Doanh nghiệp viễn thông có bị ảnh hưởng nhiều khi Việt Nam thực thi Hiệp định EVFTA?

VietTimes -- Ngày 23/10/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo "Ngành tài chính và viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ hiệp định EVFTA". Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, tài chính và viễn thông là hai ngành có tác động nhiều nhất tới doanh nghiệp trong nước với việc thực thi hiệp định EVFTA. 
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI (bên trái) và các khách mời trong phần giao lưu của hội thảo
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI (bên trái) và các khách mời trong phần giao lưu của hội thảo

Mở đầu hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) là một hiệp định thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Hiệp định đã được ký kết ngày 30/6/2019 sau một quá trình đàm phán kéo dài hơn 3 năm để chính thức có hiệu lực từ năm 2020. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI giới thiệu về cơ hội và thách thức của các ngành tài chính và viễn thông với hiệp định EVFTA
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI giới thiệu về cơ hội và thách thức của các ngành tài chính và viễn thông với hiệp định EVFTA

Theo hiệp định này, Việt Nam phải cam kết mở cửa thị trường với các nước thành viên EU trong nhiều lĩnh vực trong đó có tài chính và viễn thông. Riêng về dịch vụ mạng riêng ảo không có hạ tầng, Việt Nam chỉ cho phép liên doanh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép, trong đó vốn nước ngoài được phép đến 70% (kể từ năm thứ 5 khi EVFTA có hiệu lực, nước ngoài được phép đến 75%). Còn với dịch vụ có hạ tầng thì chỉ cho nước ngoài được phép liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ được cấp phép với phần vốn trong liên doanh doanh không quá 49%.

Với các dịch vụ viễn thông cơ bản khác, chỉ cho phép liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ được cấp phép với số vốn đến 65% (sau 5 năm khi EVFTA có hiệu lực, được phép đến 75%). Nếu có hạ tầng mạng, phía nước ngoài được liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ được cấp phép với phần vốn đến 49%. 

Với dịch vụ truy nhập Internet không có hạ tầng mạng, chỉ cho phép liên doanh với số vốn đến 65% (sau 5 năm EVFTA có hiệu lực thì được phép đến 100%). Còn với dịch vụ Internet có hạ tầng mạng, cho phép liên doanh với số vốn đến 50% (sau 5 năm EVFTA có hiệu lực,được phép đến 65%). 

Với dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet không có hạ tầng mạng, cho phép hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với số vốn không quá 65% (sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, được phép đến 100%). Với dịch vụ giá trị gia tăng có hạ tầng mạng, cho phép hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với mức vốn đến 50% (sau 5 năm EVFTA có hiệu lực, được phép đến 65%). 

Tại phần giao lưu của các khách mời, ông Nguyễn Quý Quyền - đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thực tế với dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp trong nước hiện không chỉ giữ vững thị trường mà còn có nội lực rất tốt. Hiện chỉ có duy nhất một liên doanh viễn thông là Vietnam Mobile nhưng thị phần của liên doanh này cũng không lớn. Vì thế, khi EVFTA có hiệu lực thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ nhảy vào sân chơi rất khó cạnh tranh này. 

Còn theo ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, thị trường cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam cũng đang cạnh tranh rất lớn và thay vì hạ giá thành thì các nhà cung cấp mới đây cũng tăng băng thông lên gấp đôi cho người sử dụng. Do đó, nước ngoài muốn tham gia sân chơi này cũng không hề dễ. Vì thế, theo ông Bình, thị trường mà các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia được chính là các dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet. 

Cũng tại phần giao lưu, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến công nghệ tài chính (Fintech). Theo ông Nguyễn Quý Quyền, đây là một lĩnh vực còn khá mới và vẫn còn phải chờ khung pháp lý chính thức do Bộ Tài chính cùng Bộ Thông tin và Truyền thông hợp tác xây dựng. Fintech là một thành tố của thương mại điện tử và thương mại điện tử là xuyên biên giới. Đây chính là một trong những điểm cần phải làm rõ của hiệp định EVFTA. 

Kết thúc buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, sắp tới VCCI sẽ còn tổ chức nhiều hội thảo về EVFTA và các hiệp định thương mại quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia. Trong đó, CNTT và thương mại điện tử là những thành phần không thể thiếu.