|
Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Ảnh: Borneo Today |
Mỹ và Ấn Độ chia sẻ tình báo
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 20 tháng 1 dẫn báo Mỹ cho hay Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris ngày 18 tháng 1 cho biết, Hải quân Mỹ và Ấn Độ định kỳ chia sẻ tin tức tình báo, chia sẻ tình hình hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Ông cho rằng Ấn Độ nên lo ngại vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.
Ngày 18 tháng 1, Đô đốc Harry Harris tiết lộ với tờ Indian Express rằng Mỹ và Ấn Độ đang tăng cường hợp tác, Mỹ đang giúp Ấn Độ nâng cao khả năng trên phương diện này. Hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là một vấn đề lớn.
Trên phương diện tăng cường hợp tác giám sát chung, Đô đốc Harry Harris đã nhấn mạnh tính cần thiết của việc quân đội hai nước Mỹ và Ấn Độ ký kết 3 thỏa thuận quan trọng, bao gồm "Thỏa thuận an ninh và tích hợp thông tin", "Thỏa thuận ghi nhớ trao đổi hậu cần" và "Thỏa thuận hợp tác dịch vụ và tình báo khu vực".
Ông Harry Harris chỉ ra, Mỹ và Ấn Độ đã ký kết 3 thỏa thuận này, giúp cho hai nước có thể chia sẻ tin tức tình báo, bảo đảm chia sẻ số liệu của khu vực.
Những năm gần đây, hợp tác quân sự Mỹ - Ấn không ngừng mở rộng. Tháng 6 năm 2016, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận chung "Malabar-2016" ở Tây Thái Bình Dương, gây sự chú ý hơn của dư luận quốc tế.
Trung Quốc sẽ bán 3 tàu ngầm cho Thái Lan
Hiện nay, Ấn Độ và Trung Quốc tích cực cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á, trong đó có lĩnh vực quốc phòng - quân sự. Chiến lược của hai nước phần nào có sự "va chạm" với nhau.
Theo tờ Jane's Defense Weekly Anh ngày 17 tháng 1, Hải quân Hoàng gia Thái Lan có kế hoạch tiếp nhận 3 tàu ngầm thông thường trước năm 2026, hiện đang trình kế hoạch lên nội các. Theo thông tin trước đó, tàu ngầm sẽ do Trung Quốc sản xuất.
Tháng 7 năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho biết sẽ mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc, trị giá khoảng 1 tỷ USD. Chuyên gia cho rằng, tàu ngầm mua sắm có thể là tàu ngầm S-26T, phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Nguyên Trung Quốc.
Tướng Prawit Wongsuwan cho rằng chỉ tiêu kỹ thuật của tàu ngầm Trung Quốc rất tốt, Hải quân Thái Lan trước đó đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu tàu ngầm Trung Quốc, từ năm 2008 - 2009 đã đưa ra kế hoạch mua sắm tàu ngầm Trung Quốc.
Theo kế hoạch, tiền mua chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc sẽ được thực hiện trong ngân sách quốc phòng năm 2017, tiền mua 2 chiếc còn lại sẽ giao cho Trung Quốc trong giai đoạn 2021 - 2022, công tác chế tạo có thể kéo dài đến năm 2027.
Hải quân Thái Lan cho biết chi phí mua sắm chiếc tàu ngầm S-26T đầu tiên sẽ là 13,5 tỷ Baht (khoảng 430 triệu USD), bao gồm tàu ngầm và hệ thống vũ khí, linh kiện, thiết bị, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hoạt động bàn giao, thủ tục hải quan. Tổng trị giá 3 tàu ngầm sẽ khoảng 1,12 tỷ USD.
Trung Quốc từng trưng bày mô hình tàu ngầm S-20 ở triển lãm quốc phòng quốc tế. Tàu ngầm S-26T cơ bản tương tự tàu ngầm S-20, lượng giãn nước khi lặn khoảng 2.000 tấn, tốc độ lớn nhất là 18 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục là 8.000 hải lý, đã trang bị 6 ống phóng ngư lôi, có thể phóng ngư lôi và tên lửa chống hạm, có khả năng săn ngầm và chống hạm mạnh, cũng có thể trang bị hệ thống AIP.
Trung Quốc và Thái Lan đã tiến hành hợp tác hải quân từ lâu, không thiếu tàu chiến chủ lực của Hải quân Thái Lan do "Trung Quốc chế tạo" như 4 tàu hộ vệ Type 053HT, 2 tàu hộ vệ lớp Naresuan, 2 tàu tuần tra Pattani.