Đội ngũ Biden đánh tín hiệu “phản đòn” cứng rắn với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Chính quyền sắp tới của ông Joe Biden dự kiến sẽ chấm dứt thương chiến với các đồng minh châu Âu và hợp tác với họ để đối phó với Bắc Kinh.
Jake Sullivan, ứng viên chức cố vấn an ninh quốc gia của đội ngũ ông Joe Biden, tiết lộ về cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc trong tương lai (Ảnh: SCMP)
Jake Sullivan, ứng viên chức cố vấn an ninh quốc gia của đội ngũ ông Joe Biden, tiết lộ về cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc trong tương lai (Ảnh: SCMP)

Tuyên bố trên được một quan chức chủ chốt trong chính quyền sắp tới của ông Joe Biden đưa ra, sau khi một thỏa thuận đầu tư lớn giữa Bắc Kinh và Liên minh châu Âu (EU) được hoàn tất.

Jake Sullivan – cố vấn an ninh quốc gia thuộc đội ngũ của ông Biden – nói với CNN rằng chính quyền mới ở Washington sẽ làm việc tích cực để xóa bỏ sự khác biệt kinh tế giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu nhằm cải thiện quan hệ hai bên.

Vào tháng 1/2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt hàng rào thuế 30 – 50% đối với các tấm năng lượng mặt trời và máy giặt của EU. 2 tháng sau đó, Mỹ tiếp tục áp thuế với thép (25%) và nhôm (10%) từ hầu hết các nước, chiếm khoảng 4,1% tổng lượng nhập khẩu của Mỹ.

Vào ngày 1/6/2018, hàng rào thuế này được mở rộng và áp dụng với cả EU, Canada, Mexico.

Các lệnh áp thuế đáp trả của EU có hiệu lực từ ngày 22/6/2018, trong đó khối này áp thuế với 180 loại sản phẩm, hàng hóa của Mỹ với tổng giá trị 3 tỉ USD.

“Mục tiêu của chúng tôi là ngồi xuống và giải quyết không chỉ vấn đề về Trung Quốc, mà còn xóa bỏ sự khác biệt kinh tế mà chúng ta đang có, để có thể chấm dứt cuộc thương chiến trên nhiều mà trận mà chính quyền Trump đã khởi xướng” – ông Sullivan nói.

Phát biểu của ông Sullivan được đưa ra sau khi Trung Quốc và EU hoàn tất các vòng đàm phán về thỏa thuận đầu tư toàn diện hồi tuần trước. EU nói rằng thỏa thuận này sẽ cung cấp một sân chơi để các nhà đầu tư của EU đặt ra những cam kết rõ ràng đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, vàngăn cấm việc chuyển giao công nghệ ép buộc cùng các hoạt động khác.

Việc hoàn tất các vòng đàm phán này được xem như đòn bẩy mới về mặt ngoại giao đối với Bắc Kinh, ngay trước lúc ông Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Ông Biden từng đánh tín hiệu sẽ đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy và nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập các khối liên minh mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc trên mặt trận thương mại.

Ông Sullivan nói rằng Mỹ sẽ không đảo ngược các lệnh áp thuế đối với Trung Quốc, nhưng sẽ tham vấn với các đối tác ở châu Âu và châu Á để “thay đổi các hành vi lạm dụng trong thương mại của Trung Quốc”.

Nhắc tới Mỹ và “các nền kinh tế chung chí hướng”, ông Sullivan nói: “Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có thể phát triển một chương trình nghị sự chung về các vấn đề mà chúng tôi chia sẻ cùng quan ngại về Trung Quốc. Và không chỉ về thương mại, còn có cả công nghệ, nhân quyền và hành động quân sự hung hăng”.

“Điều đó sẽ đặt chúng tôi ở một vị trí mạnh mẽ hơn để có thể đối phó hiệu quả với Trung Quốc, theo cách rõ ràng và cuối cùng sẽ cho ra kết quả hoàn toàn khác so với chính quyền Trump trong 4 năm qua” – ông Sullivan nhấn mạnh.

Sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, giới chức EU đã kêu gọi tăng cường hợp tác với Washington để đối phó với Trung Quốc – nước mà EU giờ nhìn nhận là “đối thủ hệ thống”.

Các nhà phê bình cũng cho rằng EU đã hấp tấp trong việc hoàn tất thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, và họ tỏ ý không tin vào cam kết của Bắc Kinh trong việc thực thi các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Ông Sullivan cũng cho hay chính quyền Biden tới đây sẽ công nhận Trung Quốc là một bên cạnh tranh chiến lược đối với Mỹ, nhưng vẫn hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề như biến đổi khí hậu.