Đỉnh Phan Xi Păng và tờ giấy khen

Một số ý kiến cho rằng, có những đỉnh cao nào đấy chỉ nên dành riêng cho một số người, chứ không phải cho tất cả.
Đỉnh Phan Xi Păng và tờ giấy khen

Được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” với độ cao khoảng hơn 3.000 mét, đỉnh Phan Xi Păng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai) được coi là điểm đích chinh phục của hàng ngàn người, đặc biệt là những người trẻ. Tuy nhiên gần đây, khi tuyến cáp treo từ mặt đất lên thẳng tới đỉnh ngọn núi hùng vĩ này được đưa vào hoạt động, người ta chỉ mất khoảng hơn chục phút để “chinh phục” đỉnh núi chứa nhiều huyền thoại huyền hoặc này thì tôi lại băn khoăn liệu việc lên đỉnh Phan Xi Păng quá dễ dàng có khiến địa danh này trở nên “tầm thường” hay không?

Khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm người chen chúc chụp hình trên đỉnh ngọn núi cao nhất vùng bán đảo Đông Dương rộng lớn, tôi vô cùng ngỡ ngàng. Tất nhiên, với bất kỳ thử thách nào của thiên nhiên, việc con người chinh phục nó ngày càng dễ dàng là quá trình tiến bộ tất yếu. Cách đây một trăm năm, để đi từ Bắc vào Nam có khi phải mất vài tuần di chuyển nhưng hiện nay, thời gian chỉ là gần hai tiếng đồng hồ. Tương tự, cách đây ba trăm năm những người đầu tiên cũng phải mất chừng ba tháng để đi vòng quanh thế giới nhưng ngày nay, việc đó chỉ chưa tới một tuần... Và bây giờ chỉ cần ngồi cáp treo là đã có thể lên ngọn núi này thay vì bỏ thời gian hàng tuần để chinh phục. Cái khác chỉ là cảm giác ở mỗi người.

Một số ý kiến cho rằng, có những đỉnh cao nào đấy chỉ nên dành riêng cho một số người, chứ không phải cho tất cả. Như đỉnh Phan Xi Păng, hãy để nó giữ nguyên vẻ huyền bí, vẻ mê hoặc của từng viên đá, từng vách dựng cheo leo, từng mảng rừng Hoàng Liên Sơn hùng vĩ ngàn đời từ từ, từng bước một nằm lại đằng sau những bước chân chinh phục. Nếu ai cũng lên được đỉnh Phan Xi Păng, thì đỉnh núi này chẳng mấy chốc cũng như những đỉnh núi khác. Giá trị của những đỉnh cao là con đường để chinh phục đỉnh cao đó. Còn nếu bạn “mượn chân” người khác để leo đến đỉnh cao, bạn không bao giờ hiểu được giá trị thật của cuộc sống, của chính bản thân mình là cái gì!

Không hiểu sao, tôi hay nghĩ về những tờ giấy khen khi hình dung việc hàng ngàn người đứng trên đỉnh Phan Xi Phăng mỗi ngày. Trước, khoảng chừng gần 20 năm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi rất nhớ cảm giác hân hoan, tự hào mỗi khi được lên bục giảng nhận giấy khen dịp cuối năm. Hồi đó, cả năm mới có dịp trao giấy khen một lần, cho vài học trò ưu tú trong lớp. Đến tận bây giờ, dù đã bợt bạt màu sắc nhưng những tờ giấy khen lớp 6, lớp 8, lớp 9 (không có lớp 7) của tôi vẫn còn được treo trên tường, ở ngôi nhà ngoài quê. Sau này, giấy khen được trao nhiều hơn, đặc biệt tại thành phố, dành cho gần như tất cả các học sinh.

Thậm chí, tần suất trao giấy khen cũng tăng lên, một năm 2 lần. Gần đây, có đứa cháu học trường dân lập còn khoe ở lớp mỗi tháng cô giáo trao giấy khen một lần. Bạn nào đóng tiền đầy đủ, đúng ngày đều nhận được giấy khen. Có lẽ, việc có quá nhiều giấy khen khiến các bạn trẻ bây giờ không hiểu giá trị của tờ giấy khen là gì. Chúng biết mỗi tháng đóng tiền là có một tờ, rồi vứt đâu đó, thậm chí vứt luôn cũng chẳng mảy may luyến tiếc. Chúng không bao giờ hiểu được cảm giác phải thức đêm đêm làm bài tập về nhà, phải cố gắng môn này, môn kia để hy vọng cuối năm có được tờ giấy khen.

Với đoàn người có ý chinh phục đỉnh núi hùng vĩ kia cũng vậy. Phan Xi Păng nhiều lúc nó cũng như một tờ giấy khen mà tạo hóa ban cho mỗi con người sau một quãng thời gian thử thách nhất định. Nếu bạn không đủ sức khỏe, lòng kiên trì, can đảm và đối mặt với thử thách, bạn dứt khoát không có được nó. Và, khi bỏ tiền mua một cái vé, ngồi lên đó chừng mươi phút để lên đỉnh thì cũng như cảm giác bạn mua một tờ giấy khen về, viết tên mình lên đó. Cũng là tờ giấy khen, nhưng giá trị hoàn toàn khác nhau.

Theo TBKTSG