Doanh thu ngành an toàn thông tin năm 2020 đạt gần 2.000 tỉ đồng, gấp gần 5 lần năm 2016

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bên cạnh sự tăng trưởng về chủng loại sản phẩm, doanh thu an toàn thông tin cũng đã liên tục tăng trong những năm gần đây: Từ hơn 400 tỉ đồng năm 2016 lên 1.490 tỉ đồng năm 2019 và dự kiến đạt khoảng 1.900 tỉ đồng trong năm 2020.

Trong quá trình phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… của đất nước, việc thiết lập môi trường an toàn, an ninh mạng có vai trò hết sức quan trọng.
Trong quá trình phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số… của đất nước, việc thiết lập môi trường an toàn, an ninh mạng có vai trò hết sức quan trọng.

Thông tin trên được trao đổi tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 với chủ đề “An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam – Yếu tố then chốt trong Chuyển đổi số quốc gia” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin (của Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) tổ chức ngày 2/12.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục An toàn thông tin – cho biết, Bộ TT&TT nêu quan điểm: Tự chủ công nghệ, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn, an ninh mạng là giải pháp căn cơ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Phát triển hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng Việt Nam chính là tiền đề phát triển nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Và mỗi cơ quan, doanh nghiệp đều có ít nhất một doanh nghiệp, tổ chức an toàn an minh mạng chuyên nghiệp trong nước để bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho mình.

Trên quan điểm đó, từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ TT&TT đã tập trung thực hiện 4 hành động lớn để phát triển Hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng “Make in Việt Nam”, bao gồm: Thúc đẩy hoạt động của Liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam; Xây dựng, ban hành các tiêu chí kỹ thuật, tổ chức đánh giá chất lượng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng; Thúc đẩy nhu cầu thị trường an toàn, an ninh mạng Việt Nam; Truyền thông, giới thiệu sản phẩm cho hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Với việc triển khai hàng loạt nội dung công việc theo 4 nhóm hành động trên, đến nay hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng “Make in Việt Nam” đã có những bước phát triển mạnh mẽ, rõ nét. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ chủng loại sản phẩm nội địa tăng nhanh; tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài cũng tăng và sự tăng trưởng doanh thu sản phẩm an toàn thông tin nội địa cũng tăng.

Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, bên cạnh sự tăng trưởng về chủng loại sản phẩm, doanh thu an toàn thông tin cũng đã liên tục trong những năm gần đây: tăng từ hơn 400 tỷ đồng năm 2016 lên mức 1.490 tỷ đồng năm 2019 và dự kiến sẽ đạt khoảng 1.900 tỷ đồng trong năm 2020.

“Doanh thu an toàn thông tin năm 2020 đã tăng tới trên 50%. Kết quả này phần nào cho thấy hệ sinh thái sản phẩm ATANM Việt Nam phát triển mạnh”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch VNISA, nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nhấn mạnh, năng lực bảo đảm an toàn thông tin của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái an toàn thông tin do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch VNISA, nguyên thứ trưởng Bộ TT&TT.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch VNISA, nguyên thứ trưởng Bộ TT&TT.

Theo Chủ tịch VNISA, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang bước vào cuộc cách mạng số và chuyển đổi số đã trở thành động lực chính để phát triển kinh tế xã hội. Điều đó đặc biệt rõ khi Việt Nam chúng ta đang từng bước phát triển những sản phẩm công nghệ thông tin Made in Việt Nam mong muốn vươn xa và hòa chung với dòng chảy công nghệ thông tin của thế giới. Tuy nhiên, công nghệ càng phát triển nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng ngày càng trở thành mối đe dọa lớn đối với toàn xã hội.

Các nền tảng điện toán đám mây "Make in Vietnam" của Viettel, VNG, CMC, VNPT và VCCorp vừa được Bộ TT&TT công bố là những nền tảng đã được Cục An toàn thông tin đánh giá, xác nhận đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.

Theo các nội dung trình bày tại hội thảo, an toàn an ninh mạng được nhận định là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đạt chuẩn, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã tiến hành đánh giá các nhà cung cấp điện toán đám mây nội địa và trao tặng chứng nhận cho các doanh nghiệp đạt chuẩn.

“Không để doanh nghiệp nào bỏ lại phía sau”

Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu thống nhất rằng nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 đến 10 năm tới và Bộ TT&TT cũng xác định nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng số cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kiến nghị về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi số nhanh nhất, tiến tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, để doanh nghiệp được đồng hành và cùng gánh vác trọng trách về chuyển đổi số, chuyển đổi Hạ tầng viễn thông thế hệ mới dựa trên điện toán đám mây, bà Nguyễn Hiền Phương - Phó Tổng Giám đốc Hanoi Telecom đã nêu ra vấn đề đáng suy nghĩ.

Bà Nguyễn Hiền Phương bày tỏ, các "ông lớn" về hạ tầng của nhà nước như Viettel, VNPT, cũng như nhỏ hay tầm trung như Hanoi Telecom mong muốn Bộ có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy cung cấp dịch vụ công bằng, với mong muốn “Không để Doanh nghiệp nào bỏ lại phía sau”.

Bà Nguyễn Hiền Phương (ngoài cùng, bên phải) trao đổi cùng các khách mời tham dự phần toạ đàm.

Bà Nguyễn Hiền Phương (ngoài cùng, bên phải) trao đổi cùng các khách mời tham dự phần toạ đàm.

Tổng Giám đốc Hanoi Telecom đề xuất cần sớm có định hướng, tiêu chuẩn cho các dịch vụ này. Các doanh nghiệp lớn và nhỏ đều cần được tham gia ngay từ đầu trong việc xây dựng và đề xuất áp dụng, thử nghiệm các công nghệ mà mỗi doanh nghiệp có thế mạnh phát triển riêng. Bản thân Hanoi Telecom cũng có thế mạnh về giải pháp an ninh mạng, các giải pháp AI và phân tích dữ liệu lớn. Ngay trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi thì Icomm - đơn vị thành viên của Hanoi Telecom - cũng đã có những đóng góp không nhỏ trong việc hỗ trợ truy vết những cá nhân liên quan đến bệnh viện Bạch Mai, thông qua phân tích dữ liệu trên Internet.

Ngoài ra, “cũng như hạ tầng viễn thông truyền thống, việc kết nối và chia sẻ hạ tầng điện toán đám mây rất quan trọng. Cần sớm có chính sách kết nối, chia sẻ và ứng dụng các dịch vụ điện toán đám mây từ các doanh nghiệp khác nhau cho từng ứng dụng Chính phủ số, kinh tế số”.

Bà Hiền Phương cho rằng việc này vừa đảm bảo an toàn, dự phòng cao khi một doanh nghiệp bị sự cố; vừa thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ có khả năng kết nối mở, chuyển đổi mở, cung ứng mở, khi đó sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, chống độc quyền.

Nói về bảo mật cho 5G trong xu hướng tất yếu của chuyển đổi số quốc gia, ông David Soldani - Chuyên gia về an ninh mạng của Huawei khu vực châu Á - Thái Bình Dương – chia sẻ rằng việc thiết lập một môi trường an toàn và lành mạnh để chính phủ, doanh nghiệp, cũng như người dân sử dụng có vai trò hết sức quan trọng.

Phần trình bày của ông David Soldani tuy diễn ra vào phiên chuyên đề buổi chiều nhưng thu hút được sự quan tâm của các khách mời.

Phần trình bày của ông David Soldani tuy diễn ra vào phiên chuyên đề buổi chiều nhưng thu hút được sự quan tâm của các khách mời.

Chuyên gia về an ninh mạng của Huawei khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ 5G dự kiến sẽ cung cấp kết nối độ trễ thấp đáng tin cậy để điều khiển từ xa và điều khiển thông minh các phương tiện không người lái trên mặt đất và trên không, nền tảng robot và cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như điện, nước, khí đốt, cảng, giao thông, v.v.. Do đó, bất kỳ sự cố hệ thống 5G nào có thể xảy ra đều gây tác hại nghiêm trọng.

Các công nghệ 5G sẽ được áp dụng cho nhiều ngành dọc với nhiều kịch bản sử dụng khác nhau, chẳng hạn như ứng dụng vào internet vạn vật (IoT), xe tự lái và chăm sóc sức khỏe…

“Hầu hết các mối đe dọa và thách thức mà bảo mật 5G phải đối mặt cũng giống như những thách thức mà bảo mật 4G phải đối mặt. Các rủi ro bảo mật khác nhau đi kèm với các dịch vụ, kiến trúc và công nghệ mới cũng bị giảm thiểu” – ông nói.

Ông David Soldani cho biết thêm, bảo mật 5G đòi hỏi sự hợp tác về tiêu chuẩn, thiết bị và việc triển khai. Tất cả các bên trong chuỗi ngành cần phải chịu trách nhiệm bảo mật của riêng mình. Để giảm thiểu các rủi ro an ninh mạng liên quan, các nhà cung cấp phải ưu tiên an ninh mạng một cách đầy đủ, cụ thể: tôn trọng luật, quy định, tiêu chuẩn, chứng nhận sản phẩm của họ và đảm bảo chất lượng trong chuỗi cung ứng.