Doanh nghiệp nào đặt mục tiêu lợi nhuận tăng “khủng” nhất?

Thay vì chỉ "dám" đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn từ 5-10% như những năm trước, khá nhiều doanh nghiệp đã "mạnh dạn" lên kế hoạch lãi tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí, gấp 10 lần trong năm 2015.
 Doanh nghiệp nào đặt mục tiêu lợi nhuận tăng “khủng” nhất?

Doanh nghiệp bất động sản "vụt sáng"

Thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu phát triển tích cực, đem lại những hi vọng về sự phục hồi của bất động sản trong năm 2015. Đây cũng chính là một trong những yếu tố tích cực giúp nhiều doanh nghiệp bất động sản trở nên tự tin trong bản kế hoạch kinh doanh của mình trong năm mới.

Có thể nói, trong mùa đại hội năm nay, các doanh nghiệp bất động sản thực sự "tỏa sáng" khi đua nhau đặt mục tiêu lợi nhuận cao gấp 5, thậm chí, gấp 10 lần năm ngoái.

CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) hiện đang là một trong những doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận cao nhất sàn khi có kế hoạch tăng doanh thu năm 2015 tăng vọt, từ 328 tỷ đồng lên tới 3.225 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 410,5 tỷ đồng, tăng gấp hơn 10 lần so với con số 38 tỷ đồng đạt được trong năm 2014.

Đặt mục tiêu lợi nhuận tăng đột biến, Chủ tịch HQC khẳng định, sẽ từ chức nếu không đạt mức lợi nhuận đề ra. 

Trong khi đó, một doanh nghiệp khác là CTCP Phát Triển Bất Động Sản Phát Đạt (mã PDR) cũng tỏ ra lạc quan không kém khi đặt mục tiêu doanh thu 964 tỷ đồng, tăng 67% so với con số đạt được năm 2014, lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với mức 53,4 đạt được cùng kỳ.

CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) cũng là một cái tên gây được chú ý khá nhiều trong thời gian gần đây khi Ban lãnh đạo công ty đặt ra mục tiêu khá cao với doanh thu đạt 350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, lần lượt tăng 79% và 155% so với năm 2014.

Ngân hàng kỳ vọng đột biến

Khi nền kinh tế có dấu hiệu dần ổn định thì "ngành xương sống" ngân hàng cũng tỏ ra lạc quan hơn. Trong khi các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank không đặt mục tiêu lợi nhuận gia tăng mạnh nhưng giá trị lợi nhuận vẫn giữ ở mức cao thì một số ngân hàng nhỏ, quy mô khiêm tốn lại kỳ vọng vào mức tăng trưởng đột biến.

Một trường hợp điển hình là Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Mục tiêu năm 2015 của ngân hàng này là nâng tổng tài sản lên trên 70.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 40.400 tỷ đồng tăng 62% so với 2014 và lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông - OCB, năm 2014 OCB đạt 281 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, huy động vốn trong năm qua tăng trưởng 21,6%, tổng tài sản tăng 19,2%. 

Diễn biến lợi nhuận của OCB trong các năm qua. 

Sang năm 2015, OCB dự kiến sẽ đạt tổng tài sản trên 54.500 tỷ đồng tăng 39%, tổng huy động tăng 41%, tổng dư nợ tín dụng tăng 7% so với năm 2014. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 410 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước.

Tại đại hội cổ đông năm 2015 của VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cho biết, năm 2014, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.609 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 91.535 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2013. Năm 2015, VPBank đặt mục tiêu sẽ đạt 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 55% so với kết quả thực hiện năm 2014 và tổng tài sản sẽ đạt 204.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ cũng lạc quan

Không chỉ bất động sản, ngân hàng lạc quan về triển vọng 2015 mà rất nhiều các doanh nghiệp trong các ngành khác cũng mạnh dạn đặt kế hoạch tăng mạnh trong năm nay.

CTCP Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật hàng hải (MAC) trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông mới đây đã trình ĐHCĐ kế hoạch doanh thu 135 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với con số 5,4 tỷ đồng đạt được trong năm 2014, cổ tức dự kiến 15%.

Tại CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC), kế hoạch năm 2015 cũng được ĐHCĐ thông qua với chỉ tiêu doanh thu rất cao, ở mức 1.010 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế hơn 150 tỷ đồng, cùng gấp 2,1 lần mức thực hiện trong năm 2014.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nền kinh tế còn nhiều thách thức, nhưng bức tranh chung của thị trường đang dần khởi sắc.

Bên cạnh đó, một khi lãnh đạo doanh nghiệp đã đặt kế hoạch tăng cao thì họ sẽ phải có sẵn kế hoạch không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà còn nắm chắc phần thắng trong kế hoạch đầu tư. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp "tự tin" với bản kế hoạch của mình trước đại hội đồng cổ đông.

Theo: BizLive