Doanh nghiệp Việt sẽ ứng dụng công nghệ cao Hoa Kỳ như thế nào?

VietTimes -- Gần 100 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ về cung cấp các máy móc, thiết bị,... công nghệ cao. Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ khoa học như thế nào và làm sao thực hiện đúng hợp đồng các bên đã ký kết?
Vấn đề các doanh nghiệp Việt - Mỹ thực hiện ký kết như thế nào được báo giới quan tâm.
Vấn đề các doanh nghiệp Việt - Mỹ thực hiện ký kết như thế nào được báo giới quan tâm.

Tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều ngày 3/6, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, đã có khoảng gần 100 doanh nghiệp lớn của Việt Nam cùng tham gia chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong chuyến đi này nhiều doanh nghiệp của Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết những hợp đồng kinh tế lớn tổng trị giá trên 10 tỷ USD, trên nhiều lĩnh vực trong đó có việc cung cấp một số máy móc, thiết bị,... có công nghệ khoa học cao của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Ông Hải nói: “Phía Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này việc hợp tác là cả 2 bên cùng có lợi. Tuy nhiên, sau chuyến đi này điều quan trọng là thực hiện được các ký kết giữa các doanh nghiệp như thế nào, chúng tôi khẳng định sẽ hỗ trợ hết mình cho cộng đồng doanh nghiệp cả 2 nước thực hiện đúng những điều 2 bên đã ký kết”.

Trước đó, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến các doanh nghiệp Việt - Mỹ trao các bản ký kết hợp tác kinh tế trị giá trên 10 tỷ USD.

Trong đó, hãng hàng không Vietjet ký thỏa thuận với CFM International, liên doanh giữa General Electrics (GE) và Safran, về việc cung cấp 215 động cơ máy bay kèm dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng trị giá 3,6 tỷ USD.

Vietjet cũng ký bản ghi nhớ với GECAS thuộc GE về cung cấp tài chính thuê mua tàu bay trị giá 1 tỷ USD và ký với Honeywell Aviation hợp đồng cung cấp và bảo dưỡng động cơ phụ (APU) cho 98 tàu bay trị giá 180 triệu USD.

Tập đoàn Phú Cường và tập đoàn GE đạt thỏa thuận 2 tỷ USD về nhập thiết bị turbin điện gió và dịch vụ bảo dưỡng cho dự án phát triển 800 MW điện gió ở Sóc Trăng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận nhập một số thiết bị cho Nhà máy điện turbin khí sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh trị giá 600 triệu USD.

Công ty TNHH Tín Thành có bản ghi nhớ với Tập đoàn Roberts về hợp tác đầu tư và thương mại trị giá 3 tỷ USD.

Về giá điện, tại buổi Họp báo thường kỳ ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trước mắt hiện nay chưa xem xét vấn đề tăng giá điện, kể cả nếu có đề xuất của EVN chúng tôi sẽ phải xem xét thật kỹ lưỡng. Đến giờ phút này chúng tôi chưa xem xét việc tăng giá điện hay không”.

Đối với mặt hàng xăng, dầu ông Hải nói: “Hiện nay giá xăng dầu đang tiến dần theo quy luật  của nền kinh tế thị trường, đó là công khai, minh bạch và nguồn cung xăng dầu đã nhiều. Hiện có gần 30 các đầu mối được phép trực tiếp nhập khẩu, cạnh tranh lành mạnh về xăng, dầu. Giá xăng dầu đang được quản lý theo Nghị định 84, 15 ngày xem xét giá xăng một lần, dựa theo công thức đã được tính toán. "Quỹ bình ổn xăng dầu trong thời gian qua điều chỉnh giữa Bộ Công thương và Tài chính có hiệu quả rất tốt" - Thứ trưởng Hải nhận xét.

“Hiện nay việc bãi bỏ quỹ bình ổn vẫn được xem xét, cá nhân tôi rất mong không còn quỹ này nữa nhưng trong thời điểm hiện tại quỹ bình ổn giá vẫn còn phù hợp”, ông Hải cho biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Tháng 11/2017 Tổng Thống Mỹ Donal Trumb sẽ có chuyến thăm Việt Nam nhân sự kiện APEC.