E-magazine [ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Có thật Phố Wall cũng thua đau với crypto? "Phố Wall" nào (?!)…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bài viết cung cấp thêm một góc nhìn mới, với nhiều dữ kiện, tập trung vào tư duy và cách ứng xử của các ngân hàng đầu tư (investment bank) với tiền mã hóa (crypto). Cả khi đỉnh sóng lẫn lúc thoái trào.

LTS: Thứ Bảy tuần trước, cũng tại [ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN], VietTimes đã cung cấp tới độc giả bài dịch Tiền mã hóa: Phố Wall kết thúc chuyến phiêu lưu trong nước mắt.

Bài viết của The Barrons đã đưa ra các dữ liệu và phân tích, thể hiện sự đau đớn của những nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào tiền mã hóa (crypto). Đáng ngạc nhiên khi trong vô vàn những người phải "kết thúc chuyến phiêu lưu trong nước mắt" ấy có không ít những nhân vật lọc lõi của Wall Street, thậm chí có cả những "cá mập".

Tiếp tục chuyên đề "Mùa đông crypto", [ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] tuần này của VietTimes xin gửi tới quý độc giả một bài phân tích sâu sắc của Emily Flitter - cây viết chuyên trách mảng ngân hàng và Wall Street của New York Times.

Bài viết cung cấp thêm một góc nhìn mới, với nhiều dữ kiện, dữ liệu và thông tin, tập trung vào tư duy và cách ứng xử của nhóm các ngân hàng đầu tư (investment bank) hàng đầu với tiền mã hóa. Cả khi đỉnh sóng lẫn lúc thoái trào!

"Giỏ cappucino" trong mắt Phố Wall

Tháng 11 năm ngoái, trong lúc mà thị trường tiền mã hóa vẫn còn bừng bừng, các nhà phân tích tại BNP Paribas, một ngân hàng Pháp có sự hiện diện tại Phố Wall, đã đưa ra danh sách 50 mã chứng khoán mà họ tin là bị định giá quá cao – trong đó có nhiều mã liên quan tới các tài sản số.

Họ đặt tên cho bộ sưu tập này là “giỏ cappucino”, ám chỉ tình trạng sủi bọt chứng khoán. Ngân hàng này sau đó đưa những mã chứng khoán này vào một giỏ sản phẩm để tạo cho những khách hàng mua lớn nhất của chúng – các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, các nhà quản lý tài sản của các gia đình giàu có và các nhà đầu tư – một cơ hội để đánh cược xem những tài sản đó rồi có vụn vỡ hay không.

Trong tháng trước, giữa lúc bong bóng xung quanh Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác bị đánh tan, hạ gục một số công ty tiền mã hóa khiến những công ty này phải tìm cứu viện để duy trì hoạt động thương mại, giá trị của “giỏ cappucino” đã giảm tới một nửa.

Những khách hàng của BNP ở Phố Wall từng đánh cược rằng những tài sản trên sẽ vụn vỡ giờ “ngồi mát”. Trong khi phe đánh cược ngược lại – bao gồm các nhà đầu tư nhỏ mua đầy các tài sản và cổ phiếu tiền mã hóa bị định giá quá cao – lại như ngồi trên đống lửa.

“Những diễn biến về tiền mã hóa xảy ra trùng thời điểm mà tiền vay lẻ (retail money) đổ dồn vào các loại tài sản và các quyền chọn tài sản khác ở Mỹ”, Greg Boutle, người đứng đầu bộ phận chiến lược tài sản và các sản phẩm phái sinh Mỹ của BNP, nói. “Có một sự khác biệt lớn về vị thế giữa nhỏ lẻ và tổ chức”. Ông từ chối cung cấp các mã chứng khoán mà khách hàng của BNP phải đánh cược.

Giữa lúc mà tiền mã hóa đang chìm nghỉm vào năm 2022, thì Phố Wall vẫn nổi.

Văn phòng của BNP Paribas ở Wall Street.

Văn phòng của BNP Paribas ở Wall Street.

Ngửi thấy mùi rủi ro

Không phải là các tập đoàn tài chính lớn không muốn tham gia vào cuộc vui. Mà là các ngân hàng Phố Wall buộc phải đứng ngoài cuộc – giống như BNP, tiếp cận với tiền mã hóa một cách khéo léo – một phần là bởi những hành lang pháp lý đã được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Cùng lúc, các nhà quản lý có nhiều tiền cũng áp dụng các chiến lược tinh vi để hạn chế rủi ro với tiền mã hóa bởi họ ngửi thấy mùi rủi ro.

Vậy nên khi thị trường vỡ vụn, họ kiểm soát được thất thu.

Bạn nghe được những câu chuyện về các nhà đầu tư tổ chức nhúng tay vào, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong danh mục đầu tư của họ mà thôi”, Reena Aggarwal, Giáo sư tài chính đến từ ĐH Georgetown và là giám đốc Trung tâm Thị trường và Chính sách Tài chính Psaros cho hay.

Nếu tiền mã hóa sụp đổ ảnh hưởng tới Phố Wall, nó sẽ là một sự kiện đáng buồn đối với nhiều nhà đầu tư đổ tiền của họ vào thị trường tiền mã hóa.

“Tôi thực sự lo lắng về các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người có rất ít tiền để đầu tư,” bà Aggarwal nói. “Họ sẽ bị suy sụp.”

Bị lừa bởi những lời hứa hẹn lợi nhuận cao, sự giàu có bất chợt và một nền công nghiệp không bị kiểm soát bởi các cơ quan tài chính, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ tiền ra mua về những đồng tiền mã hóa mới được tạo ra hoặc mua cổ phần của các quỹ nắm giữ tài sản ảo. Nhiều người trong số đó là những nhà đầu tư mới vào nghề, những người bị mắc kẹt trong đại dịch COVID-19 và đâm đầu vào những loại cổ phiếu meme (các cổ phiếu tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội, không liên quan gì tới hoạt động kinh doanh) như GameStop hay AMC Entertainment.

Họ bị choáng ngợp bởi các đoạn quảng cáo về doanh nghiệp start-up tiền mã hóa, ví dụ như các ứng dụng đưa ra lời hứa hẹn với các nhà đầu tư về khoản tiền lãi đầy quyến rũ nếu nắm giữ tiền mã hóa. Đôi lúc, những nhà đầu tư này quyết định đầu tư mà không dựa trên giá trị, mà chỉ tin theo những lời bàn tán trên các nền tảng mạng xã hội như Reddit.

Như một phần của cơn sốt, ngành công nghiệp tiền mã hóa sinh sôi nhanh chóng. Ở giai đoạn cao điểm, thị trường tài sản số đạt tới con số 3 nghìn tỉ USD – một con số khổng lồ. Nó nằm ngoài hệ thống tài chính truyền thống, giống như một không gian thứ cấp thiếu đi sự quản lý vậy.

Sự đổ vỡ bắt đầu vào tháng 5 năm nay khi TerraUSD, một đồng tiền mã hóa được cho là gắn chặt với đồng USD bắt đầu chìm nghỉm, theo sau sự sụp đổ của một đồng tiền mã hóa khác là Luna. Vòng xoáy chết chóc của 2 đồng tiền mã hóa này tác động dây chuyền tới thị trường tài sản số.

Đồng Bitcoin, có giá hơn 47.000 USD trong tháng 3 năm nay, đã giảm xuống còn 19.000 USD vào ngày 18/6. Chỉ 5 ngày trước đó, một hãng cho vay tiền ảo có tên Celsius Networks, vốn nổi tiếng vì đưa ra lãi suất cao đối với tiền ảo ký gửi, đã ngừng cho khách hàng rút tiền.

Vận may của rất nhiều nhà đầu tư nhỏ bắt đầu bốc hơi.

Chơi tiền mã hóa cần phải có tinh thần thép!

Vào ngày mà Celsius ngừng cho rút tiền, ông Martin Robert, một nhà giao dịch ở Henderson, Nevada, đang chuẩn bị tổ chức sinh nhật lần thứ 31. Ông đã hứa với vợ mình rằng sẽ bỏ ra chút ít thời gian để theo dõi các thị trường. Và rồi ông thấy thông tin trên.

“Tôi đã không kịp rút tiền mã hóa của mình đủ nhanh,” ông Robert nói.

“Chúng tôi giờ đang bị giữ làm con tin”. Robert có 2 đồng Bitcoin đang bị mắc kẹt ở Celsius và lo rằng ông sẽ không bao giờ rút được chúng ra.

Trước khi giá sụt giảm, Robert có ý định rút hết Bitcoin và quy đổi chúng thành tiền để thanh toán khoản nợ tín dụng 30.000 USD. Ông vẫn tin rằng các tài sản ảo chính là loại hình tài sản của tương lai, nhưng cho rằng vẫn nên có một vài quy định để bảo vệ các nhà đầu tư.

“Chiếc hộp Pandora đã mở - bạn không thể đóng nó lại được”, Robert nói.

Beth Wheatcraft: "Chơi tiền mã hóa cần phải có tinh thần thép"

Beth Wheatcraft: "Chơi tiền mã hóa cần phải có tinh thần thép"

Beth Wheatcraft, một bà mẹ 3 con 35 tuổi ở Saginaw, Michigan, nói rằng chơi tiền mã hóa cần phải có tinh thần thép. Tài sản ảo của bà bao gồm các đồng Bitcoin, Ether và Litecoin – ngoài ra còn một số đồng Dogecoin mà bà không thể lấy được bởi chúng được chứa trong một ổ cứng bị hỏng.

Bà Wheatcraft tránh xa Celsius và các công ty đưa ra mức lãi suất trong mơ, nói rằng bà trông thấy trước rủi ro.

Bitcoin Trust, quỹ ký gửi tiền mã hóa rất nổi tiếng với các nhà đầu tư nhỏ, cũng không tránh khỏi giai đoạn bất ổn. Grayscale, công ty đầu tư tiền mã hóa đứng đằng sau quỹ này, tự coi mình là điểm đến đầu tư không rủi ro.

Thế nhưng cấu trúc của quỹ này không cho phép các cổ phiếu mới được tạo ra hoặc bị loại bỏ đủ nhanh để theo kịp với những thay đổi trong nhu cầu của giới đầu tư. Điều này trở thành một vấn đề khi giá đồng Bitcoin bắt đầu giảm nhanh. Các nhà đầu tư chật vật tìm cách tháo chạy, khiến cho giá cổ phiếu của quỹ giảm xuống dưới mức giá của Bitcoin.

Trong tháng 10 năm ngoái, Grayscale đã yêu cầu nhà quản lý cấp phép cho họ chuyển đổi thành quỹ hoán đổi danh mục, giúp cho việc giao dịch trở nên dễ dàng hơn và giúp giá cổ phiếu của họ sát hơn với giá Bitcoin. Nhưng trong thứ Tư tuần trước, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã bác đề nghị này. Grayscale sau đó đệ đơn kháng lại.

Phố Wall và tiền mã hóa

Ở giai đoạn mà thị trường tiền mã hóa còn đang sôi động, các ngân hàng Phố Wall cũng tìm cách nhập cuộc, nhưng cơ quan quản lý không cho phép. Năm ngoái, Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng – đặt ra các quy định về vốn cho các ngân hàng lớn trên khắp thế giới – đề xuất gán mác rủi ro cao nhất đối với các đồng token kỹ thuật số giống như Bitcoin và Ether. Vậy nên, nếu các ngân hàng muốn đặt các đồng tiền mã hóa này vào bản cân đối ngân sách của họ, họ sẽ phải nắm giữ lượng tiền mặt có giá trị tương đương để vượt qua được rủi ro đó.

Các cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ cũng cảnh báo giới ngân hàng nên tránh xa khỏi các hoạt động liên quan tới tiền mã hóa trên bản cân đối ngân sách của họ. Điều đó có nghĩa rằng sẽ không có các khoản vay bằng đồng Bitcoin hay các đồng tiền mã hóa khác, không có các dịch vụ tạo lập thị trường, không có dịch vụ môi giới.

Bởi vậy mà các ngân hàng cuối cùng chỉ có thể đưa ra các sản phẩm hạn chế liên quan tới tiền mã hóa cho khách hàng của mình, điều này cho phép họ gia nhập thế giới đang trỗi dậy mà không phải đụng chạm tới các cơ quan quản lý.

Trụ sở của Goldman Sachs

Trụ sở của Goldman Sachs

Goldman Sachs cung cấp giá Bitcoin ngay trên các cổng thông tin để khách hàng có thể trông thấy giá cả ngay cả khi họ không thể sử dụng các dịch vụ của ngân hàng này để giao dịch chúng. Cả Goldman Sachs và Morgan Stanley đều đã bắt đầu cung cấp cho những khách hàng nhiều tiền nhất của họ cơ hội để mua cổ phần của các quỹ có liên quan tới tài sản số thay vì cung cấp cho họ những cách để mua trực tiếp tiền mã hóa.

Chỉ có một nhóm nhỏ khách hàng của Goldman là đủ điều kiện để mua các khoản đầu tư có liên quan tới tiền mã hóa thông qua ngân hàng này, theo Mary Athridge, một phát ngôn viên của Goldman Sachs. Các khách hàng này cần phải trải qua một khóa “đào tạo trực tiếp” và được cảnh báo trước về mức độ rủi ro của loại tài sản này. Chỉ khi họ cho phép chuyển tiền vào “các quỹ thuộc bên thứ ba” thì ngân hàng này mới có thể kiểm tra.

Các khách hàng của Morgan Stanley không thể bỏ ra quá 2,5% tổng lượng tiền gửi của họ vào các khoản đầu tư như vậy, và các nhà đầu tư chỉ có thể đổ tiền vào 2 quỹ tiền mã hóa – trong đó có Galaxy Bitcoin Fund – được vận hành bởi các quản lý quỹ bên ngoài, có kinh nghiệm trong ngành ngân hàng truyền thống.

Thế nhưng các nhà quản lý này cũng có khả năng không thoát khỏi cuộc khủng hoảng tiền mã hóa. Mike Novogratz, giám đốc điều hành của Galaxy Digital và là cựu nhân viên của ngân hàng Goldman Sachs, nói với tạp chí New York vào tháng trước rằng ông đã phải đón nhận quá nhiều rủi ro. Tổng tài sản của Galaxy Digital Asset, có thời điểm đỉnh cao lên tới 3,5 tỉ USD vào tháng 11 năm ngoái, đã giảm xuống còn 2 tỉ USD vào cuối tháng 5 năm nay. Nếu như Galaxy không bán lượng lớn đồng Luna vào thời điểm 3 tháng trước khi nó sụt giá, ông Novogratz giờ đã gặp rắc rối lớn.

Nhưng trong khi ông Novogratz, một tỉ phú, và nhiều khách hàng giàu có của ngân hàng có thể dễ dàng sống sót, hoặc được cứu rỗi bởi các quy định nghiêm khắc, thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại không được bảo vệ như vậy.

Jacob Willette, ở độ tuổi 40 đến từ Mesa, bang Arizona, đã gửi khoản tiền tiết kiệm cả đời mình vào một tài khoản của Celsius với hy vọng sẽ có lãi suất cao. Có thời điểm đỉnh cao, giá trị tiền gửi của ông đã lên tới 120.000 USD.

Ông có ý định sử dụng số tiền này để mua nhà. Nhưng khi giá tiền mã hóa bắt đầu sụt giảm, Willette chỉ có thể trông chờ ở lời đảm bảo của giới lãnh đạo Celsius. Nhưng tất cả những gì ông đọc được trên mạng chỉ là thông tin Celsius “đóng băng” khoản tiền gửi trị giá 8 tỉ USD của khách hàng.

“Tôi đã tin tưởng những người này,” ông Willete nói. “Tôi chỉ là không nhận ra điều mà họ đã làm là phi pháp.”

Nguồn tham khảo: New York Times