Đối phó mã độc và tội phạm mạng, tránh bị mất tiền khi dùng smartphone

Smartphone đem lại nhiều tiện ích cho người dùng, và cũng có thể biến họ trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, mất tiền và thông tin quan trọng nếu không biết đến các mối nguy hại.

Điện thoại thông minh (smartphone) cũng giống như một chiếc máy tính để bàn (desktop) hay máy tính xách tay (laptop) nơi người dùng lưu trữ nhiều thông tin cá nhân hay kinh doanh quan trọng như email công việc, tài khoản ngân hàng, các giao dịch tài chính…

Tuy nhiên, phần lớn người dùng chưa có tư duy bảo vệ chiếc smartphone của mình như laptop hay desktop trước mã độc và tội phạm mạng.

Muôn nẻo tấn công smartphone

Hiện các loại mã độc muôn hình vạn trạng tập trung nhắm vào smartphone vì lá chắn phòng thủ yếu ớt từ thiết bị lẫn tư duy người dùng.

Thông thường, kẻ gian nhúng các loại mã độc chạy quảng cáo ngầm vào các ứng dụng đa chức năng miễn phí. Người dùng tải về khó biết được đã bị ‘tặng quà’ kèm theo, hay phân biệt được các quảng cáo chạy trên điện thoại của mình từ đâu.

Dạng adware này đem lại lợi nhuận lớn từ quảng cáo cho kẻ gian, và chúng có thể thu thập thói quen và hành vi lướt web để gia tăng hiệu suất quảng cáo.

Đối phó mã độc và tội phạm mạng, tránh bị mất tiền khi dùng smartphone

Cuối tháng 10 vừa qua, một sinh viên tại Hà Nội vừa bị các chuyên gia bảo mật phát hiện cài đặt adware vào 42 ứng dụng đưa lên Google Play với số lượng tải về hơn 8 triệu. Các ứng dụng vẫn hoạt động cho đến khi phần quảng cáo sẽ nhảy xổ ra toàn màn hình điện thoại người dùng.

Kế đến là các nhóm tội phạm mạng với chiêu thức phức tạp hơn. Chúng có thể dẫn dụ người dùng xem tin nhắn SMS nhấn vào các liên kết rút gọn (link) dẫn đến các website giả mạo, cài đặt các ứng dụng có chứa mã độc. Theo đó, kẻ gian có thể nghe lén, ghi âm cuộc gọi hoặc theo dõi các thao tác trên smartphone rồi gửi thông tin về chúng.

Người dùng thường giao dịch ngân hàng trực tuyến (online banking) trên điện thoại thông minh đã trở thành mục tiêu của tội phạm mạng. Chúng xác định mục tiêu hẳn hỏi, lừa nạn nhân đăng nhập tài khoản ngân hàng trực tuyến trên trang giả mạo, đánh cắp mã OTP (mật khẩu thứ hai) bằng chiêu thức giả mạo nhân viên ngân hàng liên hệ. Hoặc sử dụng mã độc theo dõi tin nhắn, cuộc gọi và thao tác để đánh cắp dữ liệu giao dịch.

Trường hợp bất khả kháng khác là bị kẻ gian đánh cắp điện thoại, dữ liệu cá nhân quan trọng hoặc hình ảnh nhạy cảm rất dễ bị chúng khai thác mục đích xấu.

Đại đa số nạn nhân trong trường hợp này đều phó mặc cho may rủi, hay mong chờ vào mật khẩu khóa màn hình, tuy nhiên trên thị trường hiện nay, một số công cụ có thể giúp kẻ gian phá khóa một số dòng điện thoại dễ dàng, nên các trường hợp lộ thông tin cá nhân nhạy cảm vẫn xảy ra nhiều trong thời gian qua.

Ứng phó tất cả-trong-một

Không có lá chắn nào tuyệt đối hoàn hảo nhưng nếu bạn hiểu được các nguy cơ thì có thể chọn dùng công cụ bảo mật thích hợp. Ứng dụng bảo mật tất cả-trong-một miễn phí nên dùng cho điện thoại thông minh Android là Kaspersky Internet Security for Android (tải qua địa chỉ: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.kms.free).

Ứng dụng bảo mật tất cả-trong-một có các nhóm chức năng chính: Chống phần mềm gián điệp theo dõi tin nhắn và cuộc gọi. Có thể tự quét tìm mã độc trên điện thoại; Chặn các trang web và tập tin đáng ngờ; Bảo vệ dữ liệu - nếu thiết bị của bạn bị mất hoặc bị đánh cắp.

Nếu điện thoại của bạn bị mất hoặc bị đánh cắp, các tính năng Chống Trộm có thể được vận hành từ xa qua tài khoản đăng ký, vì vậy bạn có thể kích hoạt âm thanh báo động trên điện thoại của mình, chụp ảnh hình ảnh của người hiện đang sử dụng thiết bị của bạn bằng camera trước.

Các tính năng Chống Trộm cũng giúp khóa điện thoại, tìm vị trí của điện thoại và thực hiện thiết lập lại toàn bộ cài đặt gốc- để giúp đảm bảo dữ liệu bí mật của bạn bị xóa khỏi thiết bị.

Theo Vietnamnet

https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/bao-mat/doi-pho-ma-doc-va-toi-pham-mang-tranh-bi-mat-tien-khi-dung-smartphone-588700.html