho rằng đây là nguồn tin không đáng tin cậy.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, Thủ tướng Đức Scholz tuyên bố: “Đức và Mỹ là hai nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine, từ năm 2014, Đức đã chi viện cho Ukraine hơn 2 tỉ USD” .
Gánh xiếc chính trị
Ủy ban châu Âu đang đàm phán với Mỹ để tìm nguồn cung khí đốt thay thế. Trong các phương án đưa ra, có: khí đốt của Mỹ, Ai cập, Algeria và Qatar.
Đại diện thường trực của Nga tại châu Âu Vladimir Chizhov cho biết: “Mỹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu khí đốt của châu Âu. Ở Mỹ, khí đốt là lĩnh vực được tư nhân hóa, khi giá khí đốt ở châu Á cao hơn, thì nguồn khí đốt của Mỹ sẽ đổ về châu Á – điều này đã xảy ra vào năm ngoái. Và lượng khí đốt sang châu Âu sẽ giảm đi. Qatar và các nước khác đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt cho nhiều năm tiếp theo. Vì vậy, châu Âu sẽ không có nhiều lựa chọn để tăng lượng khí đốt nhập khẩu”.
Ông Chizhov nhấn mạnh: “Việc thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga ở châu Âu là điều không tưởng. Một khi, châu Âu không dùng khí đốt của Nga, chỉ có một cách là chuyển sang dùng củi khô, như vậy, thì còn nói gì đến những nguyên tắc “xanh, sạch vì môi trường” nữa”.
Giới phân tích nhận định, khí hóa lỏng không giống như dầu mỏ, mà có thể cất giữ trong bể chứa để chờ thời được.
Giám đốc quỹ phát triển năng lượng Nga Sergei Pikin chia sẻ: “Khí hóa lỏng phải được tiêu thụ ngay sau khi sản xuất. Nếu cơ cấu thương mại khí đốt trên thế giới bị thay đổi một cách đột ngột, thì sẽ dẫn tới sụp đổ giá cả trên sàn giao dịch nguyên liệu. Kỷ lục gần 2.000 USD/1.000 mét khối khí của tháng 12/2021 sẽ lại nở rộ như hoa”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định: “Muốn hay không, Dòng chảy phương Bắc 2 đã từ lâu trở thành phương tiện để gây sức ép đối với Nga. Còn lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga làm cho người ta nhớ đến những gánh xiếc rong của những người làm chính trị. Phương Tây quả thực là một gánh xiếc rong đang làm trò hề. Trong số những anh hề, có cả nhà ảo thuật, biết lôi ra từ trong mũ một con thỏ, rồi lại biến chúng thành cái khăn”.
Ông Ryabkov nhấn mạnh: “Có ai biết được rằng cả con thỏ và cái khăn đều đã có ở đó, thế nhưng tất cả rất lấy làm mãn nguyện. Tất cả lại cùng nhau ăn kem và bỏng ngô. Thật hết sức là nực cười, nếu như không nói là đáng buồn”.
Theo AIF