Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng kể câu chuyện cán bộ hải quan đã yêu cầu chi bao nhiêu để được "qua cầu hải quan". Lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM khẳng định, doanh nghiệp cần "cứng" luật để bẻ lại những nhũng nhiễu, vòi vĩnh này.
Thẳng thừng đề nghị DN chi thêm!
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TM-DV Thép Khương Mai trình bày tại hội nghị, sản phẩm thép hình nhập khẩu của công ty ông liên tục bị áp giá cao hơn so với giá khai báo, dù cung cấp đầy đủ hồ sơ như hợp đồng, thanh toán qua ngân hàng, L/C…cho công chức hải quan. Có những lô hàng giá nhập khẩu là 370 đô la Mỹ/tấn nhưng cơ quan hải quan áp giá 640 đô la Mỹ/tấn.
“Ngay ngày hôm qua thôi, chúng tôi nhập khẩu lô hàng giá 373 đô la Mỹ/tấn nhưng anh em ở cảng báo về là hải quan áp giá 400 đô la Mỹ/tấn. Nhân viên của tôi còn nói, công chức hải quan nói rõ là nếu chi 1 triệu đồng thì khỏi áp giá”, ông Khương nói.
Đại diện một doanh nghiệp khác cũng hoạt động trong lĩnh vực thép cho biết công ty vừa nhập một lô thép cuộn qua cửa khẩu cảng Hải Phòng. Hàng nhập từ Trung Quốc và công ty có chứng nhận xuất xứ (C/O) form E để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Vậy nhưng, công ty quên cung cấp khi làm tờ khai hải quan nên bị áp thuế 5% như hàng bình thường.
“Chúng tôi phát hiện ra thiếu sót của mình và muốn bổ sung. Vấn đề là cán bộ hải quan nói rằng muốn bổ sung để được hưởng ưu đãi thì phải chi một nửa số tiền thuế chênh lệch”, vị đại diện công ty này đã chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH SPTD Toshiba Vietnam cho biết, trong vòng gần 1 năm, từ 16-6-2014 đến tháng 4-2015, 260 tờ khai nhập khẩu của doanh nghiệp các mặt hàng tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, máy điều hòa… qua cửa khẩu ở TPHCM đều bị phân luồng đỏ. Đại diện công ty này đặt câu hỏi liệu việc phân luồng như vậy là hệ thống tự động hay có yếu tố can thiệp của con người? Bản thân doanh nghiệp thấy rằng, cũng với bấy nhiêu tiêu chí quản lý rủi ro đó, cũng các mặt hàng giống hệt, công ty nhập khẩu qua cửa khẩu cảng Hải Phòng thì đều được phân luồng vàng.
Đôi khi, sự nhũng nhiễu của cán bộ hải quan chỉ đơn giản là đòi hỏi, yêu cầu nhiều việc ngoài quy định với người khai. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty CGM Việt Nam JSC (là hãng tàu vận chuyển), đại diện công ty cho biết, hiện nay các khâu khai báo đều đã là điện tử nhưng cán bộ hải quan yêu cầu phải in ra giấy để nộp. Với những hãng tàu, số lượng chứng từ phải in ra lên đến hàng trăm khiến doanh nghiệp tốn chi phí mà nhân viên rất mất thời gian.
Doanh nghiệp phải “cứng” luật
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TPHCM khẳng định tại hội nghị rằng lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM không có chủ trương để công chức tiêu cực. Vì vậy, nếu doanh nghiệp cung cấp chính xác, cụ thể tên công chức gây nhũng nhiễu, vòi vĩnh thì lãnh đạo Cục Hải quan sẵn sàng sắp xếp một buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để giải quyết vấn đề chứ không dung dưỡng tình trạng trên.
Với từng trường hợp cụ thể, đại diện của Cục Hải quan TPHCM cũng đã đưa ra nhiều giải đáp. Chẳng hạn với câu chuyện giá tính thuế của Công ty thép Khương Mai, ông Toản nói rằng, tất cả các doanh nghiệp đều cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ nhưng cũng vẫn bị điều chỉnh giá. Giá là một nội dung nhạy cảm, liên quan đến trách nhiệm, số thu ngân sách. Và khi trao đổi với doanh nghiệp về lý do phải điều chỉnh giá, cán bộ công chức hải quan đã không có những giải thích rõ ràng, chính xác.
Vì vậy, nếu gặp trường hợp này, doanh nghiệp có quyền đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý để công chức hải quan trả lời. Bên cạnh đó, trong quá trình tham vấn, thực chất là trao đổi giữa hai bên để làm rõ thông tin có nghi vấn, nếu cơ quan hải quan không chứng minh được 1 trong 4 tiêu chí phải tham vấn giá thì doanh nghiệp có thể nêu ý kiến của mình vào biên bản làm việc rằng “công chức hải quan tùy tiện áp giá”.
“Doanh nghiệp phải biết rõ các quy định, đọc thông tư để lý luận. Mười năm nay, lần nào đối thoại hải quan tôi cũng nghe phản ánh về giá tính thuế. Nhưng khi xem biên bản, tôi chưa bao giờ thấy doanh nghiệp có ý kiến”, ông Toản nói.
Hay như phản ánh của Công ty Toshiba, ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng phòng Phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM cho biết, hệ thống căn cứ vào nhiều tiêu chí quản lý rủi ro để phân luồng hàng hóa. Bên cạnh đó, tiêu chí lại được áp dụng ở 3 cấp là tổng cục, cục và chi cục hải quan. Mỗi cấp cập nhật một số tiêu chí nên trong nhiều trường hợp là kết quả phân luồng khác nhau.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, không loại trừ khả năng là chi cục đã chuyển luồng. Vì vậy, doanh nghiệp nên có văn bản đề nghị Cục Hải quan TPHCM xem xét lại. Và theo quy định hiện hành, trong trường hợp cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra mà không phát hiện sai phạm thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan hải quan phải bồi hoàn các chi phí đã phát sinh khi phải kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, lưu kho lưu bãi.
Ông Toản thì khẳng định, sẽ báo cáo trường hợp của Công ty Toshiba với lãnh đạo Cục và yêu cầu Chi cục hải quan đầu tư giải trình. Theo ông Toản, phân luồng đỏ 100% như vậy là có vấn đề.
Còn chuyện phải in các tờ khai trong khi đã thực hiện thủ tục điện tử như Công ty CGM Việt Nam JSC phản ánh, ông Long cho biết sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh các chi cục. Tất nhiên, khi bỏ tờ khai giấy hoàn toàn sẽ phát sinh một số vướng mắc vì có liên quan đến nhiều cơ quan khác, hải quan sẽ báo cáo cấp trên.
"Doanh nghiệp nên căn cứ vào các quy định hiện hành để lý luận, phản hồi nếu bị công chức hải quan đưa ra những yêu cầu không hợp lý,” ông Long nhấn mạnh.
Theo TBKTSG