Dù hy sinh, anh vẫn bay cao trên bầu trời.

Trong mắt người thân, hàng xóm, đồng đội và bạn bè, phi công Trần Quang Khải là người anh hùng. Dù hy sinh, anh vẫn bay trên bầu trời.
Tấm ảnh được treo ở phòng truyền thống Trung đoàn 923 anh hùng: Những phi công bắn ném giỏi năm 2003. Từ trái sang phải các phi công Phạm Như Xuân, Vũ Văn Kha, Trần Quang Khải, Trần Thanh Nghị.
Tấm ảnh được treo ở phòng truyền thống Trung đoàn 923 anh hùng: Những phi công bắn ném giỏi năm 2003. Từ trái sang phải các phi công Phạm Như Xuân, Vũ Văn Kha, Trần Quang Khải, Trần Thanh Nghị.

Chiều 19/6, trên tuyến đường từ Hà Nội về phố Giỏ (xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang), nhiều người dân nhắc đến người phi công Su-30 Trần Quang Khải đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Trong câu chuyện của người Bắc Giang, họ bày tỏ niềm tự hào vì đã có người chiến sĩ cống hiến cả cuộc đời mình cho Tổ quốc.

Phi công Khải báo tin sắp về quê

Tại căn nhà nhỏ ở quê của phi công Trần Quang Khải, không khí lặng lẽ, ai cũng ít nói. Trước khoảnh sân, vài chiếc bàn, ấm nước mới được soạn ra. Đồng đội, bạn bè, hàng xóm, người thân mỗi người một việc, giúp gia đình chuẩn bị hậu sự.

Người nhà anh Khải cho biết, bố anh là cụ Trần Văn Phùng (90 tuổi) bị huyết áp cao. Khi nhận tin anh Khải mất tích rồi hy sinh đã ngã bệnh, chủ yếu nằm ở giường. Sau khi, được bác sĩ quân y chăm sóc, cụ mới đỡ.

Cùng phụ giúp gia đình phi công Khải, người em họ thân thiết của anh cho hay, trước khi mất tích mấy ngày, anh còn gọi điện về báo cho mọi người, sẽ đưa đồng đội ghé qua nhà chơi nhân có chuyến công tác. Anh dặn mọi người dọn dẹp nhà cửa...

"Cụ Phùng rất vui vì gia đình lâu lâu mới được đoàn tụ. Anh còn dặn tôi sang tiếp khách cho anh, anh Khải nói sẽ cùng đồng đội về...”, người em họ bỏ dở câu nói.

Kể về phi công Trần Quang Khải, người em họ cho hay, anh là người mẫu mực, nghiêm nghị nhưng rất vui vẻ và là hình mẫu để các em, con cháu trong họ hàng noi theo. Cả đời, anh dành tình yêu lớn nhất cho máy bay và bay lượn trên bầu trời. Vì nhiệm vụ nên mãi tới 40 tuổi anh mới lập gia đình.

Ngồi thẫn thờ trước khoảnh sân nhỏ, chị gái anh Khải cho biết, đầu năm nay, anh định làm nhà ở quê. Tuy nhiên, phần vì công việc, phần do vợ con đang ở thuê nên anh tính gom góp tiền làm nhà ở Hà Nội cho ổn định trước rồi làm ở quê sau. Song, dự định đó không thành.

Người thân của anh chia sẻ thêm, vợ anh là giáo viên hợp đồng ở Hà Nội. Hai mẹ con thuê nhà ở thủ đô. Cả gia đình chủ yếu liên lạc qua điện thoại, thi thoảng mới có cơ hội đoàn tụ. Con gái gần 4 tuổi của anh lúc nào nhìn thấy máy bay là nói bố đang bay trên bầu trời.

"Dù Khải đã hy sinh nhưng anh vẫn sống trong lòng chúng tôi. Nhìn lên bầu trời chúng tôi vẫn thấy anh đang bay lượn", người em tâm sự.

Quê nhà mong ngóng

Cũng như nhiều bậc cao niên trong làng, bà Trịnh Thị Hoà (70 tuổi), hàng xóm của phi công Khải mấy hôm nay thỉnh thoảng lại đảo qua tâm sự với cụ Phùng, người thân của anh Khải. "Mấy ngày qua ai cũng mong chờ, cũng ngóng và tin anh còn sống... Thế nhưng hôm qua lại nhận tin dữ", bà thở dài.

Kể về chàng trai luôn khuấy động cả khu phố mỗi khi về thăm nhà, chị Trần Thị Tuyết (ở đối diện) cho biết, mỗi khi Khải về thăm quê là phố Giỏ vui hẳn lên. "Anh sống rất hiền lành, ai cũng quý mến", chị Tuyết trầm ngâm.

Anh Nguyễn Thành Bắc, lớp trưởng trung học của phi công Khải thì chia sẻ nhiều câu chuyện về người bạn cùng lớp. Ngay từ lớp 11, chỉ có mình anh Khải qua được vòng 1 tuyển chọn vào quân đội vào ngành phi công.

Theo anh Bắc, năm đó, cả lớp đang học bình thường thì có anh bộ đội đến yêu cầu Khải và một vài bạn đứng dậy mà "không biết đứng dậy để làm gì". Ai cũng ngỡ ngàng, đến lúc, họ đưa mấy bạn xuống ban giám hiệu chúng tôi mới biết họ sơ tuyển phi công.

"Tất cả bị loại hết, được có mình Khải đi vào vòng hai…Sau này Khải đi bộ đội và tiếp tục sự nghiệp của người phi công", anh nói.

Nghe tin anh Khải gặp nạn, anh Bắc thường xuyên đến nhà bạn để ngóng tin và động viên gia đình. Nhận tin bạn hy sinh, anh chỉ biết ôm người thân anh Khải và chờ đón bạn về.

Thông tin từ gia đình anh Khải cho biết, trưa 19/6, đồng đội và người nhà đã vào Nghệ An để đón anh về. Hôm qua (18/6), một đoàn cũng đã vào làm thủ tục trước. Nguyện vọng của gia đình là đưa thi thể con em mình về quê để người thân được gặp lần cuối trước khi đưa đi hỏa táng.

Ông Lê Duy Phương - Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh - thông tin, địa phương đã chuẩn bị mọi công tác để đón đại tá Trần Quang Khải về quê nhà, làm lễ viếng vào chiều tối 20/6. Cán bộ địa phương liên tục túc trực, giúp đỡ, chia sẻ với gia đình.

Chiều 19/6, lãnh đạo Quân chủng Phòng không Không quân, Trung đoàn 923 và nhiều đơn vị tiếp tục đến nhà phi công Khải để lo hậu sự.

Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan không quân Nha Trang, phi công Trần Quang Khải về công tác tại trung đoàn không quân 923 (Quân chủng phòng không không quân, đóng tại sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Hơn 20 năm công tác, anh Khải hiện giữ chức vụ Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng trung đoàn.

Trước sự hy sinh của phi công Khải, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thăng quân hàm từ thượng tá lên đại tá cho anh. Lễ truy điệu đại tá Khải sẽ được tổ chức ngày 20/6 tại nhà tang lễ Quân khu 4, trước khi đưa về quê nhà ở Bắc Giang.

Theo Zing