Thông tin UBND TP.HCM giao các đơn vị liên quan chuẩn bị các bước để đưa khách ra du lịch tại quần đảo Trường Sa đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt của nhân dân. Tuyệt đại đa số các ý kiến đều tỏ ra háo hức và mong chờ chuyến đi này sớm được thực hiện.
Chỉ mới là thí điểm
Trong văn bản của UBND TP có ba đơn vị được coi là chủ chốt trong kế hoạch này là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty du lịch Sài Gòn và Sở Du lịch TP.HCM. Tuy vậy cho đến thời điểm này các cơ quan trên đều tỏ ra khá dè dặt khi công bố những thông tin cụ thể.
Trao đổi với báo chí, ông Lã Quốc Khánh – Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, chuyến đi khảo sát vào cuối tháng 6 tới sẽ có sự tham dự của khoảng 60 doanh nghiệp du lịch TP.HCM và tour du lịch Trường Sa sẽ chỉ được công bố chính thức sau khi hoàn thiện các “thiết kế”.
Cũng theo ông Khánh thì chuyến đi này là để xem xét ngoài đó có những gì hấp dẫn, để từ đó thiết kế lộ trình, ăn ở cho thật phù hợp với khả năng, nhu cầu của khách. Tuy nhiên ông cũng cho rằng đây mới là ý tưởng, và để được thực hiện thì còn cần phải được các cơ quan quản lý thông qua.
Trong khi đó, trao đổi với PV Infonet, một cán bộ thuộc Tổng công ty Tân Cảng cũng cho rằng “Tour du lịch Trường Sa” là những đề xuất ban đầu, và cần phải chờ sự cho phép của các bộ ngành liên quan mới có thể đưa vào hoạt động. Theo ông, những ngày vừa qua báo chí đưa tin “sẽ có những chuyến du lịch ra Trường Sa sắp tới” là “hơi sớm”.
Tương tự hai quan điểm trên, khi trả lời Infonet về vấn đề này, một đại diện của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cho hay, hiện nay Công ty cũng chưa thể quảng bá chi tiết ra công chúng về chuyến đi bởi họ vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của cơ quan quản lý.
Như vậy có thể thấy rằng việc thực hiện các chuyến du lịch ra Trường Sa mới chỉ dừng lại ở mức một dạng "đề án", và để đi vào thực hiện còn cần phải có sự phê duyệt của nhiều ngành, cấp khác nhau.
Trong khi đó hiện nay đã là gần giữa tháng 6, là lúc thời tiết trên khu vực biển Trường Sa bắt đầu xuất hiện những hình thái khó lường, như mưa, gió, bão, lốc... và sẽ kéo dài đến khoảng tháng 12. Như vậy, nếu không có những quyết định đột phá từ các cấp, và "dự án" được chấp thuận thì chuyến du lịch đầu tiên có lẽ chỉ có thể bắt đầu vào đầu năm 2016.
Ca nô đang chở các đoàn ra thăm lên đảo Nam Yết. |
“Chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn”
Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, PV Infonet đã trao đổi với một số tướng lĩnh quân đội và tất cả đều ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7 nói: "Cái đó quá tốt! Chuyến đi đó thể hiện đó là môi trường hòa bình và mình không có gây hấn với ai”. Theo ông: "Đi ra đó cũng là một trách nhiệm chứ không phải đi chơi. Đó [Trường Sa] là tổ quốc mình mình phải biết chứ. Dân ta phải biết sử ta, nhưng dân ta cũng phải biết đất ta nữa. Phải biết đất của mình đến đâu thì dân mình đặt chân lên đến đó”.
Nói về mong muốn đến với Trường Sa, ông Lê Vũ Hoàng 57 tuổi, ngụ đường Lê Văn Việt, Quận 9, TP. HCM cho biết: “Được ra Trường Sa là khát vọng từ lâu của tôi và rất nhiều người, vậy nên tôi mong rằng TP sẽ tổ chức càng sớm càng tốt. Tôi có thể bỏ ra từ 50 đến 70 triệu đồng để tham gia chuyến du lịch này”.
Trong khi đó Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân cũng rất hoan nghênh chuyến đi. Theo ông thì: "Chúng ta tổ chức cho nhân dân ra đảo để biết sinh hoạt của bộ đội ngoài đó như thế nào, biết vùng biển của chúng ta rộng lớn như thế nào, từ đó nâng thêm lòng yêu tổ quốc, yêu biển đảo, đây là việc rất cần thiết".
Vị chuẩn đô đốc khẳng định: "Đây là biển của ta, đảo của ta, xưa nay vì điều kiện chưa có, tàu bè chưa bảo đảm, máy bay chưa ra đến Trường Sa, nhưng bây giờ tàu bè đã khá hơn, có tàu nước, tàu khách, tàu bệnh viện, máy bay không quân của Hải quân, tàu CSB cũng có thể ra được".
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm (bên phải) trong một lần nói chuyện với Đại tá Phạm Duy Tam - Thuyền trường tàu không số ra giải phóng đảo Song Tử Tây. |
Trả lời câu hỏi của PV Infonet về việc ngày 5/6 ông Hồng Lỗi – người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối kế hoạch này của Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Lâm nhận định:
“Không phải chỉ bây giờ, mà đã từ lâu, khi chúng ta tổ chức các chuyến ra thăm Trường Sa từ những năm đầu họ đã phản đối. Tôi cho rằng họ làm như thế là muốn thử xem quyết tâm của ta như thế nào, do đó chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ càng cho chuyến đi”. – ông nói, và nhấn mạnh: “Trung Quốc đã cướp Hoàng Sa của ta nhưng vẫn tổ chức du lịch rầm rộ, cái đó mới là phi pháp”.
Văn bản cho biết đã giao Sở Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty dịch vụ Bay và Du lịch biển Tân Cảng và Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourism tiếp tục thực hiện các chỉ đạo trước đó của UB về việc triển khai các tuyến du lịch tại Trường Sa.
Theo kế hoạch này Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn sẽ là đơn vị phụ trách việc xin ý kiến, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải Quân xem xét hỗ trợ về tàu, nhiên liệu khi mở tuyến du lịch Trường Sa.
Trong khi đó Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty dịch vụ Bay và Du lịch biển Tân Cảng được yêu cầu chú ý đến việc xác định mức giá phù hợp để thu hút khách tham gia tuyến du lịch Trường Sa.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin trên trang web của UBND TP.HCM còn cho biết: Du khách sẽ khám phá 2 đảo nổi, 2 đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, trải nghiệm câu cá đêm ở Trường Sa Đông và đảo Đá Tây, xem 300 loài san hô tạo lập nên rạn san hô kỳ thú, lấp lánh màu sắc kỳ ảo đẹp mê hồn, ngắm bình minh trên đại dương mênh mông, tạm biệt hoàng hôn trong sắc nắng chiều giữa bao la trời biển…
Cuộc hành trình sẽ khởi hành từ cảng Tân Cảng Cái Mép (Bà Rịa –Vũng Tàu), trên con tàu hiện đại có sức chứa 180 du khách, sân đỗ trực thăng, tiện nghi, giường ngủ cá nhân, phòng VIP, Câu lạc bộ… Du khách sẽ vượt 757 hải lý, cuộc hải trình nhiều lý thú đang chờ đón các bạn. Giá trọn gói ưu đãi đặc biệt dự kiến 17,5 triệu đồng / khách.
Theo Infonet