Dư luận Nga lo ngại về sự bành trướng của người Trung Quốc và vì sao người Trung Quốc ngày càng bị ghét ở Nga

VietTimes -- Gần đây, việc người Trung Quốc “bành trướng” ở vùng Viễn Đông của Nga đã trở thành chủ đề tranh cãi sôi nổi. Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều gần đây đã liên tiếp đăng bài đề cập đến vấn đề này.
Những năm gần đây quan hệ Nga - Trung Quốc ngày càng trở nên gắn bó.
Những năm gần đây quan hệ Nga - Trung Quốc ngày càng trở nên gắn bó.

Tranh cãi xung quanh việc người Trung Quốc vung tiền mua đất ở Viễn Đông

Trong bài viết đăng ngày 24/10, Đa Chiều cho biết, BBC đưa tin, cuộc điều tra của phóng viên hãng này tại các vùng Zabaykalsky Krai, Amur Oblast, Khu tự trị Do Thái Jewish Autonomous Oblast, Khabarovsk Krai và Primorsky Krai cho thấy ở một số vùng, người Trung Quốc “sở hữu tới hơn một nửa diện tích đất canh tác ở địa phương”. Tính xác thực của dữ liệu này gây nên sự hoài nghi cho một số người, nhưng một số chuyên gia và người dân Nga lại nói rằng nếu không có người Trung Quốc thì nhiều vùng đất canh tác ở Viễn Đông sẽ bị bỏ hoang.

Báo cáo của BBC đã trích dẫn một ví dụ ở quận Lenin của Khu tự trị Do Thái Oblast. Tại đó người Trung Quốc đã thuê gần 62.000 ha trong tổng số 81.000 ha đất canh tác. Ông Aleksandr Levintal, Chủ tịch khu tự trị nói với phóng viên BBC: người Trung Quốc canh tác trên 56% diện tích đất trồng của cả khu.

Vùng Viễn Đông Nga đất rộng mênh mông, dân cư thưa thớt đang là mục tiêu tìm đến của các thương gia Trung Quốc
Vùng Viễn Đông Nga đất rộng mênh mông, dân cư thưa thớt đang là mục tiêu tìm đến của các thương gia Trung Quốc

Ông nói rằng người Trung Quốc đã đưa người của họ sang để làm việc, nhưng đôi khi cũng thuê người Nga theo mùa vụ, với mức tiền công đáng kể, mỗi ngày là 2000 rúp (1 đồng rúp tương đương 0,016 USD), nhưng người dân địa phương không muốn làm những công việc này.

Báo Nga “Độc lập”, ngày 23/10 cho biết, theo thông tin của Cục Thống kê liên bang Nga, tại vùng Viễn Đông của Nga, các công ty và pháp nhân Trung Quốc đã thuê hoặc sở hữu ít nhất 350.000 ha đất đai trong số 2,2 triệu ha diện tích đất canh tác ở 5 khu vực biên giới của Nga liền kề với Trung Quốc. Theo đó, đất canh tác của người Trung Quốc chiếm khoảng 16% tổng diện tích đất canh tác trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông Nga Alexander Kozlov nói, ông không thể cung cấp số liệu chính xác, nhưng theo thống kê chính thức, tỷ lệ đất đai do người Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu ở Viễn Đông Nga “không lớn lắm”.

Một quảng cáo bán đất bằng tiếng Trung Quốc ở vùng ven hồ Baikan
Một quảng cáo bán đất bằng tiếng Trung Quốc ở vùng ven hồ Baikan

Đáng chú ý là, hiện nay tại vùng Viễn Đông và Siberia có khoảng 12 triệu ha đất nông nghiệp chưa được khai phá. Ông Hòa Chấn Vĩ (He Zhenwei), Tổng thư ký Hiệp hội phát triển ngành nghề hải ngoại Trung Quốc nói, Trung Quốc đang xem xét nhập khẩu đậu tương của Nga, nhưng trước mắt gặp phải vấn đề lớn là sản lượng đậu tương của Nga chỉ có 3 triệu tấn/năm, không thấm tháp gì so với nhu cầu 30 triệu tấn/năm của Trung Quốc. Ông cho rằng, nếu chỉ dựa vào các công ty của Tập đoàn Trung Lương đi mua thì không đủ, “cần phải cho người đi trồng, cần các thực thể doanh nghiệp tiến hành đồng bộ, cần công ty Trung Quốc sang Nga đầu tư”.

Ông Mankovic, Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nghiệp ở châu Á của Nga nói với phóng viên báo Độc Lập, vấn đề không phải ở việc người Trung Quốc đến Nga canh tác, mà hiện nay có tới một phần tư diện tích đất canh tác của Nga không được sử dụng, khoảng 30 triệu ha đất canh tác bị bỏ hoang, để các doanh nghiệp Trung Quốc canh tác thì có lợi. Vấn đề là ở chỗ tăng cường quản lý và tạo việc làm cho cư dân Nga địa phương.

Quảng cáo bán nhà và đất, ghi rõ "đầu tư một lần, được quyền thừa kế nhiều đời"
Quảng cáo bán nhà và đất, ghi rõ "đầu tư một lần, được quyền thừa kế nhiều đời"

Người Trung Quốc ngày càng bị ghét ở Nga

Cũng Đa Chiều trước đó,ngày 22/10 đã đăng bài nhan đề “Tư tưởng bài ngoại gia tăng ở Nga, người Trung Quốc trở thành đối tượng cho sự bất mãn”.

Bài báo viết, cùng với việc quan hệ Trung Quốc - Nga ngày càng trở nên gần gũi, một cuộc thăm dò dân ý mới cho thấy, mỗi năm có một lượng rất lớn khách du lịch Trung Quốc đổ sang Nga, nhưng tình cảm ghét người Trung Quốc trong xã hội Nga lại gia tăng trong hai năm liên tiếp. Theo báo cáo được đưa ra vào tháng trước của Trung tâm Levada có trụ sở tại Moscow cho biết hai năm trước cơ quan thăm dò dư luận này đã quan sát thấy tư tưởng bài ngoại và chống di dân nhập cư của Nga sau khi tăng đột ngột hai năm trước; tư tưởng này vẫn tiếp tục xu thế tăng lên trong năm nay.

Theo báo cáo, trong số những người được phỏng vấn, số người chủ trương hạn chế di dân lao động đã tăng từ 58% trong năm 2017 lên 67% vào năm ngoái và năm nay đã tăng lên 72%.

Khách du lịch Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ đông nhất trong số du khách nước ngoài tới Nga
Khách du lịch Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ đông nhất trong số du khách nước ngoài tới Nga

Do quan hệ của Trung Quốc với Nga ngày càng gần gũi hơn, Trung Quốc cũng được xã hội Nga coi là một trong những quốc gia thân thiện nhất trong nhiều năm. Đồng thời, sau khi quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi, người Trung Quốc đã chiếm một tỷ lệ chủ yếu trong số khách du lịch nước ngoài đến Nga, mỗi năm có một số lượng rất lớn khách du lịch Trung Quốc liên tục đổ sang Nga. Tuy nhiên, trong làn sóng bài ngoại ở Nga, người Trung Quốc hai năm liên tiếp bị xếp vào nhóm người bị xã hội Nga chán ghét nhất. Báo cáo lưu ý rằng xã hội Nga hiện chán ghét nhất người Gypsies, tiếp theo là người châu Phi và Trung Á nhập cư, rồi đến người Trung Quốc và Chechnya.

Trong hai năm qua, Nga một lần nữa trải qua sự gia tăng âm về dân số. Sự thiếu hụt lực lượng lao động đang hạn chế nghiêm trọng sự phát triển kinh tế địa phương, một số lượng lớn người nhập cư Trung Á đang tới làm việc tại Nga. Đồng thời, so với những người nhập cư ở Trung Á, hiện có nhiều người trong xã hội Nga chủ trương hạn chế nhập cư người Trung Quốc.

Báo cáo cho thấy trong số người được phỏng vấn, năm nay có 39% ủng hộ việc hạn chế nhập cư người Trung Quốc, số người ủng hộ việc hạn chế người Gypsies là 40%. Trong số những người được hỏi năm ngoái, có 31% ủng hộ hạn chế người nhập cư Trung Quốc, còn năm 2017 tỷ lệ này chỉ là 15%.

Ngược lại, mặc dù mối quan hệ giữa Nga và Ukraine ngày càng xấu đi, nhưng số người trong xã hội Nga ủng hộ việc hạn chế nhập cư người Ukraine hiện chỉ có 18%.

Biểu tình bài ngoại của những người theo chủ ngiã dân tộc Nga tại Moscow trong hoạt động "cuộc đại diễu hành Nga"
Biểu tình bài ngoại của những người theo chủ ngiã dân tộc Nga tại Moscow trong hoạt động "cuộc đại diễu hành Nga"

Được biết, các thế lực theo chủ nghĩa dân tộc Nga hàng năm đều tổ chức một “cuộc đại diễu hành Nga” tại thủ đô Moscow và các nơi khác vào ngày 4 tháng 11. Hoạt động chủ yếu trong ngày này hàng năm là chống người nhập cư nước ngoài, đồng thời tuyên truyền các khẩu hiệu kiểu như “Nước Nga là của người Nga”... Các nhà tổ chức cũng đã gửi đơn đăng ký cuộc diễu hành năm nay tới chính quyền thành phố Moscow.

Một khác biệt so với những năm trước, sự bất mãn với Trung Quốc và “Cấm bán đất Nga cho người Trung Quốc” sẽ trở thành khẩu hiệu chủ yếu của hoạt động “Đại diễu hành Nga” năm nay.

Ông Jemshkin, một trong những lãnh tụ của các thế lực dân tộc chủ nghĩa Nga trong quá khứ đã nhiều lần tổ chức cuộc “Đại diễu hành Nga” tại Moscow, cho rằng: người Trung Quốc không phải là vấn đề chính ở Moscow. Ở Viễn Đông mới có thể cảm nhận được mối đe dọa của người Trung Quốc. Ví dụ, ở Blagoveshchensk và những nơi khác giáp với Trung Quốc, các vấn đề của người Trung Quốc rất nghiêm trọng.

Một số nhà phân tích cho rằng sự gia tăng tình cảm bài ngoại ở Nga có liên quan đến suy thoái kinh tế dài hạn, bởi vì mức thu nhập thực tế của người dân Nga đã giảm liên tục trong những năm gần đây. Được biết, tư tưởng bài ngoại trong xã hội Nga cũng đã từng suy yếu đến đáy hình sin. Nhưng sau khi Nga sáp nhập Crimea, với sự biến mất dần sự hào hứng, lại thêm kinh tế khó khăn, đã dẫn đến sự trỗi dậy của tư tưởng bài ngoại.

2019 là năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nga. Nhân dịp này, Nga đã cho phát sóng bộ phim “Trung Quốc hồi sinh” đã bị niêm phong trong hàng thập kỷ. Về vấn đề quan hệ Trung - Nga, Tổng thống Vladimir Putin cũng nói: “Quan hệ của chúng ta với Trung Quốc chưa bao giờ nhằm đến bất kỳ quốc gia nào khác. Chúng ta thiết lập quan hệ chưa bao giờ để chống lại bất kỳ ai. Sự hợp tác của chúng ta không phải vì những điều tiêu cực, mà là vì những điều tích cực. Trung Quốc cần năng lượng và chúng ta có năng lượng. Đây tuyệt đối là mối quan hệ đối tác tự nhiên. Mối quan hệ này sẽ tiếp tục”.

Theo Đa Chiều