Tin tức

Do tác động của chiến tranh thương mại, viễn cảnh kinh tế Trung Quốc trở nên bi quan

VietTimes -- Cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ liên tiếp leo thang ngày càng gây tác động xấu đến kinh tế Trung Quốc: ngoài các công ty nước ngoài, các công ty tư nhân Trung Quốc cũng tìm cách rời khỏi Trung Quốc; các nhà đầu tư chứng khoán đua nhau tháo chạy... Các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng chậm lại.
Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc lo ngại do chiến tranh thương mại leo thang, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc lo ngại do chiến tranh thương mại leo thang, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Samsung sắp đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Trung Quốc

Theo Nhật báo Châu Á (Aju Business Daily) của Hàn Quốc ngày 5/6, Tập đoàn điện tử Samsung gần đây đã khởi động việc cắt giảm số công nhân tại nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng ở Trung Quốc. Phương án bồi thường cắt giảm lao động của Nhà máy Samsung Huệ Châu cho biết sẽ thực hiện trên cơ sở tự nguyện, việc đăng ký thôi việc sẽ kết thúc vào ngày 14/6.

Samsung Huệ Châu được thành lập năm 1992, là công ty chung vốn do Tập đoàn Samsung nắm giữ đa số cổ phần và cũng là nhà máy cuối cùng của Samsung ở Trung Quốc, có 5 ngàn công nhân; hiện chưa rõ quy mô cắt giảm lao động lần này của nhà máy. Trước đây, Samsung có 3 nhà máy sản xuất điện thoại ở Trung Quốc, nhưng 2 nhà máy ở Thiên Tân và Thâm Quyến đã lần lượt đóng cửa năm 2018. Nhà máy ở Thâm Quyến đóng cửa tháng 4/2018; nhà máy ở Thiên Tân chính thức ngừng sản xuất ngày 31/12/2018, hơn 2.600 công nhân phải nghỉ việc hoặc chuyển chỗ làm.

Tập đoàn Samsung sẽ đóng cửa nột nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng ở Trung Quốc để tránh mức thuế suất 25% của Mỹ. Ảnh: Nhà máy Samsung Thiên Tân đã đóng cửa ngày 31/12/2018.
Tập đoàn Samsung sẽ đóng cửa nột nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng ở Trung Quốc để tránh mức thuế suất 25% của Mỹ. Ảnh: Nhà máy Samsung Thiên Tân đã đóng cửa ngày 31/12/2018.

Trên thực tế, 5 năm trước đây, Samsung chiếm gần 20% thị trường điện thoại Trung Quốc, nhưng hiện nay chỉ còn chiếm 1%. Samsung cũng đã điều chỉnh lại bố cục, hướng trọng điểm vào thị trường Đông Nam Á. Bắt đầu từ 2008, trong vòng 10 năm, Samsung đầu tư vào Việt Nam đã tăng  từ 630 triệu USD lên 17.3 tỷ USD, xây dựng 8 nhà máy tại đây. 2 năm gần đây, công ty Samsung Việt Nam chiếm tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tại Ấn Độ. Samsung đã xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất toàn cầu của họ với công suất 120 triệu điện thoại/năm. Theo mạng Tài Tân, các công nhân nhà máy Samsung Huệ Châu cho biết nhà máy sẽ đóng cửa vào tháng 9/2019, các dây chuyền sản xuất sẽ được tháo dỡ đưa sang Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là để tránh mức thuế 25% khi xuất khẩu sang Mỹ.

Những năm gần đây, giá thành sản xuất tại Trung Quốc Đại Lục không ngừng tăng lên; cộng thêm việc sau khi cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ bùng nổ, Mỹ lần lượt đánh thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và từ trung tuần tháng 5 lại khởi động trình tự thu thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Để hạ thấp giá thành sản xuất và tránh mức thuế rất cao của Mỹ, các công ty nước ngoài ở Trung Quốc tới tấp di chuyển các dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Theo kết quả điều tra của Hiệp hội kinh doanh Mỹ tại Trung Quốc (American Chamber of Commerce in China, Amchamchina) công bố hôm 22/5 thì có tới 40,7% số công ty Mỹ ở Trung Quốc đã hoặc đang xem xét di chuyển các cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc. Trước đó có tin 400 công ty vốn của Mỹ tuyên bố di chuyển dần khỏi Trung Quốc; Apple cũng sẽ di chuyển một dây chuyền sản xuất Iphone cao cấp tới Ấn Độ.

Trước viễn cảnh Mỹ tăng thuế suất với hàng Trung Quốc nhập khẩu, nhiều công ty tư nhân Trung Quốc đứng trước lựa chọn hoặc di dời ra nước ngoài hoặc đóng cửa
Trước viễn cảnh Mỹ tăng thuế suất với hàng Trung Quốc nhập khẩu, nhiều công ty tư nhân Trung Quốc đứng trước lựa chọn hoặc di dời ra nước ngoài hoặc đóng cửa

Các công ty tư nhân Trung Quốc cũng muốn chạy đi

Cuộc chiến mậu dịch cũng tác động mạnh tới các công ty tư nhân (Trung Quốc gọi là xí nghiệp dân doanh); đặc biệt là những công ty ở các thành phố ven biển lấy xuất khẩu là nghiệp vụ chính và những công ty sống nhờ xuất hàng sang Mỹ.

Ông Trần, chủ một công ty may thời trang ở Chiết Giang hôm 5/6 cho báo chí biết, trước việc Mỹ nâng cao mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, ông dự định chuyển nhà máy sang Việt Nam hoặc đóng cửa.

Ông Hoàng Vĩ Minh, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Lenovo hôm 23/5 cũng nói: nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế, Lenovo có thể chuyển dây chuyền sản xuất tới các nước khác. Ông nói: “Lenovo đã chuẩn bị sẵn các biện pháp ứng phó với việc Mỹ tăng thuế. Lenovo có các nhà máy ở khắp thế giới nên có năng lực di chuyển các dây chuyền sản xuất tới các nơi ngoài Trung Quốc để tránh bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế”.

Các công ty tư nhân chạy ra nước ngoài có thể liên quan đến việc lợi nhuận của họ bị giảm. Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia, 2 năm qua lợi nhuận của các công ty tư nhân đã bị giảm mạnh. Năm 2017 tổng số 222.473 công ty tư nhân quy mô loại vừa trở lên có mức lợi nhuận bình quân là 10,68 triệu NDT/năm, cơ bản tương đương các năm trước; nhưng đến năm 2018 tổng số 220.628 công ty lợi nhuận bình quân đã giảm mạnh chỉ còn 7,77 triệu NDT, mức giảm tới 27%. Sang năm 2019, trong 4 tháng đầu năm 215.564 công ty lợi nhuận bình quân chỉ còn 2,13 triệu NDT (cùng kỳ năm 2018 là 2,7 triệu), tính ra mức độ giảm là 21%. Có ý kiến dự đoán, cứ đà giảm sút lợi nhuận như thế này thì trong 5 năm tới sẽ xuất hiện cục diện các công ty tư nhân sụp đổ hàng loạt.

Ngày càng có nhiều triệu phú Trung Quốc di cư hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài dưới dạng đầu tư
Ngày càng có nhiều triệu phú Trung Quốc di cư hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài dưới dạng đầu tư

Ông Trần Đồng Huy, nhà đầu tư chính của Công ty cổ phần quản lý tài sản Thiên Cốc Thâm Quyến cũng có quan điểm như thế. Hôm 2/6 ông viết trên trang weibo cá nhân: “Nếu lợi nhuận của các công ty tư nhân cứ trượt dốc theo mức 20%/năm như thế này thì đó là cục diện gãy lưng”. Ông Huy cho rằng, các công ty tư nhân dần mất đi năng lực doanh lợi là vấn đề lớn nhất của kinh tế Trung Quốc; giúp các công ty tư nhân kiếm được tiền là xuất phát điểm cần thiết của mọi chính sách kinh tế.

Có một thực tế là dòng vốn ở Trung Quốc đang “chảy mạnh” ra nước ngoài. Số liệu cho thấy chỉ 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã tiếp nhận 100,7 tỷ NDT vốn đầu tư của các công ty nước ngoài, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Global Wealth Migration Review 2019, năm 2018 đã có 15 ngàn triệu phú Trung Quốc di cư ra nước ngoài, đứng đầu thế giới. Ngoài ra ngày càng có nhiều nhà giàu Trung Quốc di chuyển tài sản bằng cách trợ giúp người thân ở nước ngoài đầu tư.

Các tổ chức tài chính quốc tế dự báo bi quan về kinh tế Trung Quốc

Hôm 5/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo của họ về sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 và 2020, từ 6,3 và 6,1% xuống mức 6,2 và 6,0%; năm 2024 chỉ còn mức 5,5%.

Ông Kenneth Kang, Vụ phó Vụ châu Á – Thái Bình Dương của IMF 2 tuần vừa qua đã dẫn đầu đoàn tới Trung Quốc khảo sát, hôm 5/6 đã nói với đài CNBC: “Cục diện căng thẳng mậu dịch Trung – Mỹ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Trung Quốc”. Ông nói: “Cục diện căng thẳng mậu dịch là nguồn quan trọng mang tính không xác định, cũng là nguyên nhân khiến chúng tôi dự đoán những rủi ro trong tương lai...nhưng tôi cho rằng cần quan sát thêm mấy tháng nữa”.

Ông Kenneth Kang: “Cục diện căng thẳng mậu dịch Trung – Mỹ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Trung Quốc”.
Ông Kenneth Kang: “Cục diện căng thẳng mậu dịch Trung – Mỹ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Trung Quốc”.

Kenneth Kang nói thêm: “Trong tình hình quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng, vấn đề việc làm của Trung Quốc đã trở nên đình trệ. Chúng tôi khuyến khích chính quyền Trung Quốc cần dựa nhiều hơn vào cơ chế thị trường chứ không phải sử dụng các biện pháp hành chính để nâng cao hiệu suất, như thế mới giúp cho đầu tư tiếp tục phát triển”.

Công ty dịch vụ tài chính hàng đầu Mỹ Morgan Stanley hôm 4/6 cũng đưa ra báo cáo dự đoán và cũng điều chỉnh hạ mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay từ 6,5% xuống 6,4%. Bản báo cáo nói, cục diện căng thẳng mậu dịch Trung – Mỹ tái xuất hiện đã giết chết viễn cảnh phục hồi tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm nay và viết: “Chúng tôi dự đoán năm nay sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị đình trệ. Do cục diện căng thẳng mậu dịch Mỹ - Trung vẫn đang leo thang, rủi ro toàn cầu vẫn đang hiển hiện ngày càng rõ”.

Quý I năm 2019, thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sắc với nguồn vốn đầu tư lớn từ bên ngoài đổ vào; nhưng 2 tháng qua tình thế đột nhiên thay đổi. Đầu tháng 5 khi cuộc chiến mậu dịch leo thang, hai bên tăng thuế đối với hàng hóa của nhau và áp dụng các biện pháp trừng phạt qua lại khiến các nhà đầu tư ngày càng căng thẳng. Bà Vương Doanh (Laura Wang), nhà phân tích thị trường Trung Quốc của Morgan Stanley bày tỏ: “Các nhà đầu tư trong nước Trung Quốc lo ngại liệu các nhà đầu tư nước ngoài có phải đang rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc”. Ông Chu Ninh, CEO Công ty quản lý đầu tư Mịch Xác Thượng Hải cho rằng cuộc chiến mậu dịch và tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân Tệ với đồng USD có khả năng xuống đến mức “phá 7” (tức 7NDT đổi 1 USD) là nhân tố thúc đẩy dòng vốn nước ngoài chảy đi.

Bà Laura Wang: “Các nhà đầu tư trong nước Trung Quốc lo ngại liệu các nhà đầu tư nước ngoài có phải đang rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc”
Bà Laura Wang: “Các nhà đầu tư trong nước Trung Quốc lo ngại liệu các nhà đầu tư nước ngoài có phải đang rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc”

Theo Financial Times đưa tin, căn cứ vào tư liệu của Công ty dữ liệu kinh tế Hongkong CEIC và Morgan Stanley của Mỹ thì trong 2 tháng 4 và 5, số vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc lên tới 12 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Ngày 4/6, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã đưa ra báo cáo mới nhất,dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ từ mức 6,6% năm 2018 giảm xuống 6,2% trong năm 2019, năm 2020 còn 6,1%; nguyên nhân chủ yếu là do ngành chế tạo trong nước và mậu dịch trong tình trạng “đi ngược gió”.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra rằng, mức nợ của các ngành phi tài chính khá cao, các công ty năng lực doanh lợi yếu mắc nợ cao là một vấn đề. Ngoài ra, xu thế tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn rất yếu, dự báo sẽ thấp hơn mức 2,6% như dự đoán trước đây, tăng trưởng mậu dịch dự đoán sẽ yếu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.