Donald Trump, Kim Jong-un hay Moon Jae-in xứng giải Nobel Hòa Bình 2018?

VietTimes -- Hiện có nhiều đề xuất trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình cho ba người là Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Vậy ai là người xứng đáng nhận một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới này?
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều tại Singapore hôm 12/6
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều tại Singapore hôm 12/6

Diễn biến mang tính đột phá lịch sử sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6/2018 mở ra triển vọng phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên nhờ nỗ lực không mệt mỏi của nhiều bên, trong đó nổi lên vai trò của nguyên thủ ba quốc gia Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc là Kim Jong-un, Donald Trump và Moon Jae-in. Vì thế, đã có nhiều ý kiến đề cử ba nhà lãnh đạo này nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình.

Những ứng cử viên nặng ký

Hiện có nhiều đề xuất trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình cho ba người là Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Về đề cử dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, trước và sau Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều ở Singapore kết thúc thành công vào ngày 12/6/2018, đã có nhiều người trên thế giới ủng hộ ý kiến đề cử trao tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump Giải thưởng Nobel Hòa Bình.

Đầu tháng 1/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump “có công lớn trong việc đưa hai miền Triều Tiên tới bàn đàm phán, theo đó các lệnh trừng phạt và áp lực của chính phủ Mỹ lên chính quyền Bình Nhưỡng là một trong những nguyên nhân khiến Triều Tiên chấp nhận đối thoại.

Đầu tháng 5/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình với lý do ông “đã có nỗ lực lớn hướng tới quá trình phi hạt nhân hóa và lập lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” [1].

Ngày 2/5/2018, sau khi biết tin Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đồng ý đề xuất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều để bàn về triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, một nhóm 17 nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở Mỹ do nghị sĩ Luke Messer đứng đầu gửi thư tới Ủy ban Giải Nobel chính thức đề nghị trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình cho Tổng thống Donald Trump. Trên tài khoản Twitter cá nhân, nghị sĩ Luke Messer đăng tải ảnh chụp thư đề cử kèm dòng thông báo:"Hôm nay, 17 Hạ nghị sĩ Cộng hòa và tôi đề cử ông Donald Trump nhận Giải Nobel Hòa bình 2019. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã làm việc không mệt mỏi với chính sách gây sức ép tối đa lên Triều Tiên nhằm chấm dứt chương trình vũ khí của họ và mang lại hòa bình cho khu vực. Chúng ta không thể tìm được ai xứng đáng hơn Tổng thống Trump để được Ủy ban Nobel trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2019. Ông ấy đã nỗ lực không mệt mỏi để mang lại hòa bình cho cả thế giới" [2].

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đưa ra tuyên bố rằng ông Trump xứng đáng nhận được Giải thưởng Nobel Hòa Bình[3].

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều với Tuyên bố chung hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hai nghị sĩ Norway là Christian Tybring-Giedde và Per-Willy Amundsen thuộc Đảng “Progress Party” đã chính thức đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump là ứng cử sáng giá nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình [4].

Về đề cử nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhận Giải thưởng Nobel hòa bình, ông Alechsei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban chính sách thông tin và phối hợp truyền thông của Thượng viện Nga nhận định:“Sẽ là hợp lý hơn nếu trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì hai người này luôn chủ trương thiết lập nền hòa bình” [5].

Nhận định của ông Alechsei Pushkov dựa trên một thực tế là trong 65 năm qua, Triều Tiên luôn chủ trương đối thoại trực tiếp với Mỹ để ký kết Hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhưng chính quyền Washington luôn chủ trương “hòa bình thông qua sức mạnh”, nghĩa là sử dụng sức mạnh buộc Triều Tiên phải chấp nhận các điều kiện “hòa bình” của Mỹ. Đến nay, nhờ nỗ lực phi thường của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân, buộc Mỹ phải chấp nhận chính quyền Bình Nhưỡng là một đối tác có thể đối thoại và trên thực tế Tổng thống Donald Trump đã chấp nhận những đề nghị của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa. Rõ ràng, chính quyền Triều Tiên đã thực hiện thành công nguyên lý “muốn có hòa bình phải chuẩn bị cho chiến tranh”.

Về đề cử dành cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Cựu Đệ nhất Phu nhân Hàn Quốc Lee Hee-ho, vợ của cố Tổng thống Kim Dae-jung, cho rằng ông Moon Jae-in rất xứng đáng được trao Giải Nobel Hòa Bình vì những nỗ lực của ông trong việc bình thường hóa quan hệ Liên Triều và làm dịu căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á. Cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung-tác giả của Chính sách ánh dương nhằm bình thường hóa quan hệ Liên Triều, đã từng được trao Giải Nobel Hòa Bình năm 2000 sau nỗ lực kết nối và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều đầu tiên với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Peter Wallensteen, giáo sư quan hệ quốc tế tại Thụy Điển cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới là người xứng đáng nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình vì những đóng góp cho hòa bình của ông ấy trên bán đảo Triều Tiên. Thực ra, ông Moon Jae-in là người đóng vai trò như một cú huých đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump” [3,6].

Ai xứng đáng nhất nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình?

Theo kết quả thăm dò dư luận của trang mạng newsland.com đến ngày 16/6/2018, có 16% số người được hỏi cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump xứng đáng nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình do “sự thông tuệ chính trị và thái độ kiên quyết thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Cũng theo kết quả thăm dò dư luận của newsland.com, có tới 72% số người được hỏi cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới là người xứng đáng nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình bởi ông ấy là người “có bản lĩnh chính trị và sức chịu đựng, quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn phụ thuộc vào ông ta, chứ không phải vào Donald Trump” [7].

Sau cuộc họp nội các Mỹ ngày 9/5/2018 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận được câu hỏi của phóng viên về việc liệu ông có nghĩ rằng mình xứng đáng nhận Giải Nobel Hòa Bình, ông trả lời: “Mọi người đều nghĩ như vậy, nhưng tôi không cho là vậy. Giải thưởng duy nhất mà tôi muốn là phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên. Đây không chỉ là chiến thắng của nước Mỹ mà còn là chiến thắng của cả thế giới” [8]”.

Giải thưởng Nobel Hòa bình vẫn xa vời đối với ba nhà lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc

Ông Henrik Urdal, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình ở Oslo (Norway), lưu ý:“Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2000 được trao cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung vì những nỗ lực hòa giải với Triều Tiên, nhưng cuối cùng đó lại là một chiến dịch quan hệ công chúng. Giải thưởng Nobel Hòa Bình trao cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2009 cũng bị đánh giá là quá vội vàng. Do đó, Ủy ban Nobel không muốn lặp lại điều này thêm lần nữa. Tôi nghĩ, họ sẽ chờ những kết quả đáng kể trước khi trao một Giải thưởng Nobel Hòa Bình khác”.

Dan Smith, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Điển), nhận định:“Còn quá sớm để bàn đến Giải thưởng Nobel Hòa Bình liên quan tới tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua là bước khởi đầu tốt nhưng hành trình còn dài và phức tạp. Thêm nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng có những quyết sách không có tác động tích cực tới hòa bình như đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, rút khỏi thỏa thuận Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran và công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”.

Rõ ràng, từ kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tới quá trình phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn là quá trình dài, phức tạp, đẩy thử thách, đòi hỏi các bên có liên quan phải thể hiện ý chí và quyết tâm chính trị bằng hành động thực tế bởi những vấn đề tích tụ trong 65 năm qua không thể hóa giải trong một vài năm, càng không thể hóa giải trong chốc lát./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Tổng thống Hàn Quốc nói ông Trump xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình. http://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-han-quoc-noi-ong-trump-xung-dang-nhan-giai-nobel-hoa-binh-20180430222031828.htm

[2] Tổng thống Trump được đề cử Giải Nobel hòa bình. http://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-trump-duoc-de-cu-giai-nobel-hoa-binh-20180503092345144.htm

[3] Hai ông Trump-Kim có nhận được Nobel Hòa Bình? https://baomoi.com/hai-ong-trump-kim-co-nhan-duoc-nobel-hoa-binh/c/26391864.epi

[4] Трамп может получить Нобелевскую премию мира. https://www.7kanal.co.il/News/News.aspx/202030

[5] Логичнее дать ее Ким Чен Ыну: Пушков об идее присудить 

Трампу. http://vovkinsite.ru/blog/43946059061/%C2%ABLogichnee-dat-ee-Kim-CHen-YInu%C2%BB:-Pushkov-ob-idee-prisudit-Tramp

[6] Cơ hội đạt giải Nobel Hòa bình của Trump-Kim vẫn xa vời. https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/co-hoi-dat-giai-nobel-hoa-binh-cua-trump-kim-van-xa-voi-3763144.html

[7] Кому следует присудить Нобелевскую премию мира - Трампу или Ким Чен Ыну? https://newsland.com/community/politic/content/komu-sleduet-prisudit-nobelevskuiu-premiiu-mira-trampu-ili-kim-chen-ynu/6373615

[8] Трамп рассказал, что хочет вместо Нобелевской премии мира. http://newshappens.ru/1571300-n3tramp-rasskazal-chto-hochet-vmesto-nobelevskoy-premii-mira/