Đoàn 2.200 bác sĩ miền Bắc giải “cơn khát” nhân lực điều trị cho vùng dịch TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Được biết, nhiều người trong số 2.200 bác sĩ này vừa từ Bắc Giang, Bắc Ninh trở về, 1.000 sinh viên khác cũng được tập huấn chuyên môn trở thành lực lượng "dự bị sẵn sàng" chi viện TP.HCM.
 Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19. Ảnh: Hồ Xuân Mai
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch COVID-19. Ảnh: Hồ Xuân Mai

Tính từ sáng cho đến trưa nay, ngày 13/7, TP.HCM đã có thêm 1.251 bệnh nhân. Tổng số ca bệnh tích luỹ từ trong đợt bùng phát lần này đã lên tới trên 16.000 ca bệnh.

Theo BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, số lượng F0 ở TP.HCM vẫn đang tiếp tục tăng mạnh những ngày này. Vì vậy, nhân lực cần thiết cho khâu điều trị COVID-19 cũng tăng theo cấp số nhân.

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, đoàn hơn 2.200 sinh viên, giảng viên thuộc 8 trường ĐH Y khoa phía Bắc đã sẵn sàng chi viện miền Nam chống dịch.

Đến nay, chỉ tính riêng 8 trường đại học y khoa phía Bắc thuộc Bộ Y tế, đã có hơn 2.200 sinh viên, cán bộ, giảng viên đủ điều kiện lên đường. Ngoài ra, 1.000 sinh viên cũng đang được tập huấn, đào tạo chuyên môn trở thành lực lượng "dự bị sẵn sàng" khi có yêu cầu.

Trường Đại học Y tế công cộng đoàn gồm 120 giảng viên, cán bộ từ các khoa Y học cơ sở, Khoa học cơ bản và một số khoa phòng cùng 125 sinh viên đã đăng ký sẵn sàng lên đường.

Đại học Y Dược Hải Phòng huy động 360 thành viên gồm gần 30 giảng viên, cán bộ và hơn 330 sinh viên. Đại học Điều dưỡng Nam Định huy động 300 cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Hơn 300 cán bộ Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã vào TP.HCM và hiện tại vẫn đang tiếp tục hỗ trợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm

Hơn 300 cán bộ Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã vào TP.HCM và hiện tại vẫn đang tiếp tục hỗ trợ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm

Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cung cấp 250 người, gồm 11 giảng viên, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện) và sinh viên. Trong số hơn 230 sinh viên năm 4-5-6, có nhiều sinh viên là nòng cốt từ đội tình nguyện đi chống dịch ở Bắc Giang trong việc lấy mẫu xét nghiệm.

Đại học Y Dược Thái Nguyên huy động 300 thành viên,gồm 16 cán bộ và 284 học viên, sinh viên từ các khoa Bác sĩ Đa khoa, cử nhân xét nghiệm, cử nhân điều dưỡng, bác sĩ y học dự phòng. Trong số này có 100 cán bộ, sinh viên vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch trở về.

Được biết, ngoài lực lượng 300 người này, Đại học Y Dược Thái Nguyên đã tập huấn chuyên môn cho thêm 700 cán bộ, học viên, sinh viên là lực lượng dự bị, sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu.

Trước đó, 319 sinh viên, cán bộ Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã vào TP.HCM và hiện tại vẫn đang tiếp tục hỗ trợ TP.HCM thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, làm xét nghiệm kháng nguyên bằng test nhanh, xét nghiệm Realtime RT-PCR và hỗ trợ một số công việc khác tại cơ sở y tế địa phương.

Việc nhập liệu được thực hiện ngay tại hiện trường để đáp ứng kịp thời công tác xét nghiệm, trả kết quả chỉ trong vòng 15- 25 phút
Việc nhập liệu được thực hiện ngay tại hiện trường để đáp ứng kịp thời công tác xét nghiệm, trả kết quả chỉ trong vòng 15- 25 phút

Trường Đại học Y Dược Thái Bình huy động 350 sinh viên, giảng viên đã đầy đủ điều kiện và sẵn sàng lên đường. Ngoài ra còn có 150 thành viên khác đã trong trạng thái "dự bị sẵn sàng".

Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã tập huấn, chuẩn bị 500 sinh viên để lên đường hỗ trợ, chi viện TP.HCM.

Rất nhiều thành viên trong đoàn đã có kinh nghiệm phòng chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Dù vậy, tất cả vẫn tiếp tục được đào tạo, tập huấn lại về chuyên môn, từ việc nhỏ nhất như cách đeo và tháo khẩu trang, mặc trang phục bảo hộ, cách lấy mẫu xét nghiệm hay nhập liệu, truy vết… Theo kế hoạch, các nhân sự tham gia đoàn hỗ trợ miền Nam đều được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi và tiến hành xét nghiệm Realtime RT-PCR trước khi lên đường 1 ngày.

Được biết, đoàn nằm trong kế hoạch Bộ Y tế huy động đội ngũ chuyên môn gần 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và các địa phương khu vực miền Bắc, miền Trung chi viện, hỗ trợ y tế TP.HCM chống dịch. Đồng thời, số lượng lớn cán bộ này cũng nhằm thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển) để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại TP.HCM.