Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ và Iran đều coi nhau là “chủ nghĩa khủng bố”?

VietTimes -- Ngày 8.4 (theo giờ Washington), Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một tuyên bố đã gọi “Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo” [quân đội quốc gia Iran] là “tổ chức khủng bố quốc tế” và gọi đây là điều chưa từng có. Đáp lại, chỉ ít giờ sau, Hội đồng An ninh Quốc gia Iran cũng tuyên bố coi lực lượng quân sự Mỹ là “tổ chức khủng bố”. Hành động thù địch ăn miếng trả miếng giữa hai bên này sẽ gây nên những hệ lụy lớn, khiến mối quan hệ vốn đã rất xấu giữa hai quốc gia này càng trở nên xấu hơn, thậm chí có thể diễn biến khó lường.
Việc Mỹ và Iran coi lực lượng vũ trang của nhau là tổ chức khủng bố sẽ khiến quan hệ giữa hai nước càng xấu thêm.
Việc Mỹ và Iran coi lực lượng vũ trang của nhau là tổ chức khủng bố sẽ khiến quan hệ giữa hai nước càng xấu thêm.

Mỹ bất ngờ coi Đội vệ binh cách mạng Iran là tổ chức khủng bố

Tuyên bố của ông Donald Trump nói: “Hôm nay, tôi chính thức tuyên bố chính phủ của tôi căn cứ quy định của Điều 219 Luật di dân và quốc tịch (Immigration and Nationality Act), xác định Đội vệ binh cách mạng Hồi giáo của chính phủ Iran (Islamic Revolutionary Guard Corp-IRGC), bao gồm cả lực lượng đặc nhiệm Thánh chiến (Qods Force) là Tổ chức khủng bố quốc tế (Foreign Terrorist Organization-FTO).

Tuyên bố chỉ rõ: “Đây là bước đi quan trọng chưa từng có trong lịch sử của chính phủ. Iran không chỉ là quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố mà IRGC cũng tích cực tham gia và thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố, là công cụ sách lược để bành trướng ra bên ngoài. IRGC là thủ đoạn chủ yếu của chính phủ Iran chỉ huy và thực hiện phong trào khủng bố trên toàn cầu”.

Các binh sĩ Lực lượng Vệ binh cách mạng Islam Iran (IRGC) diễu binh.
Các binh sĩ Lực lượng Vệ binh cách mạng Islam Iran (IRGC) diễu binh.

Ông Trump nói, việc xác định này là lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Mỹ coi một cơ quan chính phủ của một quốc gia là tổ chức khủng bố quốc tế (FTO) và thể hiện rõ sự thực hành động của chính phủ Iran khác biệt cơ bản với các chính phủ khác. Hành động này sẽ khiến chúng ta (Mỹ) mở rộng phạm vi và quy mô gây sức ép lớn nhất lên chính quyền Iran; đồng thời thể hiện rõ ai triển khai nghiệp vụ hoặc ủng hộ hành động của IRGC sẽ chuốc lấy nguy hiểm; làm ăn với IRGC sẽ bị coi là tài trợ chủ nghĩa khủng bố!

Ngoài ra, hành động này cũng nhằm gửi đến chính quyền Teheran một thông điệp rõ ràng: ủng hộ chủ nghĩa khủng bố sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta sẽ tiếp tục gây sức ép về tài chính và tăng thêm giá thành mà Iran phải trả do ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, cho đến khi họ từ bỏ các hành vi xấu xa và phạm pháp.

Sau khi IRGC bị coi là tổ chức khủng bố quốc tế, các công ty và cá nhân không được  cung cấp bất cứ sự giúp đỡ hay tài nguyên gì, ví dụ dịch vụ tiền tệ, thiết bị huấn luyện, tư vấn chuyên gia, vũ khí và vận tải cho các công ty mà IRGC kiểm soát và các quan chức của nó. Những ai giao dịch với IRGC sẽ bị khởi tố dân sự hoặc hình sự và bị trừng phạt. Ngoài ra, mọi đại diện ở nước ngoài của IRGC và công ty do IRGC kiểm soát đều bị cấm vào Mỹ hoặc cư trú tại Mỹ. Theo đó, Mỹ cũng sẽ niêm phong mọi tài sản của IRGC trên đất Mỹ, mọi thành viên của tổ chức này nếu ra nước ngoài có thể bị bắt và dẫn độ tới Mỹ.

Binh sĩ thuộc Lực lượng đặc nhiệm Thánh chiến (Qods Force).
Binh sĩ thuộc Lực lượng đặc nhiệm Thánh chiến (Qods Force).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên tiếng cho rằng, việc xác định IRGC là tổ chức khủng bố quốc tế là xác nhận một sự thực căn bản, là sự đáp trả trực tiếp một chính quyền phạm pháp, mọi người không nên quá cảm thấy kinh ngạc [trước hành động của Mỹ]. Ông nói: “IRGC ngụy trang thành một tổ chức quân đội hợp pháp, nhưng chúng ta không nên bị họ qua mặt”. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton nói hành động này sẽ giúp đánh phá các công ty do IRGC kiểm soát ở châu Âu và các quốc gia khác.

Chính phủ của ông Donald Trump cho rằng, hành động này sẽ cô lập thêm Iran và cho thấy rõ Mỹ sẽ không dung thứ Iran tiếp tục ủng hộ các nhóm phiến quân và các quốc gia phá hoại cục diện của Trung Đông.

Tuy nhiên bên cạnh những người ủng hộ quyết định của ông Donald Trump, cũng có những ý kiến bày tỏ lo ngại. Ông Jason Blazakis, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chỉ định và tài chính chống khủng bố của chính phủ (Counterterrorism Finance and Designations Office) cho rằng, việc xác định này sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn. Ông nói: “Xác định IRGC là Tổ chức khủng bố quốc tế (FTO) là một điều chưa từng có trong lịch sử. Trước đây công cụ chế tài FTO chưa bao giờ nhằm vào một cơ quan chính phủ nước ngoài nào”. Jason Blazakis hiện là Giáo sư thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, cho rằng quyết định này sẽ gây nên ảnh hưởng sâu rộng.

IRGC được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei.
IRGC được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei.

Một số quan chức Lầu Năm Góc, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joe Dunford cảnh báo, hành động này có thể sẽ không đạt được hiệu quả gây tổn hại kinh tế Iran, trái lại, sẽ dẫn đến tình trạng chống quân đội Mỹ mạnh mẽ hơn của Iran. Các quan chức CIA cũng bảo lưu ý kiến về việc quyết định này sẽ dẫn đến hậu quả xấu.

Một quan chức Bộ Quốc phòng nói, Bộ tư lệnh Trung tâm (The U.S. Central Command) dự tính mấy ngày tới sẽ phát đi cảnh báo khu vực cho quân đội Mỹ để đề phòng quyết định này của Washington sẽ kích động Iran hoặc lực lượng dân quân Shiites được Iran ủng hộ tiến hành các hoạt động trả đũa.

Theo số liệu của cơ quan nghiên cứu Congressional Research Service thuộc quốc hội Mỹ thì, IRGC là một bộ phận thuộc quân đội Iran được coi là tuyệt đối trung thành với chính phủ có tiềm lực kinh tế rất mạnh. IRGC được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, hiện có lực lượng mặt đất 100.000 quân, vận hành chương trình tên lửa đạn đạo, tham gia kế hoạch hạt nhân và đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các phần tử chống chính phủ trong lãnh thổ Iran. Lực lượng đặc nhiệm Thánh chiến Qods Force thì chuyên trách cung cấp vũ khí và xây dựng lực lượng dân binh thân Iran tại Syria, Iraq và các nước khác trong khu vực Trung Đông.

Với việc coi IRGC là tổ chức khủng bố quốc tế, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cũng bị Iran coi là tổ chức khủng bố và đứng trước nguy cơ bị tiến công.
Với việc coi IRGC là tổ chức khủng bố quốc tế, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cũng bị Iran coi là tổ chức khủng bố và đứng trước nguy cơ bị tiến công.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo năm 2017 khi còn là Giám đốc CIA đã nhận định, các công ty do IRGC kiểm soát có thể khống chế 20% nền kinh tế của Iran, bao gồm các ngành quan trọng nhất như năng lượng.

Iran thẳng thừng đáp trả

Theo Đài truyền hình quốc gia Iran ngày 8.4, Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran cùng ngày ra tuyên bố: “Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran cho rằng Hoa Kỳ là một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và coi Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) và tất cả các đơn vị trực thuộc nó là tổ chức khủng bố”. CENTCOM là cơ quan phụ trách chỉ huy mọi hành động quân sự của quân đội Mỹ tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi và các quốc gia Trung Á.

Tuyên bố nhấn mạnh, hành động này là nhằm đáp lại hành động phi pháp và bất hợp lý của Mỹ và cảnh báo “chính phủ Mỹ phải gánh chịu mọi trách nhiệm và hậu quả nghiêm trọng do hành động của họ gây nên”.

Ngoài ra, theo Hãng thông tấn Syria SANA ngày 8.4, Bộ Ngoại giao  Syria đã ra tuyên bố kịch liệt lên án Mỹ coi IRGC là tổ chức khủng bố và gọi đó là hành động vô trách nhiệm, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của Iran. Tuyên bố gọi hành động này của Mỹ là nhằm phục vụ lợi ích của Israel và chủ nghĩa bá quyền của phương Tây ở khu vực này.

Ông Zaffari, Tổng tư lệnh IRGC hôm 7.4 (theo giờ Iran) đã tuyên bố: việc coi IRGC là tổ chức khủng bố “là một hành động vô cùng ngu xuẩn”. Nếu Mỹ thực sự hành động như thế khiến an ninh quốc gia của Iran bị uy hiếp, IRGC sẽ triển khai báo thù. Ông nói thẳng, quân đội Mỹ và lực lượng an ninh sẽ mất đi sự yên tĩnh mà họ đang được hưởng như hiện nay tại khu vực Tây Á.

Cùng ngày, 255 nghị sĩ quốc hội Iran đã ra tuyên bố chung, nói nếu Mỹ có hành động, Iran sẽ có biện pháp trả đũa tương xứng. Tuyên bố cũng coi Mỹ là kẻ tạo nên và ủng hộ các phần tử khủng bố ở khu vực Trung Đông; cảnh cáo “Washington sẽ cảm thấy hối hận vì quyết định ngu xuẩn và không thích đáng coi IRGC là tổ chức khủng bố”.

Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif trong Twitter cảnh cáo gửi ông Donald Trump cho rằng việc Mỹ xác định IRGC là “tổ chức khủng bố quốc tế” là thể hiện âm mưu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kéo Mỹ vào vũng lầy.

Ông Zaffari, Tổng tư lệnh IRGC: việc coi IRGC là tổ chức khủng bố “là một hành động vô cùng ngu xuẩn”... quân đội Mỹ và lực lượng an ninh sẽ mất đi sự yên tĩnh mà họ đang được hưởng như hiện nay tại khu vực Tây Á.

Ông Zaffari, Tổng tư lệnh IRGC: việc coi IRGC là tổ chức khủng bố “là một hành động vô cùng ngu xuẩn”... quân đội Mỹ và lực lượng an ninh sẽ mất đi sự yên tĩnh mà họ đang được hưởng như hiện nay tại khu vực Tây Á.

Hành động của Mỹ coi IRGC lập tức được Israel hoan nghênh, Ông Benjamin Netanyahu đã viết Twitter bày tỏ cảm ơn ông Trump: “Cảm ơn Tổng thống Donald Trump đã quyết định coi IRGC là tổ chức khủng bố. Ngài lại một lần nữa bảo vệ an ninh cho thế giới để thế giới khỏi bị Iran xâm lược và không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khủng bố”.

Theo mạng Người quan sát của Trung Quốc thì IRGC được thành lập sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, cùng với Quân đội Cộng hòa Hồi giáo Iran (Islamic Republic Iran Army-IRIA), tạo thành lực lượng vũ trang chính quy của Iran. IRGC có 3 quân chủng hải, lục, không quân với tổng số 125.000 người, song song với cấu trúc của quân đội chính quy. Tuy nhiên, chỉ có IRGC được quyền kiểm soát các lực lượng tên lửa và tên lửa chiến lược của Iran.

Người ta cho rằng sức mạnh của đạo quân này còn mạnh hơn cả quân đội quốc gia chính quy. Sứ mạng cốt lõi của IRGC là bảo vệ chính quyền cách mạng Hồi giáo. Ngoài ra IRGC còn có ảnh hưởng quan trọng trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, thương mại và tài chính của Iran. Theo các số liệu công khai thì hiện lực lượng IRGC kiểm soát 60 cửa khẩu biên giới của Iran, 57% lượng hàng nhập khẩu và 30% hàng xuất khẩu, nắm giữ các ngành kinh tế trụ cột như chế tạo dược, viễn thông và dầu lửa, có gần 600 công ty thương mại ở nước ngoài.

Từ năm 1984, Iran đã bị Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Trong hơn 10 năm qua, Bộ Tài chính Mỹ đã lấy cớ vấn đề hạt nhân để đưa nhiều thực thể và cá nhân liên quan đến IRGC vào danh sách trừng phạt, trong đó có Lữ đoàn Thánh chiến Al-Qods Force bị cáo buộc cung cấp viện trợ cho các lực lượng vũ trang thân Iran ở Syria và Iraq.

Theo The Wall Street Journal, một quan chức Mỹ cho biết, nếu trong vòng 7 ngày quốc hội Mỹ không đưa ra ý kiến phản đối thì IRGC sẽ chính thức bị Mỹ đưa vào danh sách đen “các tổ chức khủng bố”, Bộ Tài chính Mỹ sẽ theo đó áp dụng biện pháp trừng phạt tương ứng.

Giới quan sát cho rằng nếu Mỹ chính thức đưa IRGC vào danh sách “tổ chức khủng bố quốc tế” thì có thể làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Mỹ, thậm chí hoạt động tiến công vào quyền lợi của Mỹ ở các nước trong khu vực, khiến tình hình Trung Đông vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn.