Đổi mới hệ thống y tế cơ sở nhờ dự án 126 triệu USD

Sau gần 4 năm triển khai, dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” đã xây dựng gần 500 trạm y tế xã và đầu tư trang thiết bị cho khoảng 1.700 trạm y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Dự án phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ tuyến cơ sở từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn viện trợ không hoàn lại của một số tổ chức quốc tế được triển khai từ tháng 5/2020 đến 31/12/24 tại 13 tỉnh khó khăn là Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang và Bạc Liêu.

Tổng kết dự án y tế cuối cùng WB thực hiện tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá dự án đã đạt được toàn bộ các mục tiêu trong thời gian cam kết, với nhiều kết quả vượt kỳ vọng. Đặc biệt, dự án còn chủ động sáng tạo phát triển thêm một số hoạt động can thiệp mới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận những lợi ích quan trọng của dự án cho người dân cũng như hệ thống y tế tại 13 tỉnh khó khăn: Tăng khả năng tiếp cận của người dân tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện và chất lượng, với chi phí thấp; nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng của mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế của các địa phương tham gia dự án, đặc biệt là tính tự chủ, khả năng điều phối và thực hiện đồng bộ các can thiệp cốt lõi.

“Một số can thiệp sáng tạo của dự án có tính thử nghiệm, mở đường cho việc hoàn thiện chính sách với y tế cơ sở”- Bộ trưởng chia sẻ.

Bà Caryn Bredenkamp

Bà Caryn Bredenkamp - Giám đốc Chương trình y tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương WB - đánh giá cao Bộ Y tế khi kết thúc dự án đúng hạn, giải ngân 90% tổng kinh phí và quan trọng hơn là đã đạt được các mục tiêu và kết quả đề ra, góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

Với sự hỗ trợ của dự án, gần 76% trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, vượt mục tiêu ban đầu là 67%. Dự án đã xây mới 129 trạm y tế và cải tạo 332 trạm y tế xã; khoảng 1.700 trạm y tế xã được đầu tư trang bị y tế; 800.000 bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm được điều trị và chăm sóc tại tuyến cơ sở; 11.000 cán bộ y tế được đào tạo trong 10 lĩnh vực chuyên môn.

Áp dụng mô thức quản trị mới

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Giám đốc Ban quản lý dự án - cho biết dự án được xây dựng trong bối cảnh ngành Y tế xác định đổi mới mạng lưới y tế cơ sở là yêu cầu cấp bách và Bộ Y tế xác định dự án có tầm quan trọng đặc biệt, nhằm nỗ lực đổi mới mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh khó khăn.

Sự khác biệt của dự án này là đã trao quyền tự chủ tối đa cho các địa phương, đánh dấu sự dịch chuyển quyền lực quản trị từ TW sang địa phương. Dự án can thiệp toàn diện để cải thiện nền tảng của mạng lưới y tế cơ sở cũng như nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề sức khỏe ưu tiên như các bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng….

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng

Mô thức quản trị mới, đại dịch Covid-19 là những thách thức khiến dự án gần như ngừng trệ trong gần 2 năm, cùng với sự thay đổi về cơ chế quản lý vốn ODA, khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.

“Nhưng với nỗ lực vượt bậc, dự án đã thành công và được WB đánh giá là dự án thực hiện tốt nhất trong số các dự án vay vốn WB trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, bất chấp những khó khăn khách quan” - bà Hằng cho hay.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao Bằng khen cho các cá nhân và đơn vị xuất sắc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tặng Bằng khen cho các cá nhân và đơn vị có nhiều đóng góp trong thực hiện dự án
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao Bằng khen cho các cá nhân và đơn vị xuất sắc
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trao Bằng khen cho các cá nhân và đơn vị xuất sắc.

Dự án có tổng mức đầu tư 126,25 triệu USD, trong đó vốn vay là 80 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD, vốn đối ứng 21,25 USD do Bộ Y tế và các địa phương bố trí.

Ngoài xây dựng hàng trăm công trình y tế cơ sở, dự án đã hỗ trợ giải quyết về năng lực cán bộ y tế cơ sở trong các vấn đề sức khỏe ưu tiên: Tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung, chăm sóc bà mẹ trẻ em, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính …