Doanh nghiệp lo ngại nhiều vấn đề phát sinh từ Luật An ninh mạng

VietTimes -- Tại Luật An toàn thông tin mạng, quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đã nêu rõ và giao đầu mối thực hiện là Bộ TT&TT; trong khi đó, Dự thảo Luật An ninh mạng lại đặt thêm nhiều yêu cầu và chỉ định đầu mối thực hiện là Bộ Công an. Điều này khiến các doanh nghiệp lo lắng về việc xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình làm thủ tục hành chính.
Đây là một trong những vấn đề được quan tâm tại Toạ đàm khoa học LANM và tác động đến các ngành công nghệ, truyền thông và nội dung số: Đánh giá và kiến nghị chính sách do Viện Chính sách và Phát triển truyền thông -- Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra chiều qua (21/11)

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, dự thảo Luật An ninh mạng (LANM) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV vừa qua và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5, diễn ra vào tháng 5/2018 tới.

Doanh nghiệp lo ngại nhiều vấn đề phát sinh từ Luật An ninh mạng ảnh 1Ông Nguyễn Minh Hồng -- Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT. Ảnh: Bùi Phú.

Gồm 8 chương với 55 điều, dự thảo 14 của LANM quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng áp dụng của Luật này là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động trên không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đề nghị các đại biểu tham gia Toạ đàm làm rõ được khái niệm “an ninh mạng”, bởi có một số ý kiến còn cho rằng nội hàm khái niệm này trong LANM vẫn chồng lấn với một số khái niệm khá gần khác như an toàn thông tin, an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin, an toàn mạng; chỉ ra được những nội dung còn trùng lặp hoặc chồng chéo, mâu thuẫn với Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2015; đồng thời xem xét đến tính thực thi của các quy định trong dự thảo LANM, nhất là những quy định mới.

Trong tham luận về nghiên cứu “Khuôn khổ pháp lý an ninh mạng của Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Đồng - đại diện nhóm nghiên cứu Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) cho biết, dự thảo LANM vừa được trình Quốc hội phê duyệt đã thu hút sự quan tâm, tranh luận, phản biện của không chỉ giới chuyên gia, báo chí mà cả cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, nội dung số cũng rất quan tâm đến những vấn đề được đề cập trong dự thảo.
Doanh nghiệp lo ngại nhiều vấn đề phát sinh từ Luật An ninh mạng ảnh 2Ông Nguyễn Quang Đồng công bố kết quả nghiên cứu Viện Chính sách và Phát triển truyền thông. Ảnh: Bùi Phú.

Dẫn lại những vấn đề thực tế mà Luật An toàn thông tin mạng (LATTTM) gặp phải khi vừa công bố hơn 2 năm trước và nay vừa có thêm dự thảo LANM, ông Đồng nhấn mạnh: "Cộng đồng doanh nghiệp, những người trực tiếp làm về công nghệ, truyền thông, nội dung số rất quan tâm việc có trùng lặp gì không giữa dự thảo LANM với LATTTM và sẽ tác động đến doanh nghiệp họ như thế nào”.

Vị đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho biết, quá trình tiến hành khảo sát, đánh giá, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và thực hiện rà soát lại quy định của các luật, ông và đồng sự nhận thấy, Dự thảo LANM có thể sẽ gây một số khó khăn về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, truyền thông, công nghệ.

Một trong những quy định khiến doanh nghiệp lo ngại nhiều, đó là Điều 16 dự thảo LANM quy định “Đánh giá hợp chuẩn, hợp quy về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”. Theo ông Đồng, doanh nghiệp lo ngại hiện trong LATTTM đã có những quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; giờ dự thảo LANM lại có thêm các yêu cầu về hợp chuẩn, hợp quy. Vậy doanh nghiệp sẽ phải theo quy định nào? Đầu mối thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo LATTTM được giao về cho Bộ TT&TT. Trong khi ở dự thảo LANM, đầu mối chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy về an ninh mạng là Bộ Công an. Các doanh nghiệp lo lắng rằng liệu họ sẽ gặp vấn đề gì trong quá trình làm thủ tục hành chính, họ sẽ phải liên hệ với đầu mối nào để được giải quyết. Và giả sử khi các đầu mối có những xung đột ý kiến với nhau thì sẽ theo hướng dẫn từ cơ quan, đơn vị nào.

Doanh nghiệp lo ngại nhiều vấn đề phát sinh từ Luật An ninh mạng ảnh 3Kết quả nghiên cứu của Viện Chính sách và Phát triển truyền thông thu hút sự quan tâm của các đại biểu có mặt tại buổi Toạ đàm. Ảnh: Bùi Phú

"Có một số trùng lặp giữa quy định tại dự thảo LANM với LATTTM đã được Quốc hội ban hành năm 2015, cũng như các đầu mối cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan; tính thiếu rõ ràng và rủi ro trong pháp quyền cả với doanh nghiệp và người dùng; một số các quy định tại dự thảo LANM theo doanh nghiệp phản ánh là gần như bất khả thi; và một số lỗ hổng an toàn thông tin cá nhân trong hệ thống luật hiện nay", ông Đồng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Đồng cũng điểm ra một số điểm trùng lặp khác giữa dự thảo LANM với Luật ATTTM theo kết quả rà soát, so sánh được nhóm nghiên cứu thực hiện như: định nghĩa, phạm vi điều chỉnh, điều kiện kinh doanh, ứng cứu sự cố toàn thông tin mạng…

Đồng tình với các lập luận và kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Phát triển truyền thông, một đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp cho rằng, LANM không chỉ có nhiều điểm trùng lặp với LATTTM mà còn có phần chồng lấn với Luật Cơ yếu, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Trẻ em,… Cùng với đó, có nhiều đại biểu đặt vấn đề đề xuất tích hợp 2 bộ luật này thành một bộ luật duy nhất cho nhất quán và dễ áp dụng.

Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật, ông Lê Doãn Hợp -- Chủ tịch Danh dự của Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, thời nay, khoa học công nghệ đang tiến ngoạn mục, ngoài sức tưởng tượng của con người. Trước thực tế đó, luật phải bám sát cuộc sống. Nhà nước nào cũng vậy, đều cần ra luật để quản lý, nhưng đều cần phải tạo điều kiện cho sự phát triển chung của xã hội.

Ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: Ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: "LANM nên nghiêng về quản lý nội dung, chứ không nên nghiêng về quản lý công nghệ". Ảnh: Bùi Phú

Ông thẳng thắn đánh giá: "Dự thảo LANM quá dài, có tới 55 điều, 48 trang, trùng lặp cũng nhiều, dàn trải, dù những người làm luật hết sức công phu" và góp ý: "LANM nên nghiêng về quản lý nội dung, chứ không nên nghiêng về quản lý công nghệ".

Ông đề nghị tất cả phải vì sự phát triển, Ban soạn thảo nên nghe kỹ ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn của doanh nghiệp nếu Luật được thông qua và đi vào thực hiện. Có như vậy, luật mới bám sát cuộc sống.

"Làm luật để phát triển tốt hơn, chứ không nên làm luật để dễ quản lý hơn mà phát triển khó hơn", Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thẳng thắn.

Cùng có chung lo ngại về sự phát triển của xã hội nói chung nhưng từ góc nhìn phản biện, PGS. TS Võ Trí Hảo cho rằng: "Nên đổi tên Dự thảo thành "Luật An ninh quốc gia trên mạng" như một số tác giả đã từng đề xuất và Luật này tập trung bảo vệ lợi ích công (public interest) chống lại việc lọt lộ bí mật nhà nước, loại trừ các mối nguy an ninh quốc gia, ngăn chặn chặn các cuộc tấn công ác ý vào cơ sở hạ tầng thông tin của nhà nước, vào hệ thống thông tin lõi".

Cũng theo ông Võ Trí Hảo, các lợi ích tư khác, việc cung cấp các dịch vụ mạng mang tính chất thương mại khác cần tách riêng ban hành trong một văn bản khác, để tránh việc áp dụng lẫn lộn các nguyên tắc của luật công đối với các lĩnh vực tư, vốn có thể giải quyết hiệu quả hơn bằng sự tẩy chay của khách hàng, hiệu quả của bàn tay vô hình của nền kinh tế thị trường, bảo đảm sự tự do, năng động cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.