Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ thay đổi quan hệ Mỹ-Trung thế nào?

VietTimes -- Tác giả Katie Howe, người có 20 năm kinh nghiệm trong các vấn đề quốc tế, quan hệ chính phủ, khủng hoảng ngoại giao và quản lý rủi ro đã đưa ra những phân tích về điểm giống và khác nhau trong tính cách, con đường của 2 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc. Từ đó, bà lập luận cách thức mà họ sẽ định hình quan hệ 2 nước cùng chính trị khu vực trong thập kỷ tới.
2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ gặp nhau vào tháng tới tại hội nghị G-20.
2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ gặp nhau vào tháng tới tại hội nghị G-20.

Đã có những thay đổi trọng đại trong quan hệ quốc tế vào đầu thế kỷ 21, nhưng có lẽ đáng theo dõi trong những năm sắp tới là quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mối quan hệ này phụ thuộc vào cá tính khác biệt của nhà lãnh đạo mỗi nước - một người đã thành công trong việc thay đổi hiến pháp để đảm bảo quyền cai trị sau 2 nhiệm kỳ liên tục, người còn lại thì tự tin tuyên bố khi có vấn đề với nhưng mối quan hệ ngoại giao của đất nước ông thì "Tôi là người duy nhất quyết định".

Mọi tính toán về diễn biến quan hệ của Hoa Kỳ - Trung Quốc trong những năm tới phải xét đến yếu tố về bản chất của Tập Cận Bình và Donald Trump, cả về mặt cá nhân cũng như khả năng làm đồng minh hay đối thủ. Mỗi nhà lãnh đạo đều coi mình là một nhà chính trị độc lập trong một hệ thống riêng của mình, chỉ đạo đất nước của mình đi qua khoảng thời gian có những thay đổi lớn mang tính lịch sử.

Một người mới bước chân vào con đường chính trị và ngoại giao phải cai quản một cường quốc đã được kiến lập từ lâu trên thế giới. Người còn lại là một nhà chính trị khôn khéo (cả ở trong nước và quốc tế) phải trông nom một cường quốc mới trỗi dậy. Sự tác động qua lại giữa 2 nhân vật này sẽ mang tính quyết định, đặc biệt khi tính cách cá nhân của họ đều ảnh hưởng và định hình những mục tiêu và quyết tâm của đất nước.

Đầu tiên, cả hai đều có một nhu cầu mạnh mẽ phải làm cho bản thân nổi bật hơn những người tiền nhiệm và chọn con đường riêng của mình. Trong khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp tục chiến lược khu vực của ông George W. Bush và dựa vào những tư vấn của Bộ Ngoại giao, ông Trump muốn đi theo con đường riêng và tìm kiếm những cố vấn riêng. Thực tế, ông đã rất kiêu hãnh khi thực thi những công việc càng khác những tổng thống tiền nhiệm càng tốt.

Trong khi đó, đối lập với phong cách tiếp cận thận trọng và cổ điển của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua, cách lãnh đạo của ông Tập Cận Bình biểu lộ sự tin cậy và thoải mái, điều khiến ông có thể nhanh chóng nắm được vai trò của một chính khách quốc tế.

Điểm chung này đã tạo ra sự tôn trọng với cả 2 vị lãnh đạo, và mỗi cá nhân đều thừa nhận những động cơ thúc đẩy trong bản thân họ và ảnh hưởng của chúng tới việc thiết lập một chương mới về ảnh hưởng chính trị tại châu Á. Điều này được phản ánh trong bình luận của ông Trump tại một hội nghị chính trị tại Pennsylvania năm 2018 khi đề cập tới lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với Triều Tiên: "Trung Quốc đã làm cho chúng ta nhiều hơn rất nhiều so với những đời tổng thống trước và tôi tôn trọng điều đó". Tuần trước, dù cho căng thẳng trong đàm phán thương mại song phương đang dâng cao, ông Trump vẫn công khai ông đã nhận được "một lá thư đẹp" từ ông Tập Cận Bình.

Thứ 2, ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình sự quyết tâm tạo ra dấu ấn riêng bằng cách thay đổi bản chất của những cơ quan họ lãnh đạo. Chỉ trong 6 năm, sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đã tạo ra dấu ấn bằng những chiến dịch chống tham nhũng, thành công trong việc loại bỏ các đối thủ, và có thể lãnh đạo đất nước cùng quân đội vô hạn định một cách hợp pháp.

Trong 27 tháng tại Nhà Trắng, ông Trump đã cho thấy thiên hướng khó dự đoán, không có kế hoạch và đôi khi có người nói ông là thiếu hiểu biết. Ông đã nhanh chóng bày tỏ rằng ông không có hứng thú với những tiêu chuẩn chính sách ngoại giao hiện có, như việc cập nhật thông tin tình báo hàng ngày hay việc sử dụng những bản tóm tắt. Ông cũng nói rõ rằng trong những cuộc bàn thảo chính trị, ông thích xung đột và tranh luận hơn là sự nhất trí.

Nhận thức chung về sự chia rẽ có khả năng trở thành một thách thức, đặc biệt là đối với cách xử lý về thương mại và thuế quan trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump, nhưng vẫn có khía cạnh có thể khai thác trong mối quan hệ hai nước. Dấu hiệu rõ rệt nhất gần đây là chuyến thăm của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trưởng đoàn đàm phán thương mại) tới Washington và những bình luận của ông Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, về việc củng cố mối quan hệ của ông với ông Tập Cận Bình và ý định của họ nhằm đối thoại trực tiếp về những cuộc đàm phán thương mại.

Có lẽ thách thức lớn nhất bắt nguồn từ phương thức làm việc riêng của ông Trump - về mặt quan hệ quốc tế thì đó là tổng thống Hoa Kỳ không có khả năng sử dụng các cố vấn chuyên gia tại Bộ Ngoại giao. Ông đã trì hoãn rất lâu việc bổ nhiệm các đại sứ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (như Hàn Quốc và Australia) đã tạo nên áp lực không cần thiết tới các nhân viên ngoại giao bậc trung và tạo ra sự thiếu quan tâm trong khu vực.

Sự bất lực của ông Trump khi không thể bổ nhiệm các cố vấn chất lượng đánh giá đúng phạm vi chính trị khu vực, lịch sử và văn hóa (đặc biệt là ở các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản) sẽ không bị ông Tập Cận Bình bỏ lỡ, khi ông Tập là người đủ khôn khéo và hiểu biết để khai thác mọi lợi thế từ điểm yếu của ông Trump.

Thứ 3, cả hai nhà lãnh đạo đều cảm thấy gánh nặng của di sản quốc gia mang tính lịch sử và nỗi luyến tiếc quá khứ của cả Trung Quốc và Mỹ. Với ông Tập Cận Bình, đó là kỷ nguyên mà 2 triều đại cuối cùng của Trung Quốc đã định hình thương mại và ngoại giao trong khu vực với một hệ thống triều cống mạnh mẽ và hải quân đế quốc trải khắp nơi.

Ông Trump thì bị ám ảnh bởi những quá khứ tươi đẹp gần đây hơn của Hoa Kỳ. Khi được phóng viên New York Times, David Sanger hỏi trong quá khứ khi nào dấu ấn quốc phòng và thương mại của Mỹ là "vĩ đại", ông Trump trả lời rằng "cuối thập niên 1940 và 1950 chúng ta được mọi người kính trọng, chúng ta mới chiến thắng một cuộc chiến".

Đặc điểm này tạo ra thách thức lớn nhất dành cho cả 2 vị lãnh đạo, khi họ theo đuổi nỗi ám ảnh của những ngày huy hoàng trong kỷ nguyên của thương mại toàn cầu, mạng lưới thương mại liên khu vực và cách tiếp cận phức tạp đa cực với chính sách ngoại giao. Trong một thế giới nơi các khối thương mại đa phương như NAFTA, Liên minh Châu Âu, và TPP thống trị thương mại thế giới - đã hết thời gian dành cho những quốc gia "dữ tợn" có thể thao túng thương mại quốc tế mà không phải gánh chịu bất cứ hậu quả gì.

3 nét chung trên sẽ xác định không chỉ cách mà Hoa Kỳ và Trung Quốc tác động tới nhau trong những năm tới mà còn về việc sức mạnh chính trị sẽ được sử dụng ra sao trong một khu vực hiện là ngôi nhà của 60% dân số thế giới, và tới 2050 có thể sẽ chiếm tới 50% GDP toàn cầu.

Liệu ảnh hưởng qua lại của họ tại Châu Á sẽ là đối xứng hay bất đối xứng? Họ sẽ gặp nhau tại điểm chung nào và nơi nào thì họ sẽ phân kỳ? Những câu trả lời nằm trong 3 vùng chính gây căng thẳng trong khu vực.

Triều Tiên

Trong khi những bước phát triển trên bán đảo Triều Tiên đưa ra một cơ hội cho cả 2 nhà lãnh đạo để cộng tác, vấn đề này cũng tạo ra nhiều thách thức cho chính quyền thiếu kinh nghiệm của ông Trump. Tổng thống Hoa Kỳ tin rằng sự khó đoán của ông (đôi khi bị gọi là thiếu chính sách) cho phép ông "trên cơ" trong các cuộc đàm phán và các đối thủ của ông không có một phương thức sẵn sàng để đối phó với điều này.

Tuy nhiên, theo thời gian, phong cách này kèm với việc ông Trump không hứng thú với việc phân tích các đối thủ của mình - sẽ bị lường trước. Một vài nhà phân tích như Lisa Collins tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói rằng các đối thủ như Triều Tiên có thể đã sẵn sàng làm điều này bằng cách chuẩn bị để đàm phán trực tiếp với đất nước có ảnh hưởng nhất thế giới. Liệu có phải ông Trump đã vô tâm khi đồng ý với mong muốn lâu dài của Triều Tiên là đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ và phơi bày những lợi điểm của ông quá sớm? Với cuộc đàm phán không có kết quả hữu hình tại Hà Nội và vụ Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào biển Nhật Bản, một số người sẽ khẳng định đúng là như vậy.

Hợp tác khu vực

Hoa Kỳ phải đương đầu với một thách thức đối xứng khác là những nền kinh tế mới trong khu vực. Ông Trump muốn những cuộc đàm phán song phương, khi mà thuế quan có để được đàm phán riêng giữa 2 nước với nhau. Tuy nhiên, châu Á ngày càng trở thành một khu vực được xác định bằng các mạng lưới và liên minh địa phương. Và khi cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều muốn gây ảnh hưởng tới ASEAN, Trung Quốc đã thành công trong việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB).

Thực tế, đây là khía cạnh kỳ lạ trong mối quan hệ nơi [ASEAN] mà ông Trump cùng ông Tập cùng quyết định để tạo nên dấu ấn riêng của mình, bao gồm việc phục hồi lại di sản quốc gia, có thể tạo ra thay đổi lớn về hiện trạng hiện nay. Tầm nhìn Trung Quốc của ông Tập đòi hỏi phải lãnh đạo khu vực trong khi ông Trump với tầm nhìn nước Mỹ của mình đã rút khỏi những cam kết quốc tế. Một loạt những diễn biến gần đây đã hoàn toàn loại trừ Hoa Kỳ - đáng kể nhất là kiến trúc hợp tác an ninh khu vực của Trung Quốc được gọi là "Khái niệm An ninh Châu Á", hiệp ước TPP-11 (được thúc đẩy sau khi ông Trump quyết định rút lui khỏi thỏa thuận) và chiến lược phát triển Sáng kiến Vành đai - Con đường của Bắc Kinh.

Địa vị của Nhật Bản

Một khía cạnh luôn luôn được quan sát trong căng thẳng khu vực là sự thay đổi vai trò sức mạnh chính trị của Nhật Bản, đặc biệt khi nó liên quan tới sự thay đổi của quốc gia và khu vực khi xét tới mối quan hệ với Hoa Kỳ. Tầm nhìn quốc gia của ông Trump về một nước Mỹ đầu tư vào việc bảo hộ sản xuất nội địa, bao gồm cả tầm nhìn khu vực khi rút khỏi các liên minh thương mại như TPP, sẽ tạo ra thách thức lớn.

Câu hỏi hóc búa về kế hoạch quốc phòng và đặc tính quốc gia của Nhật Bản tiếp tục làm dấy lên hồi chuông báo động cả trong và ngoài đất nước này. Vào tháng 11.2017, hơn 40.000 người dân đã tập hợp lại để biểu tình phản đối kế hoạch của thủ tướng Shinzo Abe nhắm sửa đổi điều thứ 9 trong Hiến pháp Nhật - được gọi là "điều khoản hòa bình" - từ bỏ chiến tranh của Nhật. Vào tháng 5, truyền thông nội địa và quốc tế Nhật thông tin về giọng điệu đối lập của nhiều công dân Nhật Bản với gia đình hoàng gia, đặc biệt là trong những nghi lễ gần đây tại Tokyo.

Quan hệ hiện tại (và sự hiện diện quân sự) của Mỹ với Nhật Bản có vị trí trong những quan hệ ngoại giao như là một thành phần chủ đạo của an ninh khu vực thì nó được bắt đầu bằng một lực lượng chiếm đóng. Những nước láng giềng của Nhật vẫn chưa quên thực tế này, 31 nước đã bị Nhật ném bom hay chiếm đóng trong Thế Chiến II. Nó có thể khó hiểu với những nước ám ảnh với lịch sử mà châu Âu là trung tâm (được tưởng nhớ thường niên với các film tranh giải Oscar) nhằm đánh giá đúng những gì châu Á phải trải qua trước phát xít Nhật trong Thế Chiến II. Số dân thường thiệt mạng chỉ tại Trung Quốc ít nhất cũng gần bằng Liên Xô cũ phải chịu. Một vài sử gia còn dự tính con số là gấp đôi.

Những di sản của lịch sử gần đây cùng với sự bất lực của ông Trump trong việc đánh giá tác động của chúng với hiện trạng địa chính trị khu vực hiện tại và cách Trung Quốc ứng phó để thay đổi an ninh khu vực cho thấy một sự bất đồng lớn nhất giữa 2 nước trong khu vực. Đây có thể là chìa khóa, cơ hội lớn nhất của ông Tập Cận Bình để hợp tác một cách chân thực và đưa ra những ảnh hưởng mê hoặc nhất giữa 2 người đàn ông có tính cách cá nhân độc đáo nhằm định hình những quan hệ song phương trong những thập kỷ tới.