Đóng cửa hay rời đi, đâu là cách tồn tại trong thành phố ô nhiễm?

Khi cư dân bế tắc trước tình trạng ô nhiễm không khí và mệt mỏi với những giải pháp tạm thời, người có khả năng quyết định rời bỏ để tìm đến nơi có bầu không khí trong lành hơn.

"Lời khuyên của tôi? Ở trong nhà, đóng tất cả các cửa sổ và đặt một máy lọc không khí ở mọi góc nhà của bạn”, Rachna (31 tuổi, sống ở phía nam Delhi, Ấn Độ) chia sẻ với The Guardian. Anh nói thêm: “Những gì bạn mất trong hóa đơn tiền điện, bạn sẽ kiếm lại trong những năm bạn sống thêm được”.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã dần trở thành chuyện đến hẹn lại lên ở Delhi (Ấn Độ) vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm, khi sương khói dày đặc che phủ thành phố.

Không chỉ Delhi (Ấn Độ), người dân Mexico, Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí khẩn cấp, khiến họ chú ý hơn trong tìm kiếm các giải pháp tạm thời đảm bảo sức khỏe trong khi chờ đợi hành động từ chính quyền.

40% người dân muốn rời khỏi Delhi do ô nhiễm

Nilanjana Roy, một tác giả sống ở Delhi, cho biết trong những tháng không khí tồi tệ nhất, cô thường xuyên rời thành phố và đến Hy Mã Lạp Sơn hoặc rừng Corbett. “Đó là cách xa xỉ và đắt đỏ với hầu hết mọi người. Nhưng nó giúp làm sạch lá phổi và cho tôi năng lượng để tiếp tục”, Roy nói.

Khi ở lại Delhi, Roy cũng dùng nhiều biện pháp để bù đắp các tác động sức khỏe do ô nhiễm như tập yoga, uống nước ép trái cây, Vitamin C và D, trà nghệ, lắp máy lọc không khí… “Chúng cũng có ích ở mức độ vừa phải, nhưng bạn không thể trốn thoát khỏi môi trường”, Roy chia sẻ.

Không khí mù mịt trong một buổi sáng ở New Delhi. Ảnh: Anushree Fadnavis/Reuters.

Vào đầu tháng 10, tất cả các trường học tại thủ đô New Delhi đã phải đóng cửa trong 3 ngày liên tiếp do không khí thành phố ô nhiễm ở mức nguy hại cho sức khỏe. Khi đó, các chỉ số về chất lượng không khí tại các trạm đo lường do Chính phủ giám sát đã chạm mốc 500 ở một số địa điểm trong thành phố. Tình cảnh tồi tệ đó khiến việc cung cấp các sản phẩm không khí sạch trở thành một ngành kinh doanh đầy hứa hẹn.

Khảo sát trên 17.000 người dân thủ đô New Delhi và vùng thủ đô Ấn Độ (NCR) do tổ chức Local Circles công bố tháng 11/2019 cho thấy 40% cư dân muốn chuyển đến một thành phố khác do chất lượng không khí kém, tăng 5% so với năm 2018.

Cụ thể, khoảng 31% cho biết họ sẽ trang bị cho mình máy lọc không khí, bình, mặt nạ... Trong khi 16% cho biết họ sẽ tiếp tục ở lại Delhi nhưng sẽ đi du lịch trong thời gian này. 13% cư dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó với tình trạng ô nhiễm đang gia tăng.

"Khi mọi thứ này càng trở nên tồi tệ, cách tốt nhất đơn giản là rời đi", Rachna nói với The Guardian.

Bắc Kinh quyết tâm giảm nồng độ PM 2.5 thêm 4%

Năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố "tuyên chiến với ô nhiễm không khí". 4 năm sau công bố đó, các số liệu về chất lượng không khí cho thấy Trung Quốc đã kéo giảm tỷ lệ bụi mịn trong không khí xuống 32% - con số mà Mỹ phải phấn đấu trong 10 năm.

Tốc độ kỷ lục trên là kết quả của kế hoạch hành động vì chất lượng không khí quốc gia. Kế hoạch này yêu cầu tất cả đô thị phải giảm nồng độ ô nhiễm bụi mịn xuống tối thiểu 10%. Riêng Bắc Kinh bị yêu cầu giảm 25% và thành phố này đã dành 120 tỷ đô la để đạt được mục đích đó.

Nghiên cứu của giáo sư kinh tế Michael Greenstone, người điều hành Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (Mỹ), đăng trên The New York Times, chỉ ra rằng các thành phố đông dân nhất lại có sự cải thiện nhiều nhất. Bảo Định, thành phố được coi là ô nhiễm nhất Trung Quốc năm 2015, đã giảm 38% nồng độ bụi mịn. Bắc Kinh giảm 35% và Thạch Gia Trang (thủ phủ tỉnh Hà Bắc) giảm 39%.

Một sĩ quan cảnh sát bán quân sự đeo mặt nạ bảo vệ tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Ảnh: Jason Lee/Reuters

Kết quả cho thấy cuộc chiến chống ô nhiễm của Trung Quốc đã đặt nền tảng cho sự cải thiện phi thường trong tuổi thọ người dân. Cư dân trên toàn Trung Quốc có thể sống trung bình thêm 2,4 năm nếu duy trì chất lượng không khí ở mức hiện tại.

Dù vậy, thành phố này vẫn thường xuyên chìm trong làn sương mù mịt và không khí có xu hướng tồi tệ hơn vào mùa đông. Hầu như mọi gia đình trung lưu đều lắp đặt một vài máy lọc không khí trong nhà và có máy theo dõi chất lượng không khí.

Tháng 10 vừa qua, chính quyền đã công bố một kế hoạch hành động mới tại Bắc Kinh và khu vực lân cận với mục tiêu kéo giảm nồng độ PM 2.5 tại đây thêm 4% vào tháng 3/2020.

Hãy ở trong nhà

Ana Lilia Flores, nữ bảo vệ 51 tuổi, phải đứng cạnh một ngã ba ở trung tâm thành phố, khoảng 10 tiếng mỗi ngày. Chưa kể, Ana còn mất thêm 3 tiếng mỗi ngày để đi dọc đường cao tốc tắc nghẽn khi xe buýt quá đông.

“Tôi giấu miệng và mũi sau cổ áo sơ mi cho đến khi về tới nhà. Tôi rửa mũi bằng trà hoa cúc và súc miệng bằng giấm táo”, cô nói với The Guardian.

Mexico thường xuyên chìm trong ô nhiễm mù mịt. Ảnh: Edgard Garrido/Reuters.

Để giải quyết ô nhiễm không khí, từ năm 2016, Mexico đã nỗ lực để kiểm soát lượng xe hơi trên đường mỗi ngày chỉ ở mức 20%. Kể cả các phương tiện được chứng nhận khí thải thấp cũng bị cấm vào ngày được chỉ định, thường dựa trên biển số xe chẵn - lẻ.

Tuy nhiên, đến nay tình hình tại đây vẫn chưa khá hơn. Tháng 5/2019, chính quyền thành phố Mexico đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường khi ô nhiễm không khí ở thủ đô chạm ngưỡng nguy hại cho sức khỏe mọi người. Người dân được kêu gọi ở trong nhà và các phương tiện bị hạn chế lưu thông vào thứ 4 hàng tuần.

Theo Zing

https://news.zing.vn/dong-cua-hay-roi-di-dau-la-cach-ton-tai-trong-thanh-pho-o-nhiem-post1025019.html