Độ bụi mịn tăng mạnh, Hà Nội làm gì để ngăn chặn?

Những ngày này, nồng độ bụi mịn ở Hà Nội đang ở mức rất cao, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân Thủ đô. Vậy, Thành phố có thể làm gì trước tình trạng này?

Biết rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó hình thái thời tiết ảnh hưởng khá lớn, tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phó mặc cho thời tiết mà không có hành động gì.

Hãy thử nhìn vào một quốc gia khác xem họ ứng xử thế nào với vấn đề ô nhiễm không khí.

Tại Hàn Quốc, nếu tỷ lệ hạt bụi mịn ở mức nguy hiểm, người dân thành phố chịu ảnh hưởng sẽ được nghỉ làm, nghỉ học. Các phương tiện sẽ bị hạn chế lưu thông vào khu vực trung tâm.

Cụ thể, Bộ Môi trường Hàn Quốc dựa theo thang đo ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 và chia các biện pháp xử lý theo 4 mức độ ô nhiễm khác nhau.

Mức lo ngại là khi chỉ số bụi mịn đạt 50 microgam trên mét khối. Ở mức này, sẽ giảm giờ làm việc tại các công trường xây dựng, nhà máy khu vực ô nhiễm.

Mức thận trọng được ban bố khi bụi mịn chạm ngưỡng 75 trong cả ngày hôm sau. Ở mức độ này, trẻ em, người cao tuổi sẽ được phát khẩu trang cản bụi.

Mức cảnh báo là khi chỉ số PM 2.5 đạt 150 microgam trên mét khối, xe hơi cá nhân được khuyến khích luân phiên hoạt động theo ngày, để giảm lượng phương tiện lưu thông trong thành phố.

Mức nghiêm trọng là mức độ ô nhiễm cao nhất, nồng độ PM 2.5 đạt từ 200 micrograms trên mét khối trở lên. Tất cả phương tiện cá nhân buộc phải hoạt động theo cơ chế luân phiên ngày nghỉ. Học sinh được nghỉ học và người lao động được nghỉ làm.

Hàn Quốc cũng giảm quy mô hoặc đình chỉ hoạt động của 27 nhà máy nhiệt điện trên cả nước, siết chặt quy định đốt rác thải tại vùng nông thôn hay sử dụng các xe phun nước rửa đường tại những khu vực gần trường học, bệnh viện.

Đơn cử như ngày 11/12, khi chỉ số bụi mịn vượt con số 70, chính quyền thành phố Seul đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đặc biệt, Thành phố khuyến cáo, trẻ em và phụ nữ mang thai, những người có vấn đề về hô hấp hoặc tim mạch nên hạn chế tham gia hoạt động ngoài trời do lo ngại bụi siêu mịn có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể và gây bệnh.

Hà Nội mù mịt dù trời nắng - ảnh chụp sáng 12/12 - Ảnh: Xuân Hưng

Hà Nội, tất nhiên không thể áp các tiêu chuẩn của Hàn Quốc vào bởi như một vị chuyên gia về môi trường đã nói, nếu áp tiêu chuẩn này, ngày nào chính quyền cũng sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Trên thực tế, số ngày mà Hà Nội có chỉ số ô nhiễm ở mức an toàn (từ 50 trở xuống, tương ứng với màu xanh) là vô cùng hiếm hoi. Ngay cả ở mức vàng, mức mà Seul phát đi thông điệp cảnh báo, thì đã là đáng mơ ước của người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, khi không khí liên tục ở mức cam, thậm chí xuất hiện cả mức tím (trên 300) thì việc im lặng của Thành phố là điều mà nhiều người cho là không bình thường.

Sáng 12/12, chỉ số nồng độ bụi mịn tại Hà Nội tăng mạnh, nhiều nơi đã rơi vào mức tím

Trước đó, dù cho Thành phố đã đưa ra những giải pháp như: Cấm hẳn sử dụng bếp than tổ ong; cấm đốt rơm rạ, di chuyển nhà máy gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô; trồng nhiều cây xanh…, nhưng đó đều là những giải pháp mà Thành phố đã đưa ra từ nhiều năm nay mà chưa thực hiện được triệt để, cũng như chưa thấy có những hiệu quả rõ ràng.

Vậy nên, những giải pháp tức thời cho các thời điểm ô nhiễm không khí tăng cao là điều mà Thành phố cần phải làm ngay lập tức.

“Thành phố cần phải có những biện pháp cứng rắn” – một người viết trên trang cá nhân.

“Thành phố nên xem xét và áp dụng mấy biện pháp tức thời như: Đình chỉ tạm thời một số công trình xây dựng gây ồn, bụi; yêu cầu các công trình xây dựng lắp camera truyền ảnh về các cơ quan, tốt hơn nữa thì công khai cho dân; Đình chỉ hoạt động một số cơ sở sản xuất, làng nghề; Lắp camera ở các làng có nhiều cơ sở sản xuất như vậy; Không cho các xe buýt kém chất lượng hoạt động, tăng xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch...” – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, ông Hoàng Dương Tùng nói.

Người dân đốt (rơm rạ hoặc rác) - ảnh chụp khu vực gần sân bay Nội Bài chiều 7/12: Xuân Hưng

Đáng chú ý, những ngày này, tại các vùng ngoại thành Hà Nội vẫn xuất hiện nhiều đám khói lớn do hiện tượng đốt (có thể là rơm rạ, có thể là rác). Hành động này góp phần gây ô nhiễm không khí nặng nề hơn, tuy nhiên, việc ngăn chặn các hành vi đốt rác cũng không được làm một cách triệt để, nghiêm túc.

Không chỉ bụi mịn, thời tiết hanh khô và lưu lượng tham gia giao thông lớn khiến các loại bụi lớn hơn, dù không gây nguy hiểm cho sức khỏe bằng bụi mịn nhưng cũng góp phần làm gia tăng các loại bệnh về đường hô hấp hay các bệnh về da... Nhiều người dân Thủ đô cũng thắc mắc khi không thấy Thành phố sử dụng các xe rửa đường vào ban đêm để khiến cho bụi bẩn được trôi bớt xuống cống. Ngoài ra, việc kiểm soát các xe chở vật liệu xây dựng, các xe tải... đã nhiều năm nay được Thành phố đưa ra phương án là sẽ phải rửa sạch trước khi vào Thành phố, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được thực hiện.

Một số ý kiến cũng cho rằng, việc trồng nhiều cây xanh chỉ giúp tăng lượng oxy nhưng không thể giảm bớt bụi, nó chỉ là nơi để "hứng" bụi một cách tạm thời, và khi có một cơn gió mạnh thì bụi từ các cây này sẽ lại bay tỏa ra không khí, gây ô nhiễm. Cho nên, điều quan trọng nhất vẫn phải là làm giảm nguồn phát thải bụi, mà đối với Hà Nội, về lâu dài, việc hạn chế phương tiện cá nhân vẫn là một giải pháp không thể không làm.

Theo VnMedia

http://vnmedia.vn/dan-sinh/201912/nong-do-bui-min-dang-tang-manh-ha-noi-co-the-lam-gi-de-ngan-chan-5a30f03/