Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải làm gì để chuyển đổi số?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuyển đổi số đang là một tiến trình mà mọi nơi ở Việt Nam đều phải theo đuổi. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đó là vấn đề không đơn giản bởi, người ta vẫn thường nghĩ rằng không đủ tiền.
Nỗi lo về kinh phí không phải là yếu tố quyết định với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiến hành chuyển đổi số
Nỗi lo về kinh phí không phải là yếu tố quyết định với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiến hành chuyển đổi số

Nỗi lo về kinh phí?

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA), tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. Trong đó, 99% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) gặp khó khăn về vốn, nên thường coi chuyển đổi số là "sân chơi" của những ông lớn. Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện vào năm 2020 cũng cho thấy, chi phí ứng dụng công nghệ cao là rào cản số một của SMEs.

Ngoài mối lo về tài chính, việc chưa nắm rõ bức tranh toàn cảnh, doanh nghiệp sẽ dễ triển khai chuyển đổi số một cách rời rạc. Sau khi giải quyết các bài toán ở từng bộ phận, doanh nghiệp lại không thể kết nối các hệ thống này với nhau để tạo thành một quy trình, hoạt động hoàn chỉnh trên môi trường số.

Đồng thời, việc này còn khiến doanh nghiệp không xây dựng được niềm tin và tầm nhìn chung trong đội ngũ nhân sự. Dần dà, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn do chuyển đổi số chỉ là vấn đề của một vài bộ phận hay phòng ban cụ thể, thay vì là vấn đề chung của một tổ chức.

Ông Mạc Quốc Anh – Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Do tác động của dịch COVID-19, có tới 90% chủ doanh nghiệp nhận thức về chuyển đổi số do liên quan đến tái cơ cấu, nhu cầu thị hiếu khách hàng thay đổi. Đến nay, có tới 70% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số nhưng với tiềm lực hạn chế nên nhiều đơn vị áp dụng chuyển đổi dần dần theo từng phân mảng.

Tuy nhiên, có lẽ cốt lõi của chuyển đổi số không nằm ở kinh phí và các SMEs hoàn toàn có thể “liệu cơm gắp mắm”. Vấn đề quan trọng hơn với họ vẫn phải là có một chiến lược phát triển rõ ràng mà chuyển đổi số là một trong những yếu tố cấu thành.

Những yếu kém phải vượt qua với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nói về những yếu kém của SMEs có lẽ khó mà kể hết. Trước hết là vốn ít, số lượng nhân viên cũng ít .

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất nổi lên với các SMEs chính là hoạt động quản trị không có tính bài bản. Và thực tế, không ít người đã nhận xét rằng để làm chuyên môn thì đúng là phải học nhưng để lãnh đạo các SMEs thì hình như không cần.

Các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam về cơ bản thường thiếu tính chất quản trị chuyên nghiệp

Các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam về cơ bản thường thiếu tính chất quản trị chuyên nghiệp

Chính vì thế, các SMEs rất dễ bị tổn thất về nhân sự và nguyên nhân chính không phải là lương bổng chưa hấp dẫn mà vì chính những người tâm huyết nhất không chịu được lề thói quản trị không chuyên nghiệp. Hệ lụy là không ít người vì thế lại đứng ra lập doanh nghiệp mới và thậm chí cạnh tranh thị phần với chính nơi mà họ đã ra đi.

Cũng vì thực tế đó, để cải thiện tình hình, việc đầu tiên với chính các SMEs là phải thay đổi lề thói quản trị của mình. Chính họ phải xây dựng được một quy chế hành chính rõ ràng mà mọi nhân viên mà trong đó có cả giám đốc phải tuân thủ hẳn hoi. Tiếp sau đó, doanh nghiệp của họ phải có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng. Và chỉ khi làm được việc đó thì mới có thể bàn đến việc chuyển đổi số cho hoạt động của chính mình.

Theo phân tích của ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia Chuyển đổi số - khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng quyết định việc nhân rộng hoặc thay đổi quy mô doanh nghiệp.

Nếu không có chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc nhân rộng mô hình và luôn luôn phải đi theo sau, do toàn bộ hạ tầng, cách thức vận hành cũng như cấu hình chuỗi giá trị là nằm trên không gian thực vật lý.

Khi thay đổi và nhân rộng không gian thực vật lý sẽ đòi hỏi thời gian trễ để đáp ứng thị trường. Thông qua kiến trúc số, phát triển dịch vụ, sản phẩm cũng như chuỗi giá trị số, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tái cấu trúc, mở rộng, thêm mới hoặc nâng cấp cũng như cắt bớt quy mô và phạm vi hoạt động doanh nghiệp một cách dễ dàng.

Đương nhiên, Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin hiện đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ về chuyển đổi số cho các SMEs. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công phải dựa trên chính đôi chân của mình. "Chuyển đổi số thành công là doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận tốt. Chuyển đổi số không phải là thêm một nhiệm vụ, mà là một cách làm mới. Nếu làm hiệu quả thì tự lực cánh sinh là tốt nhất", ông Dũng khuyến nghị.

Còn theo ông Nguyễn Đức Thuận - Phó chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cần thúc đẩy chuyển đổi số gắn với quản trị doanh nghiệp trong 3 trụ cột chính là tài chính, nguồn nhân lực và maketting. Phải đào tạo lại từ người đứng đầu tới những người ở vị trí thấp nhất của doanh nghiệp, phải nhận thức một cách đầy đủ chứ không đơn thuần chỉ là công nghệ thông tin, đó là vấn đề nhận thức, về công tác quản trị.