Theo trang tin Dwnews (Đa Chiều) ngày 5/8, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản số ra ngày 3/8 đã dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết, quy mô lực lượng quân đội Nhật sẽ được triển khai trên đảo Ishigaki dự kiến từ 500 đến 600 người. Trong đó có một đơn vị tên lửa bờ đối hạm và một đơn vị tên lửa đất đối không. Một đơn vị khác là lực lượng quân đội có thể ứng phó nhanh với các cuộc xung đột vũ trang bất ngờ và thảm họa thiên tai quy mô lớn.
Trong những năm gần đây, với việc bành trướng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, các biên đội hải quân của Trung Quốc, bao gồm tàu sân bay và tàu khu trục lớn, thường đi xuyên Chuỗi đảo Thứ nhất qua eo biển Miyako; việc Nhật Bản triển khai lực lượng tên lửa trên đảo Ishigaki không chỉ cung cấp các biện pháp đối phó với các hoạt động của hải quân Trung Quốc, mà còn tăng cường đáng kể khả năng quân sự của Mỹ và Nhật Bản để bảo vệ Chuỗi đảo Thứ nhất.
Ông Nobuo Kishi, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản (Ảnh: Kyodo). |
Ông Nobuo Kishi cho biết, thời gian cụ thể cho việc triển khai lực lượng tên lửa tới Okinawa vẫn chưa được chốt nhưng Bộ Quốc phòng sẽ nỗ lực để hướng tới mục tiêu vào cuối năm 2022. Ông nói, Bộ Quốc phòng Nhật cũng đang nghiên cứu tính khả thi của việc tăng cường triển khai các đơn vị tác chiến điện tử trên đảo Yonaguni gần đảo Ishigaki, được thực hiện như một phần của dự toán ngân sách quốc phòng năm 2023.
Ông Nobuo Kishi hồi tháng 4 năm nay đã tới thị sát các binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật được triển khai trên đảo Yonaguni và nói rằng khi đứng trên đảo Yonaguni ông có thể nhìn thấy đường bờ biển của đảo Đài Loan từ xa.
Đảo Ishigaki (dấu X) nơi Nhật dự định bố trí tên lửa, đảo Yonaguni (chấm đỏ) chỉ cách Đài Loan 110km và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (trong vòng tròn). |
Đảo Yonaguni nằm ở cực Tây của Nhật Bản, chỉ cách Đài Loan khoảng 110 km. Cách đây 5 năm, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã triển khai một số quân trên đảo Yonaguni. Trên đảo có hai trạm radar chủ yếu giám sát các vùng biển xung quanh và Trung Quốc. Tin cho hay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện có kế hoạch gửi thêm binh sĩ tác chiến điện tới đảo Yonaguni trước khi kết thúc năm tài chính 2023. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ thiết lập các căn cứ Lực lượng Phòng vệ mới trên đảo Ishigaki và đảo Mamo.
Hiện tại, Nhật Bản và Mỹ đang xem xét tăng cường khả năng phòng thủ của các hòn đảo phía tây nam của Nhật Bản để ngăn chặn yết hầu của Trung Quốc đi vào và rời khỏi Tây Thái Bình Dương.
Trên đảo Yonaguni có sân bay, sau khi mở rộng, máy bay chiến đấu có thể cất cánh từ đó bay tới đảo Đài Loan trong vòng 10 phút và đến phần phía nam của đảo Đài Loan và eo biển Bashi trong vòng nửa giờ.
Tháng 4/2021, ông Nobuo Kishi quan sát đảo Đài Loan từ đảo Yonaguni (Ảnh: Kyodo). |
Ngoài ra, một số chuyên gia phân tích rằng Thủy quân lục chiến Mỹ và "Quân đoàn cơ động đổ bộ" Nhật Bản cũng có thể sử dụng đảo Nanguni làm căn cứ tiền phương để thực hiện tác chiến chống đổ bộ đường biển và đường không đánh chiếm đảo đối với quần đảo Điếu Ngư và chi viện Đài Loan.
Được biết, đảo Ishigaki, nơi các tên lửa phòng không và chống hạm sẽ được Nhật triển khai, cách Đài Loan khoảng 300 km. Đây cũng sẽ là hòn đảo thứ 4 của Nhật Bản trong chuỗi các đảo Tây Nam dài 1.200 km được Nhật triển khai tên lửa. Ba hòn đảo khác đã được bố trí tên lửa là: Amami Oshima, Đảo chính Okinawa và Miyakojima thuộc tỉnh Kagoshima. Việc bố trí tên lửa phòng không ở đây nhằm chống lại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc. Mỹ cũng đang tìm kiếm tính khả thi của việc triển khai tên lửa đất đối đất trên Chuỗi đảo Thứ nhất. Theo báo chí, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc thảo luận bí mật về các vấn đề liên quan.
Quân đội Trung Quốc trong nhiều năm qua đã xây dựng chiến lược "chống tiếp cận/từ chối khu vực" (Anti-Access/Area Denial, viết tắt: A2AD) để ngăn chặn quân đội Mỹ chi viện Đài Loan trong các cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, việc Nhật Bản tăng cường triển khai tên lửa trên các đảo Tây Nam cũng có thể chống lại chiến lược chống tiếp cận/từ chối khu vực của Hải quân Trung Quốc ở Chuỗi đảo Thứ nhất, làm tăng đáng kể khả năng can thiệp của quân đội Mỹ vào các cuộc xung đột trên eo biển Đài Loan.
Các bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ, Nhật tại cuộc Gặp gỡ 2+2 tại Washington tháng 3 năm nay (Ảnh: AP). |
Nhật Bản gần đây liên tục bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan. Tokyo cũng liên kết trực tiếp việc tiếp tục nền dân chủ của Đài Loan với an ninh quốc gia của chính Nhật Bản theo cả cách thức chính thức và không chính thức.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ phản đối phản đối việc Nhật Bản ngày càng thẳng thắn bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan và giúp bảo vệ Đài Loan, cho rằng Nhật Bản đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi hôm thứ Hai (2/8) trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Anh Financial Times đã cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc đang mưu đồ "bao vây Đài Loan" và ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy yêu cầu duy trì hòa bình ở eo biển Đài Loan.
Ông Nobuo Kishi cũng nói: “Ngoài việc chú ý đến xung đột quân sự trực tiếp giữa Trung Quốc và Đài Loan, cộng đồng quốc tế cần quan tâm nhiều hơn đến sự tồn vong của Đài Loan”.