DN Cần Thơ và khu vực ĐBSCL thêm cơ hội thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử

VietTimes – Các doanh nghiệp ở Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được kết nối để tìm đến các giải pháp hỗ trợ phân phối sản phẩm trên sàn cũng như các giải pháp hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá cao hình thức kinh doanh trực tuyến.

Tại Hội nghị "Kết nối thương mại điện tử với doanh nghiệp Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 2022" vừa diễn ra hôm nay (9/9), bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, cho biết: Những năm gần đây, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, đứng top 3 về quy mô thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á, được đánh giá cao về tiềm năng phát triển số hóa các dịch vụ, lĩnh vực, ngành nghề.

Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cùng nhiều Bộ ngành Trung ương, các Sở ngành địa phương, các đối tác, doanh nghiệp thương mại điện tử đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ, phân phối sản phẩm trên các Sàn thương mại điện tử. Đơn cử như chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday hay “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử, Goonline.

Chính vì vậy, bà Nguyễn Minh Huyền mong muốn thông qua Hội nghị này các doanh nghiệp địa phương sẽ có được những giải pháp hỗ trợ để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ phân phối sản phẩm trên sàn cũng như các giải pháp hỗ trợ tài chính số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số, phát triển công nghệ và thúc đẩy phân phối sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; Khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông đặc sản, sản phẩm tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ, hai đặc điểm nổi bật nhất trong làn sóng thứ 2 của thương mại điện tử chính là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, các thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số.

“Đã có 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng thị trường sẽ tốt hơn trong bối cảnh kinh tế mới. Do đó, giai đoạn này được xem là thời điểm để đa số doanh nghiệp tiếp cận và tiến hành chuyển đổi số, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” - ông Đức nhấn mạnh.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ cho biết: Cần Thơ là thị trường trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và thương mại, thương mại điện tử trong liên kết vùng giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã của địa phương.

Do đó, sự kiện lần này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp địa phương có thể nghiên cứu, được tư vấn trực tiếp từ các sàn thương mại điện tử, phát triển thương hiệu trực tuyến cũng như giải pháp số, thanh toán trực tuyến giúp doanh nghiệp, hợp tác xã mở thêm kênh phân phối mới qua môi trường trực tuyến.

Lễ ký kết biên bản hợp tác về phát triển thương mại điện tử giữa Sở Công thương Cần Thơ và Sở Công thương Kiên Giang.

Chuỗi hoạt động Hội nghị về thương mại điện tử được đánh giá sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tại Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi cả nước thông qua thương mại điện tử. Đồng thời, đây cũng là hoạt động thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh./.