Đô đốc Trung Quốc dùng lời lẽ cứng rắn khi nói chuyện với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ

VietTimes -- Đa Chiều, tờ báo tiếng Trung có trụ sở ở Mỹ ngày 19/7 cho hay khi hội kiến với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson vào ngày 18/7, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã dùng những lời lẽ tỏ vẻ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông.
Từ ngày 17 đến ngày 19/7/2016, Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ thăm Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều.
Từ ngày 17 đến ngày 19/7/2016, Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ thăm Trung Quốc. Ảnh: Đa Chiều.

Ngô Thắng Lợi ngang nhiên tuyên bố, Trung Quốc sẽ không hy sinh cái gọi là “quyền lợi chủ quyền Biển Đông”, coi đó là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc; đồng thời đe dọa “Hải quân Trung Quốc đã chuẩn bị tốt và đầy đủ để ứng phó với bất cứ sự khiêu khích nào xâm phạm cái gọi là "chủ quyền" như Bắc Kinh tuyên bố.

Ngô Thắng Lợi còn ngang nhiêu cho biết Trung Quốc sẽ "tuyệt đối không bỏ dở việc xây dựng đảo, đá (phi pháp)" và  "Trung Quốc sẽ thúc đẩy và hoàn thành xây dựng đảo, đá (phi pháp) theo kế hoạch”.

Phát biểu của Ngô Thắng Lợi cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới tranh chấp Biển Đông; Trung Quốc có khả năng tiếp tục các hoạt động xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

Hơn nữa, Cục Hải sự Trung Quốc ngày 18/7 thông báo, Hải quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc tập trận mới trong thời gian 3 ngày (từ ngày 19 đến ngày 21/7/2016) ở vùng biển đông nam đảo Hải Nam. 

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố tập trận ở Biển Đông sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, đồng thời là lần thứ hai Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận ở Biển Đông trong vòng một tháng qua.

Máy bay ném bom H-6K Không quân Trung Quốc
Máy bay ném bom H-6K Không quân Trung Quốc "tuần tra chiến đấu" bất hợp pháp trên Biển Đông. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Cuộc tập trận trước diễn ra trong vòng 1 tuần (từ ngày 5 đến ngày 11/7/2016) ngay trước thềm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra phán quyết. Hoạt động tập trận này diễn ra ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Trong thời điểm này, Trung Quốc liên tiếp tổ chức tập trận trên Biển Đông, dư luận quốc tế nhận định, Trung Quốc đang dùng vũ lực (tập trận) để nhấn mạnh "chủ quyền" và đe dọa Mỹ cũng như các nước xung quanh Biển Đông.

Ngoài ra, cũng trong ngày 18/7, người phát ngôn Không quân Trung Quốc, Thân Tiến Khoa cho biết, gần đây, Không quân Trung Quốc đã tiến hành "tuần tra chiến đấu" (bất hợp pháp) ở Biển Đông, trong đó có bãi cạn Scarborough. 

Trong tương lai, hoạt động "tuần tra" này sẽ tiến hành thường xuyên và mục tiêu "tuần tra" sẽ là tất cả các đảo, đá trên Biển Đông theo yêu sách của Trung Quốc. 

Tàu hộ vệ Lô Châu số hiệu 592 Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc bắn tên lửa chống hạm trong cuộc diễn tập bắn đạn thật của ba hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc tại vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Chinanews.
Tàu hộ vệ Lô Châu số hiệu 592 Type 056 Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc bắn tên lửa chống hạm trong cuộc diễn tập bắn đạn thật phi pháp của ba hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc tại vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Chinanews.

Tham gia "tuần tra" lần này có máy bay ném bom (H-6K), máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát, máy bay tiếp dầu. Như vậy, Không quân Trung Quốc đã điều tất cả các loại máy bay chủ lực hiện có để khoe cơ bắp trên Biển Đông.

Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh "tuần tra" bãi cạn Scarborough có nghĩa là họ đã mở rộng bán kính "tuần tra" ở đá Chữ Thập, đá Vành Khăn (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời họ sẽ tiến hành "tuần tra thường xuyên". Đây là những hoạt động bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

Đa Chiều cho rằng, một loạt hoạt động này của Không quân Trung Quốc chỉ là một phần của các hành động mà Trung Quốc triển khai sau phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague.

Ngày 12/7, Trung Quốc đã "hoàn thành kiểm tra bay thử" (bất hợp pháp) ở đá Vành Khăn và đá Xu Bi, cho thấy Trung Quốc đã có khả năng triển khai bất hợp pháp các loại máy bay ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam).

Ngày 14/7, nhà máy hạt nhân nổi trên biển đầu tiên của Trung Quốc được tiến hành lắp ráp hoàn chỉnh ở Công ty TNHH Công nghiệp nặng Tàu thủy Bột Hải - Tập đoàn Công nghiệp nặng Tàu thủy Trung Quốc (CSIC). 

Trong tương lai, CSIC sẽ chế tạo gần 20 nhà máy hạt nhân trên biển. Khả năng thi công công trình, khả năng phòng vệ quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tăng mạnh. Đây cũng là cơ sở để Ngô Thắng Lợi mạnh miệng tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục bồi đắp, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp).

Các hành động của Quân đội Trung Quốc ở Biển Đông và chuyến thăm Trung Quốc của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ được sắp xếp cùng một ngày chắc chắn không phải là sự trùng hợp. 

Trước khi Tòa trọng tài công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines, có tờ báo tiết lộ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cho biết Mỹ và Trung Quốc đều cam kết sẽ kiềm chế.
 
Nhưng, từ việc Ngô Thắng Lợi tỏ thái độ Trung Quốc sẽ không chấm dứt bồi đắp, xây đảo nhân tạo và Quân đội Trung Quốc liên tiếp khoe cơ bắp ở Biển Đông cho thấy tư thế của Trung Quốc hoàn toàn không kiềm chế.

Sáng ngày 12/7/2016, Trung Quốc tổ chức lễ biên chế tàu khu trục tên lửa Ngân Xuyên số hiệu 175 Type 052D cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Sáng ngày 12/7/2016, Trung Quốc tổ chức lễ biên chế tàu khu trục tên lửa Ngân Xuyên số hiệu 175 Type 052D cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Đa Chiều cho rằng nguyên nhân chính là các hành động của Mỹ đã kích thích Trung Quốc. Cụm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan Mỹ ngày 13/7 đã tiến hành tuần tra, huấn luyện bay và bắn đạn thật trên Biển Đông, đồng thời Mỹ còn triển khai biên đội 3 tàu khu trục thuộc cụm mặt nước hạm đội thứ ba trên Biển Đông. 

Cùng ngày, Mỹ đã lấy tư cách quan sát viên để tham gia cuộc tập trận giữa Nhật Bản và Philippines. Mỹ còn nhấn mạnh sẽ tiếp tục triển khai đi lại tự do ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng kết quả phán quyết của Tòa trọng tài, thậm chí có quan chức cấp cao Mỹ cho biết Biển Đông là “lợi ích quốc gia cao nhất” của Mỹ.

Mỹ đã triển khai hành động mạnh mẽ. Việc Trung Quốc liên tiếp triển khai hành động trong thời điểm này chính là một loại “phản ứng quyết liệt” đối với Mỹ.

Sau khi có kết quả phán quyết của Tòa trọng tài, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia và EU đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết. 

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ chính là một phần của chiến lược thăm dò nhằm mục địch xem rõ phát quyết của Tòa trọng tài ảnh hưởng thế nào đối với Trung Quốc, đồng thời làm rõ “giới hạn” của Trung Quốc, xem Trung Quốc có "cúi đầu" hay không.

Nhìn vào một loạt hành động của Trung Quốc và phát biểu của Ngô Thắng Lợi cho thấy Trung Quốc sẽ không nhượng bộ ở Biển Đông, có thể tiến hành "đáp trả cứng rắn" đối với các sức ép quốc tế - Đa Chiều nhận định.