Đồng sáng lập DeepMind: Google đã đưa internet vào "vòng xoáy suy thoái"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Doanh nhân người Anh cho biết kết quả tìm kiếm trên Google đang bị ảnh hưởng bởi 'clickbait'.

Ảnh: Telegraph
Ảnh: Telegraph

Google đã đẩy Internet vào một “vòng xoáy suy thoái”, cựu lãnh đạo - người đồng sáng lập phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) của Google tuyên bố.

Ông Mustafa Suleyman, doanh nhân người Anh, cựu lãnh đạo, người đồng sáng lập DeepMind, cho biết: “Mô hình kinh doanh mà Google tạo ra đã phá vỡ Internet”.

Ông cho biết các kết quả tìm kiếm đã bị ảnh hưởng bởi “clickbait” (nội dung mồi nhử) để khiến người dùng “nghiện và sử dụng công cụ này càng lâu càng tốt”.

Ông Suleyman lập luận rằng những thông tin hữu ích “bị chôn vùi dưới đáy của rất nhiều lời dài dòng không đúng trọng tâm phía trước”, do đó các trang web có thể “đặt được nhiều quảng cáo hơn”.

Ông Suleyman là một trong ba người thành lập phòng thí nghiệm AI tiên phong DeepMind ở London vào năm 2010. Công ty này đã được Google mua lại với giá 400 triệu bảng Anh và nó đã trở thành nền tảng cho hoạt động AI của gã khổng lồ tìm kiếm.

Được biết, ông Suleyman đã rời Google 18 tháng trước và kể từ đó thành lập một công ty đối thủ có tên Inflection AI. Công ty đang phát triển một chatbot đàm thoại, tương tự như ChatGPT, trong bối cảnh các công ty AI đang chạy đua nhằm chiếm đoạt vị trí thống trị web của Google.

Doanh nhân này đã phát triển một chatbot tên là Pi, mà theo ông có thể hoạt động như một người bạn tâm giao hoặc huấn luyện viên AI. Ông đã huy động được hơn 1,5 tỉ USD cho công nghệ mới.

Ông Suleyman, cùng với cựu giám đốc điều hành Google - Eric Schmidt, có kế hoạch trình bày các đề xuất cho Hội đồng quốc tế về An toàn AI tại Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Công nghệ của Thủ tướng Rishi Sunak vào tháng tới.

Người đồng sáng lập DeepMind cho biết hội thảo có thể được “mô phỏng theo IPCC” – Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu – để “thiết lập sự đồng thuận khoa học về khả năng hiện tại” của AI.

Ông Suleyman cho biết IPCC, được thành lập lần đầu tiên vào năm 1988, là “nguồn cảm hứng tốt” cho việc thành lập một “cơ quan nghiêm ngặt” để đưa ra dự đoán về rủi ro AI. Những người ủng hộ kế hoạch bao gồm Reid Hoffman, tỷ phú sáng lập LinkedIn và Florentino Cuéllar, Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu Carnegie.

Hội đồng AI sẽ cung cấp cho các chính phủ những đánh giá thường xuyên về mức độ nguy hiểm do công nghệ này gây ra.

Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI của Vương quốc Anh dự kiến ​​​​diễn ra tại Bletchley Park và dự kiến ​​​​sẽ quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới và doanh nhân công nghệ để giải quyết những thách thức mà AI có thể gây ra “tác hại đáng kể, bao gồm cả thiệt hại về nhân mạng”.

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày vào mùng 1 và mùng 2 vào tháng 11, dự kiến ​​sẽ có sự tham dự của các nhà vận động hành lang hàng đầu như Meta và Google. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tham dự, trong khi phái đoàn Trung Quốc cũng được mời tới sự kiện này.

Các nhà lãnh đạo sẽ cố gắng tìm ra điểm chung trong việc giải quyết các rủi ro về AI. Các quan chức cũng được cho là đang xem xét thành lập một viện quốc tế về an toàn AI.

Tờ Telegraph viết rằng hội nghị sẽ “xem xét những rủi ro lớn nhất và cơ hội lớn nhất đến từ AI tiên phong”, quy tụ “các công ty, quốc gia và cả chuyên gia”.

Mối lo ngại về công nghệ này đã dấy lên sau sự thành công chỉ sau một đêm của ChatGPT, được coi là lời cảnh tỉnh đối với các nhà lãnh đạo thế giới về tốc độ phát triển công nghệ.

Một làn sóng chatbot mới, được xây dựng trên cái gọi là “mô hình ngôn ngữ lớn”, có thể trả lời các câu hỏi và trò chuyện trực tuyến theo cách gần như giống con người. Chatbot này có thể viết email, tiểu luận, thơ ca hoặc âm nhạc, gây ra mối lo ngại rằng họ có thể tạo ra biến động trên thị trường việc làm.

Viết trong cuốn sách gần đây của mình, ông Suleyman kêu gọi “ngăn chặn” những tiến bộ AI có rủi ro cao, để các chính phủ có thể sớm đặt ra các rào cản xung quanh lĩnh vực này.

Ông Suleyman cho biết chatbot có thể “đối đầu với Google” bằng cách cung cấp thông tin chính xác hơn là tìm kiếm trên internet. Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ gần đây, nhiều chatbot vẫn mắc lỗi và trong một số trường hợp có thể tạo ra thông tin sai lệch, tạo trở ngại cho việc tiếp cận các công cụ tìm kiếm.

Trong khi đó, Google cũng đang phát triển một dự án chatbot AI có tên Bard để đảm bảo vị thế của mình trong xu hướng mới. Tuy nhiên sản phẩm không được đón nhận như kỳ vọng. Bloomberg đã phỏng vấn 18 nhân viên và cựu nhân viên Google, cho thấy Bard thường đưa ra lời khuyên nguy hiểm cho người dùng, từ chủ đề đơn giản như lặn biển đến phức tạp như cách hạ cánh máy bay.

Theo Telegraph