Đối phó Trung Quốc, Đài Loan “lên đời” chiến đấu cơ, chế tạo tên lửa

VietTimes -- Cuối năm 2017, Đài Loan sẽ nhận lô 4 máy bay chiến đấu bản nâng cấp F-16V đầu tiên, sau đó sẽ nhận 24 chiếc/năm. Ngoài ra, Đài Loan đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt hơn 240 quả tên lửa hành trình Hùng Phong-2E để ứng phó Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan. Ảnh: Sina

Nhận bàn giao máy bay chiến đấu F-16V

Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 27/12, quân đội Đài Loan đang triển khai kế hoạch nâng cấp tính năng máy bay chiến đấu F-16, đó là nâng cấp máy bay chiến đấu F-16A/B hiện có thành máy bay chiến đấu F-16V.

Theo kế hoạch, phía Mỹ bàn giao lô 4 máy bay F-16V đầu tiên cho Đài Loan vào cuối năm 2017, sang năm 2018 sau khi hoàn thành bay thử ở Đài Loan sẽ bàn giao cho không quân Đài Loan.

Máy bay chiến đấu F-16V (bản nâng cấp) đã đổi sang trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động tiên tiến AN/APG-83 và máy tính kiểm soát hỏa lực mới, tăng cường khả năng trinh sát chiến trường và khả năng tự bảo vệ.

Bắt đầu từ năm 2012, không quân Đài Loan thực hiện kế hoạch nâng cấp tính năng máy bay F-16A/B. Lúc đầu kế hoạch bị trì hoãn do việc tích hợp hệ thống của phía Mỹ xuất hiện vấn đề, nhưng sau đó phía Mỹ đã có nhiều nỗ lực và kế hoạch tiếp tục được triển khai.

Khi bàn giao lô F-16V đầu tiên cho Đài Loan, Mỹ sẽ cử phi công đến Đài Loan bay thử và huấn luyện cho phi công Đài Loan. Sau khi hoàn thành nghiệm thu tính năng, chính thức bàn giao cho không quân Đài Loan. Trong tương lai, Mỹ có kế hoạch hoàn thành bàn giao tổng cộng 144 máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan trước năm 2023 với tốc độ 24 chiếc/năm.

Không quân Đài Loan mong muốn sớm đưa máy bay chiến đấu F-16V vào triển khai nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhưng vẫn phải chờ đợi nghiệm thu, hiện vẫn chưa xác định F-16V có thể bắt đầu hoạt động trong năm 2018 hay không.

Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Đài Loan. Ảnh: Sina

Sau khi được nâng cấp, máy bay chiến đấu F-16V Đài Loan có thể đồng thời triển khai các hành động như tìm kiếm, theo dõi và khóa nhiều mục tiêu, khoảng cách trinh sát cũng tăng 30% trở lên so với radar cũ trên máy bay F-16A/B (chưa nâng cấp) của Đài Loan, khả năng trinh sát chiến trường tổng thể có thể tăng 220%, khả năng tự bảo vệ có thể tăng 180%.

Trong hợp đồng cũng đề xuất sử dụng lớp sơn hấp thu sóng điện từ như của máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ. Thông tin này được phía quân đội xác nhận, cho biết khả năng “tàng hình” của máy bay F-16V Đài Loan sẽ tăng 20 - 30%. Sau khi được nâng cấp hệ thống thông tin, máy tính, trong tương lai cũng có thể hiệp đồng tác chiến với máy bay chiến đấu F-35 Mỹ.

Đài Loan muốn sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình

Theo đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 27/12, hiện sau khi máy bay quân sự Trung Quốc tăng cường bay ở biển xa, nhà cầm quyền Đài Loan của Đảng Dân Tiến rất lo ngại.

Báo chí Đài Loan cho biết Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn, Đài Loan đã sẵn sàng hoàn thành sản xuất hàng loạt hơn 240 quả tên lửa hành trình Hùng Phong-2E tầm bắn trên 1.000 km vào năm 2019. Hiện chỉ cần được nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn phê duyệt.

Tên lửa hành trình Hùng Phong-2E Đài Loan. Ảnh: Sina.
Tên lửa hành trình Hùng Phong-2E Đài Loan. Ảnh: Sina.

CCTV cho rằng kế hoạch hoàn thành sản xuất hàng loạt với hơn 240 quả tên lửa hành trình Hùng Phong-2E là đáng nghi ngờ. Bởi vì, Đài Loan còn tồn tại một số hạn chế công nghệ. Trình độ nghiên cứu tên lửa đạn đạo của Viện nghiên cứu khoa học Trung Sơn nhiều năm qua không đạt đột phá quan trọng, việc có đạt được đột phá công nghệ vào năm 2019 hay không vẫn còn chưa rõ. Hơn nữa, cũng chưa biết Mỹ có cho phép sản xuất hàng loạt hay không.

Cho dù Đài Loan có sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình Hùng Phong-2E thì cũng không thể so sánh được với quân đội Trung Quốc.

Những năm gần đây, trang bị của quân đội Trung Quốc không ngừng đổi mới, giúp quân đội Trung Quốc chiếm ưu thế trước Đài Loan về trang bị, chẳng hạn đã đưa vào hoạt động các trang bị tiên tiến như tàu sân bay Liêu Ninh, máy bay chiến đấu tàng hình J-20, máy bay vận tải tầm xa Y-20.

Báo chí Đài Loan tập trung nhấn mạnh đến Đài Loan sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình rõ ràng cho thấy lực lượng theo đuổi Đài Loan độc lập cảm thấy lo ngại trước các hoạt động bay quanh Đài Loan đang trở nên thường lệ, thường xuyên của máy bay quân sự Trung Quốc.

Trung Quốc luôn phản đối Đài Loan độc lập và tách khỏi Trung Quốc,  và luôn tìm cách để thống nhất Đài Loan như đã làm với Hồng Kông, Ma Cao.

Tên lửa hành trình Hùng Phong-2E Đài Loan. Ảnh: Army Recognition
Tên lửa hành trình Hùng Phong-2E Đài Loan. Ảnh: Army Recognition

Cũng liên quan đến vấn đề Đài Loan, CCTV còn cho hay Luật trao quyền quốc phòng năm tài khóa 2018 (NDAA) của Mỹ yêu cầu chính phủ Mỹ đánh giá tính khả thi của việc "thăm lẫn nhau của tàu chiến Mỹ và Đài Loan", đạo luật này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Công sứ Trung Quốc tại Mỹ ông Lý Khắc Tân tuyên bố, ngày tàu chiến Mỹ đến Cao Hùng (Đài Loan) chính là ngày quân đội Trung Quốc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Cựu ủy viên lập pháp Đảng Quốc Dân Đài Loan là Khưu Nghị cho rằng sau khi sửa đổi, Luật trưng cầu dân ý Đài Loan sẽ có rất nhiều không gian "mơ hồ". Những việc làm thúc đẩy "Đài Loan độc lập" thông qua trưng cầu dân ý sẽ dẫn tới sự đáp trả của phía Trung Quốc.

Với khoảng cách thực lực to lớn về kinh tế, quân sự hiện nay giữa Trung Quốc và Đài Loan, Trung Quốc có thể sẽ “hành động” và hành động đó sẽ kết thúc chỉ trong vài giờ.

Việc âm thầm theo đuổi Đài Loan độc lập hiện nay của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc. Hiện nay, Đài Loan chỉ còn 20 nước có "quan hệ ngoại giao", tỷ lệ hài lòng của cử tri đối với bà Thái Anh Văn đã giảm xuống, từ 63,9% xuống còn 52,3%.